Phát triển nông nghiệp bền vững trong điều kiện xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt

 
 
Cần đẩy mạnh triển khai việc nuôi tôm đúng khoa học tại khu vực ĐBSCL. Ảnh: nongnghiep.vn
 
Tình trạng xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt sẽ ngày càng đi sâu hơn vào đất liền là một thực tế không cưỡng lại thiên nhiên được. Do vậy chúng ta không nên xem nước mặn là kẻ thù mà là một tài nguyên quí, để chọn hướng sản xuất thâm canh những cây trồng vật nuôi theo các hệ thống canh tác làm giàu bền vững.
Hạn hán đầu nguồn kéo theo xâm nhập mặn ven biển
Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất bị thiệt hại bởi tình trạng khí hậu biến đổi khôn lường từ thập kỷ qua. Đặc biệt trong năm 2015, nông nghiệp thế giới bị ảnh hưởng lớn bởi hiện tượng El Nino xuất phát từ vùng xích đạo Đông Thái Bình Dương khi nhiệt độ mặt biển tăng cao hơn bình thường. Theo các chuyên gia khí tượng, nhiệt độ nước biển tăng cao tạo ra một hệ thống áp thấp nhiệt đới lan ra cả vùng rộng lớn. Hệ thống áp thấp kéo theo hệ lụy dây chuyền cho các hệ áp cao và áp thấp trên khắp địa cầu. Vì thế thời tiết thay đổi khó lường, cùng một thời điểm mà nơi thì mưa bão, nơi thì khô hạn. Nhiệt độ nước biển tăng cao do hoạt động của con người thải ra ngày càng nhiều khí nhà kính vào khí quyển (chủ yếu do xe cộ và nhà máy phun khói, sử dụng đất nông nghiệp và rừng bao gồm chất thải chăn nuôi, trồng lúa nước bón phân không đúng kỹ thuật và đốt đồng) làm cho bầu khí quyển nóng lên thêm. Những tác động khác của con người làm cho đất đai bị hạn hán bao gồm đắp đập thủy điện hoặc đập chứa nước ở thượng nguồn con sông, khai thác rừng đầu nguồn quá giới hạn (để lấy gỗ hoặc để trồng cây lương thực), mở rộng vùng trồng trọt, nhất là trồng lúa, tiêu tốn quá nhiều nước ngọt trong mùa nắng ráo. Các chuyên gia khí tượng tiên đoán là đến tháng 8/2017 thì chu kỳ ngược của El Nino là La Nina sẽ xuất hiện mang đến ngập lụt cho các vùng hạn hán hiện nay.
 
Trong số các quốc gia dọc sông Cửu Long (nay chỉ còn Thất Long, vì sông Ba Lai ở Bến Tre bị bồi lắng cạn dần nên nhà nước cho đắp đập kín luôn để ngăn mặn, và sông Ba Thắc trên Cù Lao Dung, Sóc Trăng đã bị phù sa bồi lấp tự nhiên không còn dấu vết), Việt Nam là quốc gia đầu tiên đã và đang lấy nước sông Tiền và sông Hậu nhiều nhất để mở rộng diện tích lúa có tưới trong mùa khô (Đông-Xuân) từ hơn 35 năm nay, giúp cho sản lượng lúa tăng gấp năm lần so với năm 1974, đạt 25,5 triệu tấn lúa năm 2014. Nhờ đó, Việt Nam đã vượt qua ngưỡng tự túc lương thực, xuất khẩu hằng năm 6-7 triệu tấn gạo. Theo gương Việt Nam, các nước khác dọc sông Mekong cũng mở thêm diện tích lúa cao sản ngắn ngày vụ Đông Xuân, từ Vân Nam (Trung Quốc), xuống đến Lào và Campuchia. Và mới hai năm gần đây, Thái Lan cũng đắp đập lấy nước sông Mekong về tưới cho vùng Đông Bắc của họ. Thêm vào đó, hệ thống trên 12 đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong từ Vân Nam sang Lào chắc chắn ảnh hưởng xấu đến lượng nước cuối nguồn. Như thế khối lượng dòng chảy sông Mekong về đến ĐBSCL sẽ tiếp tục giảm, rõ nét nhất là trong mùa khô (Đông Xuân).
 
Theo các chuyên gia thủy văn nắm rõ lịch sử ngập lũ của vùng hạ lưu sông Mekong, sự cung cấp nước ngọt và sự ngập lũ của ĐBSCL bị ảnh hưởng đáng kể do lượng mưa trong mùa gió mùa Tây Nam mà hai hồ chứa lớn nhất là Tonle Sap (Biển Hồ) và Đồng Tháp Mười (ĐTM) xưa kia đã chứa nước cho cả vùng. Ngày nay rừng đầu nguồn quanh Biển Hồ đã bị khai thác gần hết, đất bị xói mòn lấp cao đáy hồ nên lượng nước chứa lại không được bao nhiêu để chuyển qua cho ĐB Sông Mekong, và ĐTM cũng không còn là vùng trũng như trước nữa, thay thế bởi trên 700.000 hecta ruộng lúa 2-3 vụ/năm, nên đáp ứng nhu cầu nước tưới lúa bây giờ phải bơm từ sông Mekong chứ không thể từ hồ chứa ĐTM được. Trong toàn cảnh hệ thống sông Mekong từ Tây Tạng đến Campuchia là như thế, chúng ta tuy có Ủy hội Sông Mekong quốc tế nhưng vẫn không tin vào sự nhượng bộ của quốc gia nào trên thượng nguồn, nên phải lo lấy thân ta trong thực tế nước sông Mekong về đến địa phận khu Tây Nam Bộ bây giờ ngày càng giảm như đã nói ở trên.
 
Nghịch lý trong sản xuất lúa gạo Việt Nam
 
Những năm nước ta thiếu ăn, hạt lúa thật sự quí như hạt ngọc, xứng đáng cho tất cả chi phí và công lao cả nước đã đầu tư vào. Nông dân làm ra bao nhiêu lúa cũng đều có nơi giành giựt tiêu thụ ngay. Nhưng bây giờ lúa chín đầy đồng, cả nước dư thừa mỗi năm trên dưới 20 triệu tấn lúa, cố gắng bán rẻ lắm ta mới chỉ xuất được 2/3 số lượng đó. Nông dân thu hoạch lúa xong là phải bán ngay với giá rẻ để thanh toán nợ nần, mùa nào cũng thế, không có dư bao nhiêu, người nông dân trồng lúa suốt 40 năm nay vẫn còn nghèo. Giá lúa gạo Việt Nam quá thấp vì người mua trong nước cũng như ngoài nước biết khối lượng cung quá lớn mà khối lượng cầu không tăng bao nhiêu. Thêm vào đó, chất lượng gạo của chúng ta chưa được tin tưởng vì không ngon và không truy nguyên được nguồn gốc, không biết có thật là an toàn vệ sinh thực phẩm hay không. Mặt khác, chính sách nhà nước định giá lúa gạo thấp chủ yếu để cho người tiêu dùng Việt Nam có thể mua được dễ dàng. Hạch toán giá thành của lúa gạo, chúng ta không đưa phí nước ngọt vào giá thành, mà coi nước ngọt là của trời cho. Vô tình những người nước ngoài ăn gạo của Việt Nam cũng được nhà nước Việt Nam bao cấp luôn tiền nước ngọt. Thông thường nếu trồng mỗi hecta đạt 5 tấn lúa thì phải tốn 5.000-6.750 m3 nước. So với cây ăn trái nhiệt đới, mỗi hecta vườn chỉ tốn khoảng 150 m3 nước ngọt.
 
Quyết định 899/QĐ-TTg của Chính phủ cho phép tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cụ thể để sử dụng tài nguyên nước hợp lý hơn, cho chuyển đất lúa sang nuôi trồng cây con có giá trị cao hơn lúa mà sử dụng tiết kiệm nước ngọt, tuy đã ban hành từ tháng 6/2013 nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến gì đáng biểu dương. Chúng ta thấy rõ gần như không có chuyển biến gì tại các vùng đất ven biển không thích hợp trồng lúa trong mùa nắng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và lãnh đạo các địa phương không có nước ngọt trong mùa nắng vẫn chỉ đạo cho dân tiếp tục trồng lúa, bất chấp những cảnh báo khoa học. Và khi hạn hán trở nên ngày càng gay gắt, nguồn nước ngọt không về đủ, nhường chỗ cho nước mặn xâm nhập vào sâu trong đất liền giết hại “lúa cải trời” thì trong nhiều ngày qua các phương tiện truyền thông của Việt Nam tường thuật quá nhiều về hiện trạng nước biển tiến sâu vào đất liền làm ảnh hưởng hàng trăm ngàn hecta lúa vùng ven biển của vùng Tây Nam Bộ, trong đó theo Bộ NN&PTNT có khoảng 58.300 hecta lúa sẽ bị thiệt hại. Chính quyền bốn tỉnh ven biển đang huy động sức người và sức của để cứu lúa. Và ngành nông nghiệp đang dự kiến một số dự án tiếp tục đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt cho vùng mặn thiên nhiên này để nông dân tiếp tục trồng lúa an toàn. Họ coi thường Quyết định 899/QĐ-TTg. Vào Internet, trên trang Google, ta gõ “rice damaged by salinity intrusion 2016” thấy tin từ Việt Nam là phần lớn, một ít tin từ Bangladesh. Nếu gõ tiếng Việt “lúa thiệt hại do xâm nhập mặn 2016” thì hầu như chỉ có tin từ Việt Nam. Thái Lan cũng đang bị hạn hán (không bị mặn) gay gắt nhất trong 50 năm làm thiệt hại mùa màng và nước sinh hoạt trong 12 tỉnh. Nhưng phần lớn tin tức xâm nhập mặn chỉ nói đến khía cạnh cây lúa, cho nên đã gây nên dư luận xem nước mặn quả là kẻ thù mà mọi người cần phải chống, bằng mọi cách.
 
Mưa bão, ngập lụt, hạn hán đều là thiên tai chứ có ai muốn. Có người hỏi tại sao lúc thời điểm này thiên tai lại ghét nông dân trồng lúa của bốn tỉnh ven biển miền Tây dữ dội thế? Có rất nhiều lý do mà báo đài và các cấp thẩm quyền đã nêu, nhưng lý do thực tế nhất mà có vài chuyên gia đã nói nhưng ít được phổ biến là thiên nhiên đã và đang phạt những ai cố trồng lúa trong điều kiện không thích hợp – tức là trong mùa không nước ngọt tại vùng mặn. Một điều đáng chú ý là trong sự kiện này, tiếng nói của những người thấp cổ bé miệng lại ít được phổ biến, đó là những người nuôi tôm sau khi thu hoạch lúa của tỉnh Bạc Liêu. Hằng năm những nông dân thực hiện hệ thống canh tác lúa – tôm muốn có nước mặn để nuôi tôm nhưng phải đấu tranh với nông dân trồng lúa không cho nước mặn vào vùng này, rốt cuộc rồi cả lúa và tôm đều bị thiệt hại.
 
Hướng phát triển bền vững với tài nguyên nước có sẵn tại hạ lưu sông Mêkong
 
Đến thời điểm này tất cả chúng ta đang sẵn sàng bắt tay vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Đại hội Đảng Đổi mới, thì sự đổi mới trước tiên trong phát triển kinh tế Việt Nam là sự đổi mới tư duy, cách nghĩ và cách làm thế nào vừa sức với ngân sách quốc gia, sử dụng tài nguyên hợp lý sao cho đa số nông dân có thể bắt đầu làm giàu. Nông dân không thể làm giàu bằng lúa gạo, như kinh nghiệm 40 năm qua cho thấy rất rõ. Trồng lúa phải tiêu tốn khối lượng ngân sách khổng lồ, tiêu tốn khối lượng nước ngọt quí hiếm rất lớn đáng lẽ phải dành cho nước sinh hoạt của dân ven biển. Nhưng giá lúa thì luôn thấp mà đầu ra rất bấp bênh khiến nhà nước lại phải bỏ tiền ra mua tạm trữ, dân không lời được bao nhiêu. Vì vậy, chính sách “an ninh lương thực” đã làm tốt nhiệm vụ lịch sử từ lâu rồi, bây giờ phải sang chính sách “tái cơ cấu nông nghiệp” cho vùng ĐBSCL theo hướng:
 
a. Vùng nước ngọt hoàn toàn:
 
1) Tập trung đầu tư sản xuất lúa cao sản và đặc sản phù hợp. Triệt để áp dụng phương pháp tưới lúa tiết kiệm nước theo qui trình GAP. Trong qui hoạch cho cây lúa cao sản của đồng bằng sông Mekong, từ khi chúng ta sử dụng lúa ngắn ngày, chúng tôi đã bố trí trồng hai vụ đông xuân và hè thu, để mùa lũ tự nhiên cho khai thác thủy sản thiên nhiên. Không nên sản xuất lúa vụ ba.
 
2) Một phần đất có thể trồng rau, quả cao cấp trong hệ thống bao đê ngăn lũ và giữ nước ngọt trong mùa mưa lũ. Áp dụng qui trình GAP.
 
b. Vùng mặn ven biển: đây là tài nguyên quí chỉ có ở nước ta, các nước thượng nguồn không thể có được.
 
1) Vùng đất sau bờ biển (đất giồng cát, đất cao): trồng cây ăn trái, hoa màu phụ trên đất cao hoặc đất liếp, xây dựng đìa (ao sâu) giữa các giồng cát để chứa nước ngọt trong mùa mưa để dành tưới cây ăn trái, hoa màu phụ trong mùa nắng.
 
2) Vùng còn rừng ngập mặn: áp dụng qui trình tôm-rừng hoặc thủy sản rừng.
 
3) Vùng đã bị xóa rừng để nuôi tôm: xây dựng hệ thống thủy lợi điều khiển hệ thống nước mặn pha lợ nuôi tôm đúng khoa học. Đưa nhà máy chế biến thủy sản vào làm trung tâm và sắp xếp dân nuôi tôm vào cơ sở hạ tầng mới này.
 
4) Vùng ven biển thường trồng lúa trong mùa mưa, nhiễm mặn trong mùa khô, chúng ta bố trí một vụ lúa cao sản trong mùa mưa, và khi dứt mưa thu hoạch lúa xong, lúc ruộng lúa đang còn sình lầy thì nông dân cho nước mặn lên ruộng để nuôi tôm, các kèo, cua, v.v. đạt lợi tức trên ba lần lúa với nước mặn.
 
Trong thời gian qua, nhiều nông dân gần nguồn nước mặn đã áp dụng kỹ thuật trồng lúa – nuôi tôm, trở nên khá giả. Nhiều nông dân khác trong vùng ngọt hóa đã lén phá đập ngăn mặn để lấy nước mặn nuôi tôm, đạt kết quả trong vài năm đầu rất khả quan, xây nhà mới, tậu nhiều vật dụng sang trọng. Tất cả họ đều hành động một cách tự phát, bất hợp pháp, ngược với chủ trương sản xuất lương thực của nhà nước. Những vuông tôm của họ được xây dựng nối tiếp nhau một cách vô tổ chức, nước thải từ vuông tôm này được vuông tôm kia hứng, làm cho bệnh tôm lây lan ngày càng trầm trọng, khiến nhiều người nuôi tôm trở nên sạt nghiệp sau vài năm làm giàu trước đó. Nhìn sang các nước Thái Lan, Philippines, Indonesia, công nghệ nuôi tôm được nhà nước cho đầu tư một cách khoa học, nông dân sản xuất rất yên tâm và hiệu quả cao.
 
* * *
 
Trong thời đại tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng với khí hậu biến đổi khôn lường, nước ngọt là tài nguyên thiên nhiên quí hiếm không tái tạo được thì chúng ta không nên xem nước mặn là kẻ thù mà là một tài nguyên quí, từ đó chọn hướng sản xuất thâm canh những cây trồng vật nuôi theo các hệ thống canh tác làm giàu bền vững tại vùng nhiễm mặn, như hệ thống lúa-tôm, lúa-cá, v.v., vườn cây ăn trái…  để nhanh chóng tăng GDP bình quân đầu người Việt Nam như Nghị quyết Đại hội XII đã đề ra.
 
Võ Tòng Xuân
 
Nguồn: tiasang.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *