NHỮNG ĐIỀU KIỆN CƠ BẢN VÀ XU THẾ PHÁT TRIỂN SÁCH ĐIỆN TỬ ở Việt Nam trong tương lai

Sách điện tử (eBook) – là một trong những phát minh kỳ diệu của nhân loại trong thời đại số. Ngày nay, xuất bản sách điện tử đang có tốc độ phát triển cực kỳ nhanh chóng. Chỉ vài năm trước đây, sách điện tử còn được xem là phương thức đọc dành riêng cho người yêu thích công nghệ thì đến nay, trên thế giới sách điện tử đã vượt xa sách in cả về doanh thu, số bản và trở nên rất phổ biến. Việc xuất bản sách điện tử tại Việt Nam, ngoài việc tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về xuất bản cũng như các quy định về Sở hữu trí tuệ, Thông tin điện tử, Thương mại điện tử, Giao dịch điện tử… thì vấn đề đặt ra đối với chúng ta cần thực hiện những điều kiện cụ thể gì để thúc đẩy phát triển sách điện tử tại Việt Nam?
 
Chính sách hỗ trợ của Nhà nước 
 
Bên cạnh hành lang pháp lý tạo điều kiện cho hoạt động xuất bản nói chung và xuất bản điện tử nói riêng thì chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho hoạt động này là rất quan trọng. Trong những năm qua Nhà nước đã có các chính sách: đặt hàng, mua bản quyền tác phẩm, trợ cước vận chuyển…, tuy nhiên vẫn còn ở mức hạn chế. Để khuyến khích hoạt động xuất bản nói chung và xuất bản điện tử nói riêng phát triển, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ về tài chính, đầu tư phát triển khoa học – công nghệ, ưu đãi về thuế, tín dụng, cơ sở vật chất… Cụ thể: Tăng cường thực hiện chính sách đặt hàng các xuất bản phẩm có giá trị, khuyến khích các nhà xuất bản đầu tư phát triển loại hình xuất bản này; Tăng cường hỗ trợ mua bản quyền đối với các tác phẩm hay; Tăng cường hỗ trợ, đầu tư vốn, trang thiết bị kỹ thuật; Tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ; Ưu đãi hơn nữa về thuế.
 
Chính sách hỗ trợ của Nhà nước là một điều kiện quan trọng để thúc đẩy hoạt động xuất bản; tuy nhiên cũng cần có sự phân biệt, không bao cấp tràn lan, mà chính là phải tạo điều kiện về cơ chế để các nhà xuất bản năng động trên cơ sở phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện sản xuất kinh doanh, và quản lý minh bạch, công khai. Sự ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước cần dành cho việc hiện đại hóa nhà xuất bản, khuyến khích hoạt động sáng tạo và phát triển vốn để nhà xuất bản chủ động trong hoạt động của mình.
 
Tăng cường các biện pháp quản lý
 
Chống vi phạm bản quyền: Xuất bản sách điện tử là một xu thế mới của hoạt động xuất bản Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên loại hình xuất bản này bên cạnh những ưu việt như nhanh, gọn, nhẹ, có thể đọc ở mọi nơi… song cũng nảy sinh nhiều thách thức đòi hỏi ngành Xuất bản nói chung và bản thân các tác giả phải bảo vệ bản quyền, lợi ích chính đáng của mình trước vấn nạn sao chép lậu. Việc sao chép bất hợp pháp sẽ gây nhiều ảnh hưởng đối với tác giả và xã hội như: ngăn cản các tác giả hưởng thù lao từ việc sử dụng tác phẩm, hủy hoại tính sáng tạo và việc xuất bản các tác phẩm trong nước, gây rối loạn các chức năng trên thị trường. Trên thực tế việc sao chép lậu hay ngang nhiên sử dụng tác phẩm không xin phép tác giả hoặc nhà xuất bản đang có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, cần tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức cho tác giả và người sử dụng tác phẩm về quyền tác giả; phải có biện pháp quản lý tập thể dưới dạng một tổ chức đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ sở hữu quyền và hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng tiếp cận hợp pháp với tác phẩm… Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng cần tăng cường trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, xử phạt đối với việc vi phạm bản quyền nói chung và trong xuất bản điện tử nói riêng, đặc biệt là đối với các trang mạng có nhiều ấn phẩm lậu, không có bản quyền, v.v… Đồng thời tăng nặng hơn chế tài xử phạt, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự để răn đe đối với những trường hợp vi phạm.
 
 Nghiêm khắc xử lý việc xuất bản sách điện tử mà không qua nhà xuất bản: Theo quy định của pháp luật, việc xuất bản sách, tài liệu phải qua nhà xuất bản. Đối với sách in thì việc kiểm soát vấn đề này đã khó, với sách điện tử thì vấn đề này lại càng khó khăn. Một thực tế, tình trạng sách lậu tràn lan trên mạng Internet ở nước ta đã làm đau đầu và thiệt hại không ít cho tác giả và các nhà xuất bản. Nhiều cuốn sách (sách in) hay, bán chạy chỉ sau chừng một đến hai tuần là đã có eBook bất hợp pháp trên mạng; thậm chí có Website còn thu phí dowload của người dùng, mặc dù họ không được bán các tác phẩm ấy; ngoài ra người đọc có thể tìm thấy eBook bất hợp pháp trên nhiều diễn đàn khác.
 
Vì vậy, nếu không có biện pháp hữu hiệu để giải quyết được vấn đề này thì việc xuất bản lậu sớm muộn cũng sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Và có giải quyết được điều này thì mới tạo điều kiện để xuất bản sách điện tử được hoạt động đúng định hướng của Đảng và pháp luật Nhà nước.
 
 XU THẾ PHÁT TRIỂN SÁCH ĐIỆN TỬ Ở VIỆT NAM 
 
Ở Việt Nam, sách điện tử mới được biết đến nhiều trong vài năm trở lại đây, song đã mở ra nhiều triển vọng mới cho ngành Xuất bản. Theo thời gian, có thể thấy eBook đang dần thế chỗ của sách in, với sự hỗ trợ của công nghệ đã và đang làm thay đổi triệt để cách đọc sách của mọi người; nhiều người coi eBook như một cuộc cách mạng trên cả hai lĩnh vực xuất bản và văn hóa đọc trên thế giới. Vì sao eBook lại nhanh chóng lên ngôi như vậy? Dù eBook có những ưu, nhược điểm nhưng có thể nhận định rằng, trong tương lai, sách điện tử sẽ rất phát triển ở Việt Nam bởi các lý do sau:
 
Thứ nhất: Hiện nay, hạ tầng viễn thông và các dịch vụ viễn thông – CNTT Việt Nam đang được đánh giá là đã phát triển ngang tầm khu vực. Việt Nam hiện nằm trong top 10 nước châu Á – Thái Bình Dương và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về số người sử dụng Internet. Đây là những tiền đề rất quan trọng về mặt hạ tầng – điều kiện quan trọng cho việc phát triển sách điện tử trong tương lai ở Việt Nam.
 
Thứ hai: Giới trẻ ở nước ta luôn tỏ ra thích ứng nhanh với những cái mới, đặc biệt là sử dụng thiết bị điện tử cá nhân và thưởng thức các ấn phẩm điện tử trong giải trí và học tập đang là một nhu cầu không thể thiếu trong xã hội hiện đại. Một minh chứng cho điều đó là hiện nay hầu hết các nhà mạng di động đều bằng cách nào đó phối hợp với các NXB hoặc công ty sách để hình thành nên những kho dịch vụ nội dung số là sách điện tử để cung cấp dịch vụ đọc cho khách hàng.
 
Thứ ba: Trong xã hội hiện đại và ở thời điểm nền giáo dục nước ta đang có những bước đi rất mạnh và táo bạo trong việc đổi mới cách dạy và học thì các sách, ấn phẩm là một trong những yếu tố đầu tiên đang được ngành Giáo dục và cả xã hội quan tâm, đã và đang tạo một cơ hội rất lớn cho sách điện tử phát triển.
 
Thứ tư: Sự phát triển của sách điện tử ở Việt Nam sau một quá trình tự phát và kinh doanh nhỏ lẻ nay đã hướng dần đến việc nâng tầm và chuyên môn hóa. Đã có nhiều công ty công nghệ và các công ty sách nhanh nhạy nắm bắt cái mới, nắm bắt được xu hướng người dùng, đã tập trung đi sâu vào phát triển loại hình sách này. Bên cạnh đó là nhiều NXB và công ty sách cũng đang bước đầu làm quen và bắt đầu bước chân vào thị trường mới mẻ này. Tất cả những điều đó sẽ góp phần thúc đẩy phát triển một thị trường sách điện tử đầy tính cạnh tranh và sôi động.
 
Thứ năm: Với ưu điểm rất lớn của sách điện tử là không có giới hạn về nội dung và hình thức thể hiện, không giới hạn về dung lượng thông tin chứa trong nó; một nội dung nhỏ trong sách điện tử cũng có thể cho phép người đọc tra cứu tức thời hoặc liên kết trực tiếp đến những kho tài nguyên khác trên mạng để đối chiếu hoặc tìm hiểu thêm những nội dung liên quan,… chính những điều này đã làm cho sách điện tử được ưu tiên xuất bản, đặc biệt là ở mảng sách, tài liệu học tập. Bên cạnh đó là các ưu điểm như có thể khắc khó khăn trong khâu phát hành do những hạn chế về hệ thống phân phối; giảm chi phí in ấn, lưu kho; bảo vệ được bản quyền tác giả qua việc hạn chế được nạn vi phạm bản quyền bằng các công cụ kỹ thuật… sẽ giúp cho sách điện tử ngày càng được kỳ vọng phát triển.
 
Xu thế phát triển về hình thức của sách điện tử:
 
Sách điện tử hiện nay có thể tổng hợp và được phân thành bốn loại:
 
– Loại 1: Dạng sách điện tử đơn giản; nội dung sách chủ yếu là text, có thể có thêm hình ảnh tĩnh liền với nội dung như trình bày trong sách in. Sách thường được xem ở dạng lật trang, trượt trang hoặc cuộn trang thông thường Sách ở cấp độ này thường có các định dạng: pdf, epub, mobi, prc, lit,…
 
– Loại 2: Dạng sách điện tử có thêm phần minh họa là các dữ liệu hình ảnh, âm thanh, video, biểu đồ được nhúng (embed) vào sách làm phong phú hơn so với các sách điện tử chỉ có dữ liệu tĩnh hoàn toàn.
 
– Loại 3: Dạng sách có tính năng cho phép người đọc có sự tương tác qua lại giữa người đọc sách và nội dung sách. Ví dụ người đọc trả lời câu hỏi và sách tự chấm điểm, hoặc người đọc nhập dữ liệu và sách tự tính toán ra kết quả.
 
– Loại 4: Dạng sách có cấu trúc dữ liệu được tổ chức phức tạp, dữ liệu lớn, khi xem phải cài đặt như phần mềm. Giao diện sách được tổ chức với cấu trúc menu nhiều cấp. Ví dụ các sách được tạo bởi các công cụ lập trình Web (html), Flash, và một số công cụ lập trình khác.
 
Việc phân định này chỉ mang tính chất tương đối, và không có nghĩa là mỗi loại sách này có sự rạch ròi về cách thức thể hiện như trên. Trong thực tế, có những ấn phẩm sách điện tử có các tính năng hỗn hợp.
 
Qua khảo sát thực tế hiện nay và xét về đặc tính của từng loại sách điện tử, có thể nhận định hình thức của sách điện tử sẽ có xu thế phát triển mạnh cả về 4 loại như trên. Tuy nhiên, mỗi loại sách điện tử lại có xu hướng phát triển mạnh theo từng mảng sách khác nhau. Cụ thể:
 
Sách điện tử loại với đặc tính đơn giản, dễ thực hiện, dễ sử dụng, dung lượng nhỏ, định dạng tương thích và phù hợp cho đa số các thiết bị đọc và các thiết bị di động khác như máy tính bảng, điện thoại thông minh sẽ chủ yếu dành cho các loại sách vốn chỉ toàn nội dung text như mảng sách như văn học, và một phần thuộc các mảng sách thường thức gia đình, khoa học xã hội, kinh tế, quản trị kinh doanh… Thực tế hiện nay cho thấy loại này đang phát triển mạnh nhất ngoài lý do vừa nêu cũng còn vì lý do sách đơn giản, các Nhà xuất bản, công ty sách có thể dễ dàng nắm bắt kỹ thuật làm sách khi bước đầu tiếp cận và làm quen với sách điện tử.
 
Sách điện tử loại 2 cũng sẽ phát triển song song và sẽ phù hợp với các sách yêu cầu có thêm nhiều dữ liệu multimedia để minh họa thêm cho nội dung text.
 
Sách điện tử loại 3, loại 4 cũng là những loại có khả năng phát triển mạnh, và thiên về các sách, ấn phẩm cho giáo dục, trong đó tiêu biểu là các sách giáo khoa phổ thông các cấp học, các sách giáo trình đào tạo nghề. Thực tế hiện nay cho thấy các sách điện tử giáo khoa phổ thông hoặc sách điện tử hỗ trợ dạy và học được biên soạn theo sách giáo khoa hầu hết đều có độ phức tạp cao. Điển hình là các sách điện tử được Công ty Shool@net xuất bản và phát hành trên trang www.shoolnet.vn. Về môi trường đọc, sách thuộc các loại này chủ yếu chỉ phù hợp với máy vi tính vì có dung lượng lớn, cần phải cài đặt trước khi sử dụng và hầu hết chỉ phù hợp với môi trường Windows. Trong tương lai, việc hiện đại hóa ngành giáo dục, đổi mới cách dạy và học, trong đó có đổi mới sách giáo khoa sẽ là điều kiện rất tốt cho sách điện tử loại này phát triển.
 
Sự phát triển nhanh chóng của CNTT trong những năm qua đã và đang tác động mạnh mẽ vào đời sống xã hội và nền kinh tế nói chung, trong đó có ngành Xuất bản. Số lượng các xuất bản phẩm được xuất bản ngày một tăng, và xuất bản phẩm điện tử cũng đã bước đầu đặt chân vào thị trường xuất bản. Sách điện tử và các hình thức xuất bản trên phương tiện truyền thông hiện đại ra đời mặc dù không phải để thay thế xuất bản truyền thống (sách in), nhưng đang tạo ra một sự lựa chọn tuyệt vời trong việc thưởng thức văn hóa đọc với việc mang trong nó đầy đủ những tiện ích mà sách in không đáp ứng được như tự động dàn trang, đọc được trên nhiều thiết bị điện tử thông dụng, tích hợp trên nhiều hệ điều hành… giúp độc giả có những trải nghiệm tuyệt vời không chỉ cảm giác là đang đọc một cuốn sách in, lật giở từng trang mà còn giúp độc giả cá nhân hóa cuốn sách của mình như tự thay đổi phông chữ, cách trình bày, ghi chú những nội dung cần thiết… Hy vọng, trong thời gian tới khi các điều kiện về cơ chế chính sách của Nhà nước đến những điều kiện cụ thể về cơ sở vật chất, nhân lực của từng Nhà xuất bản đáp ứng đầy đủ các nội dung phân tích nêu trên; sách điện tử sẽ mang lại một diện mạo mới cho ngành Xuất bản Việt Nam và đem đến nhiều trải nghiệm khác biệt trong việc thưởng thức văn hóa đọc ở nước ta. q
 
>> ThS. TRẦN CHÍ ĐẠT 
 
Phó Giám đốc NXB Thông tin và Truyền thông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *