Thấy gì từ việc cấp chứng chỉ hành nghề biên tập viên?

(Dân Việt) Lần đầu tiên, những người làm nghề biên tập được cấp chứng chỉ hành nghề biên tập viên khi Bộ TTTT vừa cấp 804 chứng chỉ. Có chứng chỉ, các biên tập viên sẽ ý thức được danh dự, giá trị của nghề nghiệp…
 
Chỉ 804 người có thẻ    
 
Không thể phủ nhận, những năm gần đây, mỗi khi đi mua sách, cầm  một cuốn sách trên tay, độc giả thường xem rất kỹ và băn khoăn về tên của NXB. Điều này càng được thể hiện rõ khi ngành xuất bản xã hội hóa với những hoạt động liên kết xuất bản rất lộn xộn, nhiều sai sót. Chính vì thế, Bộ TTTT quyết định tổ chức các lớp bồi dưỡng và cấp thẻ  hành nghề biên tập viên cho các NXB. Ngày 8.12 vừa qua, sau 4 năm kể từ khi xây dựng Luật Xuất bản, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã hoàn thành các lớp tập huấn cho 804 biên tập viên và chính thức trao chứng chỉ hành nghề đợt 1 là 500 thẻ.
 
 
Những biên tập viên được trao chứng chỉ hành nghề do Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ TTTT cấp ngày 8.12 tại Hà Nội.  Ảnh: T.H
 
Theo ông Chu Văn Hòa- Cục Trưởng, Cục Xuất bản, In và Phát hành thì trước đây, việc biên tập sách chưa biết giao cụ thể cho ai, bao nhiêu người được phép biên tập sách. Ví dụ, con số biên tập ngày trước có thể tăng một cách tùy tiện từ 804 biên tập lên 900 hoặc 1.000 người. Thế nhưng, bắt đầu từ 1.1.2016, 804 biên tập viên có chứng chỉ hành nghề sẽ đi vào hoạt động mà không có sự biến động lên, xuống con số.
 
“Chúng ta đang làm công việc là chỉ rõ ai không đủ tiêu chuẩn trong việc biên tập sách. Tôi nghĩ vá “cái sàng” này giống như việc chúng ta kiện toàn lại chất lượng đội ngũ biên tập viên. Mà kiện toàn đội ngũ không chỉ một việc phát thẻ là xong, mà đây chỉ là việc đặt nền móng cho vấn đề lâu dài”- ông Chu Văn Hòa cho biết.
 
Thay đổi lớn trong xuất bản
 
  Theo ông Chu Văn Hòa, với thẻ hành nghề, nếu không có vi phạm nào thì người có thẻ này có thể sử dụng vĩnh viễn. “Với nghề con chữ, gừng càng già càng cay, nhãn quan, nghiệp vụ của họ càng cao”- ông Hòa khẳng định. 
 
Luật Xuất bản có hiệu lực từ tháng 7.2013, quy định rõ tổng biên tập, biên tập viên phải có chứng chỉ hành nghề do Bộ TTTT cấp. Bởi thế, từ cuối năm 2014 đến hết năm 2015, Cục Xuất bản, In và Phát hành phối hợp với Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý TTTT tổ chức 11 lớp, với 1.144 học viên. Song song với việc cấp chứng chỉ hành nghề, bắt đầu từ 1.1.2016, Cục Xuất bản, In và Phát hành công khai lai lịch từng cuốn sách.
 
Lý giải sâu hơn về điều này, ông Chu Văn Hòa cho hay, theo quy định của luật, sách được phát hành phải ghi rõ: Giám đốc là ai, Tổng biên tập là ai, biên tập viên là ai… Đây là 3 thành tố phải có trên bìa cuốn sách. Điều này hiện được định danh rõ, vì phát thẻ nào trong máy ở Cục cập nhật thông tin đầy đủ, bằng cấp gì, lý lịch, vào hoạt động xuất bản năm nào, hiện đang làm ở đâu, có bao nhiêu vi phạm. Mỗi người có tên và số thẻ được định danh trong máy.
 
“Quy trình đó chỉ mất một ngày giải quyết xong, không ảnh hưởng sản xuất, đảm bảo thông tin công khai. Cơ quan quản lý các cấp, người mua sách biết được danh sách sách hợp pháp mới xuất bản. Những biên tập viên không có thẻ đều bị máy từ chối nạp dữ liệu. Điều này sẽ hạn chế được chuyện in sách lậu. Tuy nhiên, tôi rất buồn khi phải thông báo gần 10 tổng biên tập NXB không tham gia khóa học, nên chưa được cấp thẻ đợt này”- ông Chu Văn Hòa nói.
 
Chia sẻ về thay đổi mới này ông Vũ Văn Hùng- Giám đốc NXB Giáo Dục cho biết: “Nhiều nước quan niệm về biên tập viên rất danh giá. Bây giờ, người biên tập có chứng chỉ, ý thức được danh dự, giá trị của nghề nghiệp”.
 
Còn bà Nguyễn Thị Bích Thủy- Phó Giám đốc NXB Tri Thức thì cho biết: “Việc cấp thẻ mang lại nhiều thuận lợi. Những người hành nghề có sự khẳng định nhất định về vị trí trong quá trình làm việc, cũng như chịu trách nhiệm trước công chúng một cách chặt chẽ hơn, được bảo vệ trước pháp luật”. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *