Tăng 30% năng suất chế biến chè nhờ cải tiến máy diệt men chè xanh

 

 

 

Trồng chè – ngành kinh tế mũi nhọn của Nghệ An. 
Lần đầu tiên tại tỉnh Nghệ An, loại máy diệt men truyền thống (do Trung Quốc thiết kế, chế tạo) đã được cải tiến, chế tạo thành máy diệt men mới đưa vào sử dụng trong dây chuyền sản xuất, phù hợp với trạng thái nguyên liệu thu hái tại địa phương. Nhờ đó, năng suất chế biến chè tăng 30%, đem lại lợi nhuận hơn 1,1 tỷ đồng/năm cho doanh nghiệp.

Đây là kết quả của công trình nghiên cứu đầu tư cải tiến máy diệt men chè xanh do Ông Chu Quang Vinh – Giám đốc Công ty TNHH chè Trường Thịnh (TP.Vinh, Nghệ An) và các cộng sự thực hiện. Công trình này vừa nhận được Giải thưởng sáng tạo KH&CN tỉnh Nghệ An năm 2013.

Trồng chè – ngành kinh tế mũi nhọn

Ở Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng, từ lâu việc trồng chè gắn với công nghiệp chế biến đã trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Tính đến hết năm 2013, Nghệ An có gần 8.000 ha chè, ước tính đến hết 2015 tăng lên 11.000 ha, năng suất bình quân từ 12 – 15/tấn/ha/năm. Năm 2012, sản lượng chè toàn tỉnh thu hái trên 50.000 tấn chè tươi. Hiện có gần 30 nhà máy chế biến, hàng năm chế biến hơn 10.000 tấn chè khô xuất khẩu, đem lại cho tỉnh nguồn ngoại tệ hơn 11 triệu USD. Cây chè thực sự đã trở thành loại cây xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, làm giàu cho hàng trăm hộ nông dân trồng chè miền núi xứ Nghệ.

Năm 2012, nhận thấy cấu tạo của bộ phận tiếp nhiệt và đảo chè diệt men của máy diệt men truyền thống do Trung Quốc thiết kế, chế tạo trước đây không còn phù hợp với hiện trạng chất lượng nguyên liệu thu hái theo tập quán tại địa phương như nguyên liệu chè búp tươi thu hái dài quá quy định (chiếm 95%), kích thước búp chè không đồng đều, đã hóa gỗ 50%,…, ông Chu Quang Vinh – Giám đốc Công ty TNHH chè Trường Thịnh (TP.Vinh, Nghệ An) và các cộng sự đã tìm tòi, nghiên cứu, cải tiến và chế tạo một loại máy diệt men mới phù hợp với trạng thái nguyên liệu thu hái tại địa phương.

Giám đốc Công ty Chu Quang Vinh cho biết, việc nghiên cứu, cải tiến máy diệt men truyền thống thành máy diệt men mới nhằm nâng cao chất lượng diệt men, tăng công suất diệt men một lần lên 20 tấn tươi/ngày. Cuối dây chuyền sản xuất cho ra sản phẩm chè xanh viên có chất lượng tốt, sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường, góp phần nâng cao giá thành sản phẩm chè xanh viên của công ty trên thị trường xuất khẩu.

Tăng 30% năng suất chế biến chè

Theo ông Chu Quang Vinh, nhóm nghiên cứu đã tháo dỡ máy diệt men truyền thống, cắt bỏ toàn bộ bộ phận tiếp nhiệt – đảo chè bên trong của máy diệt men truyền thống vì bộ phần này được Trung Quốc thiết kế chỉ phù hợp với chức năng diệt men cho loại nguyên liệu chè hái ngắn, búp chè đủ độ non, mềm như ở Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản,… không phù hợp với vùng nguyên liệu hái dài như ở Nghệ An.

Nếu như máy diệt men trước đây có cấu tạo bộ phận tiếp nhiệt – đảo chè bên trong là các lá thép dày, dài, được gắn dạng hình xoắn trôn ốc lên thành ruột thì nay được chế tạo mới bằng các thanh thép không rỉ, dài 1m, cao 10m, dày 5mm dạng thẳng, gắn song song, cách đều nhau bên trong thành ruột máy. Qua phân tích trước khi chế tạo và chạy thử nghiệm cho thấy, cấu tạo mới này giúp chè nguyên liệu được tiếp nhiệt một cách đồng đều, cho hiệu quả diệt men gần 100%.

Đặc biệt, trên các thanh thép tiếp nhiệt và đảo chè dạng thẳng được nghiên cứu và gắn một hệ thống răng thép hình tròn trụ, so le, cách đều để đảo chè diệt men khi máy làm việc. Nhờ hệ thống răng thép đảo chè này mà 100% chè búp tươi đưa vào diệt men được đảo tơi liên tục, chè không bị cuộn tròn, vón cục như máy truyền thống. Đặc biệt, nhờ cấu tạo mới của bộ phận đảo tơi, tiếp nhiệt mới có tính năng làm cho chè tiếp xúc với nhiệt liên tục và làm cho chè chuyển động đi ra ngoài một cách từ từ, đảm bảo thời gian chè đủ thời gian di chuyển trong lòng máy nên 100% enzim men sẵn có trong búp chè tươi được triệt tiêu hoàn toàn. Vì vậy, không phải sàng lại để diệt men lần 2 như khi dùng máy diệt men truyền thống.

Máy diệt men cải tiến đã được đưa vào hoạt động trong dây chuyền sản xuất chè xanh viên của công ty. Kết quả chè khi diệt men không còn bị cuộn tròn, vón cục, 98% búp chè khi cho vào diệt men được đảo tơi và tiếp xúc với nhiệt đồng đều. Khi kiểm tra chè thành phẩm ở công đoạn cuối cùng cho thấy chất lượng chè hơn hẳn 30% so với khi máy diệt men chưa được cải tiến. Cụ thể, gần 100% chè có màu xanh đen đặc trưng, tỷ lệ thu hồi cao hơn 15%, đặc biệt màu nước chè pha ra có màu xanh, trong sáng hơn 20%, độ bền màu của nước chè pha cao.

Theo tính toán, trong năm đầu tiên áp dụng, việc dùng máy diệt men cải tiến mới đã đem lại tỷ lệ thu hồi sản phẩm từ chè thô bán thành phẩm tăng 15%, đem lại lợi nhuận hơn 1,1 tỷ đồng cho doanh nghiệp. Công trình này không chỉ phù hợp áp dụng tại tỉnh Nghệ An mà còn phù hợp với các nhà máy chế biến chè xanh trên địa bàn cả nước.

Hơn 10 năm qua, Công ty TNHH chè Trường Thịnh đã thu mua, bao tiêu sản phẩm chè búp tươi trên địa bàn các xã của huyện miền núi Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông,… (Nghệ An) để chế biến thành sản phẩm chè xanh viên và chè xanh đen xuất khẩu, một phần bán tiêu dùng nội địa.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm chè của công ty: nội tiêu 10%, còn lại chủ yếu xuất khẩu đến thị trường các nước Anh, Hà Lan, Đức, Iran, Pakistan, Đài Loan,…
Hạnh Nguyên

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *