Tăng cường nghiệp vụ cho cán bộ đầu mối truyền thông khoa học và công nghệ thuộc Bộ KH&CN

 
Nhằm tăng cường nghiệp vụ truyền thông về lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) cho các đơn vị đầu mối thuộc Bộ KH&CN, ngày 24/11/2016, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN- Bộ KH&CN đã tổ chức Hội thảo tăng cường năng lực nghiệp vụ báo chí, tuyên truyền cho cán bộ đầu mối các đơn vị thuộc Bộ KH&CN.
 
 
Toàn cảnh Hội thảo ngày 24/11
 
Tại Hội thảo, các báo cáo viên đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về nghiệp vụ truyền thông KH&CN qua một số chủ đề như: Đánh giá công tác truyền thông KH&CN năm 2016 và dự kiến kế hoạch năm 2017; Vai trò của truyền thông trong phát triển sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Truyền thông qua mạng Internet, hiệu quả và những điểm cần lưu ý.
 
TS. Nguyễn Xuân Toàn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN đã trình bày về công tác truyền thông KH&CN năm 2016 và dự kiến kế hoạch truyền thông trong năm 2017 bao gồm hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Cổng thông tin điện tử Bộ KH&CN và các cơ quan báo chí, xuất bản gắn với các nội dung trọng tâm trong năm 2016 như các công trình KH&CN quốc gia đạt hiệu quả lớn; Các đơn vị, cá nhân xuất sắc, cơ chế chính sách, phát triển ứng dụng KH&CN tại các Bộ, Ban, ngành; Hiệu quả phát triển KH&CN địa phương; Hoạt động KH&CN tại các doanh nghiệp… Ông Nguyễn Xuân Toàn nhấn mạnh, để công tác truyền thông đạt hiệu quả cao hơn nữa, định hướng chủ yếu trong năm 2017 cần tập trung tổng hợp đầy đủ kế hoạch sự kiện cả năm, nhấn mạnh các sự kiện, nội dung quan trọng cần tuyên truyền mạnh mẽ, dự kiến nội dung truyền thông; truyền thông các hoạt động chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5, các hoạt động lớn của Bộ, chú trọng truyền thông trên các báo đài lớn; triển khai tin, bài phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin kịp thời các sự kiện, đặc biệt là các sự kiện đột xuất; xác định rõ đối tượng truyền thông và chủ thể làm truyền thông, thông điệp truyền thông, tăng tính thu hút hấp dẫn nội dung.
 
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe TS. Trần Bá Dung – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ – Hội Nhà báo Việt Nam báo cáo chuyên đề “Truyền thông qua mạng Internet, hiệu quả và những điểm cần lưu ý”. Theo TS. Trần Bá Dung, hiện nay, bên cạnh những tiện ích, thì các nguy cơ và tác động tiêu cực từ Internet rất đa dạng như: Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đánh cắp công nghệ, tài sản trí tuệ, bản quyền trên Internet ngày càng tăng; Nguy cơ gián điệp mạng đã trở nên phức tạp, nguy hiểm, tấn công làm tê liệt hoặc chiếm quyền kiểm soát các trang web là rất nghiêm trọng; sử dụng môi trường Internet để phát tán những thông tin bịa đặt, thông tin không được kiểm chứng, không có nguồn gốc đáng tin cậy, những thông tin độc hại, phản cảm nhằm vu khống, bôi nhọ cá nhân, tổ chức, thương hiệu, gieo rắc tư tưởng, tổ chức các hoạt động khủng bố, phá hoại; đặc biệt thông tin trên Internet được chia sẻ và lan truyền rất nhanh, gây nên các hiệu ứng và hậu quả xấu.
 
Theo TS. Trần Bá Dung, môi trường Internet tiềm ẩn nhiều rủi ro, không phải ai cũng biết cách kiểm soát và sử dụng công nghệ hiệu quả, hỗ trợ tốt nhất cho công việc và học tập. Do đó, cần phải có kỹ năng kiểm soát bản thân trong môi trường Internet, cần biết cách tìm kiếm, chọn lọc, phân tích thông tin; làm chủ máy tính, xây dựng website, phần mềm; sử dụng các dịch vụ của Google, các dịch vụ online phổ biến, kết nối mạng xã hội; quản lý và sử dụng comments; tổ chức và kiểm soát các diễn đàn trên mạng…
 
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, truyền thông trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) ngày càng đóng vai trò quan trọng. Các đại biểu tham dự Hội thảo đã được nghe TS. Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN báo cáo chuyên đề về “Vai trò của truyền thông trong phát triển sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Ông Phạm Hồng Quất cho biết: để truyền thông trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST đạt hiệu quả cao cần lưu ý làm rõ định nghĩa về khởi nghiệp ĐMST; Phân biệt khởi nghiệp ĐMST và khởi nghiệp thông thường; Phân biệt, hiểu rõ các khái niệm, thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp để có những phương thức, nội dung truyền thông phù hợp; Truyền thông không chỉ tập trung vào câu chuyện thành công mà còn truyền thông để khuyến khích tinh thần chấp nhận thất bại; Truyền thông không chỉ tập trung vào các kênh truyền thông chính thức mà còn mở rộng ra phương thức truyền thông qua mạng xã hội; Liên kết giữa truyền thông trong nước và truyền thông quốc tế về khởi nghiệp ĐMST.
 
Trong khuôn khổ của Hội thảo, các đại diện của các đơn vị đã có những thảo luận sôi nổi, đưa ra các đề xuất, giải pháp phù hợp nhằm mục đích tăng cường nghiệp vụ truyền thông KH&CN cho các đầu mối, giúp cộng đồng hiểu được những đóng góp thiết thực của các hoạt động KH&CN đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển của truyền thông KH&CN trong thời gian tới.
 
Nguồn:  Ánh Tuyết, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *