Nhà sáng lập Linux: Thành công không đòi hỏi tầm nhìn

Linus Torvalds – nhà sáng lập Linux cho rằng, nếu ông biết trước tương lai, có lẽ thành công sẽ không đến với ông.
 
Khi nhắc đến người đạt được thành công và danh tiếng trong giới công nghệ cao, người ta thường nhớ ngay tới Steve Job, được biết đến là người có tầm nhìn chiến lược, giúp những giấc mơ tuyệt vời không tưởng trở thành hiện thực.
 
Nhưng tầm nhìn lại không phải là thứ giúp Linus Torvalds trở thành một trong những nhà lập trình nổi tiếng nhất thế giới.
 
 
Linus Torvalds
Khi còn là sinh viên đại học, Torvalds đã sáng tạo ra Linux, hệ điều hành miễn phí hiện đang hỗ trợ hầu hết các máy chủ trên toàn thế giới, bao gồm cả Google (Microblogging) và Facebook, hỗ trợ nhiều siêu máy tính nhanh nhất thế giới, và là cơ sở cho Android.
 
Linux là tên gọi của một hệ điều hành máy tính và cũng là tên hạt nhân của hệ điều hành.
 
Một cách chính xác, thuật ngữ "Linux" được sử dụng để chỉ Nhân Linux, nhưng tên này được sử dụng một cách rộng rãi để miêu tả tổng thể một hệ điều hành giống Unix (còn được biết đến dưới tên GNU/Linux) được tạo ra bởi việc đóng gói nhân Linux cùng với các thư viện và công cụ GNU, cũng như là các bản phân phối Linux. 
 
Năm 1991, Torvalds bắt đầu viết hệ điều hành Linux và ra mắt nó với một thông điệp nhỏ, mô tả rằng đó là một "hệ điều hành miễn phí, chỉ là một sở thích, nó không phải là chuyên nghiệp và quy mô cũng không lớn".
 
Giờ đây, Linux đã phát triển lớn mạnh và chuyên nghiệp, trở thành một phần không thể thiếu của thế giới. Linux là một ví dụ nổi tiếng nhất của phần mềm tự do và của việc phát triển mã nguồn mở. Bất cứ ai cũng có thể đóng góp trí tuệ của chính mình.
 
Từ năm 2005, gần 12.000 lập trình viên đến từ 1.200 công ty đã bổ sung chương trình phát triển riêng của mình vào hệ điều hành Linux chính (gọi là hạt nhân).
 
Ngoài việc phát minh ra Linux, Torvalds cũng đã tạo nên một phương pháp cho nhiều người cùng làm việc trên một dự án lập trình máy tính.
 
Phương pháp này được gọi là Git, và Git đã tự hình thành ngành công nghiệp của riêng mình (mà không cần bất cứ sự trợ giúp nào từ Torvalds), chẳng hạn như Github, một startup hiện có giá trị lên tới 2 tỷ đô la Mỹ.
 
Torvalds nói rằng, nếu ông có cái được gọi là tầm nhìn, hệ điều hành Linux và Git có thể đã không xuất hiện.
 
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông giải thích: "Thời điểm phát triển Linux, tôi đã không lường trước được rằng nó sẽ thành công. Có lẽ việc không biết được những điều sẽ  xảy ra trong lương lai đã góp phần vào thành công của tôi.
 
Nếu tôi biết rằng Linux sẽ phát triển như bây giờ ngay từ khi bắt đầu, tôi sẽ không bao giờ đủ can đảm để viết hệ điều hành của riêng mình: Bạn cần có một sự ngây thơ nhất định để nghĩ rằng bạn có thể làm điều gì đó…
 
Thực tế là tôi không thực sự biết nó sẽ kết thúc như thế nào, có nghĩa là tôi sẽ cởi mở hơn để thu nhận những đề xuất của người khác và có được những ý tưởng rất tốt về những điều tôi muốn thực hiện. Nếu tôi đã thấy trước tương lai của mình, tôi sẽ không thể cởi mở như vậy.
 
Tôi nghĩ rằng điều đó làm cho mọi việc trở nên dễ dàng, vui vẻ và thú vị hơn nhiều. Nó cũng giúp tôi sẵn sàng chấp nhận những người khác tham gia vào dự án của mình. Đó không phải là dựa trên tầm nhìn của người khác để thành công, mà tất cả mọi người có thể làm theo trái tim mình và hướng về một con đường".
 
Nguyệt Phong (BI)
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *