“Ươm mầm” cho các doanh nghiệp khởi nghiệp

 
Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp là con đường ngắn nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
 
Các chuyên gia nhận định, việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp là con đường ngắn nhất để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) và rộng hơn là năng lực cạnh tranh quốc gia. Tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2016 do Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) tổ chức ngày 1.4, tâm điểm chú ý là làm thế nào để xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp dưới góc nhìn khoa học công nghệ.
 
Nhiều “mầm xanh” được vun đắp
 
Theo Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc, câu chuyện khởi nghiệp ở Việt Nam (VN) mới chỉ bắt đầu khoảng 10 năm trở lại đây với nhà đầu tư đầu tiên là một DN của Mỹ.
 
Tuy nhiên, hiện nay, theo khảo sát của PV, riêng trong lĩnh vực công nghệ, VN có khá nhiều chương trình ươm tạo ở nhiều quy mô, cung cấp cho các start-up một môi trường có chi phí thấp (hoặc miễn phí), hỗ trợ phát triển qua các giai đoạn huấn luyện, hướng dẫn với các cố vấn hoặc một số chương trình có đầu tư tiền mặt. Có thể kể đến như: Silicon Valley VN, dự án FIRST, Khu công nghệ cao Sài Gòn (SHTP), trung tâm công nghệ của Đại học Quốc gia VN…
 
Ngày 30.3 mới đây, trong khuôn khổ hội thảo Khởi động sáng kiến khởi nghiệp quốc gia diễn ra tại Hà Nội, Tập đoàn FPT và quỹ đầu tư dài hạn Dragon Capital Group đã ký thỏa thuận hợp tác về việc thành lập quỹ tăng tốc khởi nghiệp VN (VIISA). Mục đích của quỹ là đào tạo, đầu tư, hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mobile, Internet, tài chính để trở thành các DN thành công. Dự kiến trong quý II/2016, khóa đào tạo tăng tốc khởi nghiệp đầu tiên của VIISA sẽ chính thức bắt đầu.
 
Ông Tạc đánh giá, đây là những tín hiệu tích cực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của VN; từ đó nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của các DN, tăng cường sức mạnh của nền kinh tế.
 
Khó khăn lớn vẫn là vốn!
 
Tuy nhiên, theo ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN (Bộ KHCN), ngân sách cho hoạt động đầu tư mạo hiểm hiện vẫn chưa được phép.
 
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Trung Quỳnh – Phó Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc cho biết: “Trung tâm ươm tạo DN Công nghệ cao của Khu CNC Hòa Lạc hiện tại mới chỉ hỗ trợ cơ sở vật chất kỹ thuật, tư vấn pháp luật, kế hoạch kinh doanh và công nghệ… Tuy nhiên không có hỗ trợ về vốn vì cơ chế còn vướng, chủ yếu tiếp cận theo từng dự án một”.
 
Ông Quỳnh đánh giá: “Theo cơ chế hiện nay, việc xin Nhà nước cấp một khoản vốn để làm quỹ là hơi khó. Vì vậy, chúng tôi vẫn đang làm theo hướng tìm kiếm, huy động, kêu gọi các đơn vị lớn để cùng thành lập một quỹ để từ đó, thành lập mô hình ươm tạo DN. Điều này khả thi hơn là xin cơ chế của Nhà nước!”.
 
Ngoài ra, ông Phạm Hồng Quất cho biết, hiện nay Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Bộ KHĐT để chỉnh sửa đề án phát triển DN khởi nghiệp đã trình trong tháng 1. Về cơ bản, Văn phòng Chính phủ ủng hộ những nội dung mà Bộ KHCN đề xuất căn cứ trên ứng dụng nhu cầu của các DN khởi nghiệp trong lĩnh vực KHCN.
 
Với nhu cầu bức thiết về nguồn vốn, chương trình đề xuất cơ chế liên kết trung tâm, kết nối hỗ trợ đầu tư trong nước và nước ngoài. Qua đó, khuyến nghị chính sách để các nhà đầu tư rót vốn và thoái vốn một cách thuận lợi. Liên quan đến cơ chế cho vấn đề này, Bộ KHĐT đang xây dựng dự thảo luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa, trong đó có một chương liên quan đến ươm tạo DN. Theo đó, việc hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm có thể có sự góp vốn của Nhà nước, hành lang pháp lý cũng cho phép các viện, trường học và DN quan tâm đều có thể đầu tư vào các DN start-up.
 
KHÁNH LINH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *