Nghị định 43 – Tháo gỡ nhiều “nút thắt” cho doanh nghiệp

 
Nghị định 43 với nhiều điểm mới tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc miễn ghi nhãn phụ đối với hàng hóa là linh kiện nhập khẩu; được quay trở lại lưu thông trong nước cho phép gắn nhãn phụ, không phải làm lại toàn bộ nhãn hàng hóa,… Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) – Bộ KH&CN Nguyễn Nam Hải cho biết tại Hội nghị hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về nhãn hàng hóa theo nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa do Tổng cục TĐC tổ chức vào ngày 14/7/2017 tại Hà Nội.
Tham dự Hội nghị còn có Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng hàng hoá Trần Quốc Tuấn; đại diện các bộ ngành; các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
 
 
Toàn cảnh Hội nghị
 
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TĐC Nguyễn Nam Hải cho biết, Nghị định 43 có nhiều điểm mới tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi, giảm chi phí phát sinh cho doanh nghiệp như: miễn ghi nhãn phụ đối với hàng hóa là linh kiện nhập khẩu trong dịch vụ sửa chữa, bảo hành, không nhằm mục đích mua bán; miễn ghi nhãn phụ đối với hàng hóa là nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất nội bộ, không nhằm mục đích mua bán.
Hàng hóa xuất khẩu không xuất khẩu được quay trở lại lưu thông trong nước cho phép gắn nhãn phụ, không phải làm lại toàn bộ nhãn hàng hóa.  Cho phép doanh nghiệp tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa theo quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa và các Hiệp định Việt Nam tham gia; cho phép doanh nghiệp có hàng hóa được sản xuất tại nhiều cơ sở khác nhau có cùng tiêu chuẩn chất lượng thì được ghi tên và địa chỉ của tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, không phải ghi tất cả các địa chỉ sản xuất như quy định cũ.
Ngoài ra, Nghị định 43 cũng có những quy định mới nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống hàng lậu, hàng giả và bảo vệ an ninh quốc phòng như: quy định bắt buộc phải công khai thông tin đối với những hàng hóa là thực phẩm, hóa chất gia dụng dạng rời, đóng gói đơn giản không có bao bì thương phẩm và bán trực tiếp cho người tiêu dùng; quy định cụ thể việc gắn nhãn phụ đối với hàng nhập khẩu, hàng xuất khẩu tiêu thụ nội địa tránh gian lận; quy định việc ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng đối với hàng hóa sang chia, sang chiết tránh gian lận về thời hạn sử dụng của hàng hóa để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,…
Đồng thời, Nghị định 43 quy định việc ghi nhãn hàng hóa đối với nhiều nhóm hàng hóa mới phát sinh và tích hợp nội dung của các văn bản quản lý chuyên ngành có liên quan đến nhãn hàng hóa nhằm đảm bảo tính mới, tính thống nhất của văn bản pháp luật. “Kể từ ngày 01/6/2017, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP (Nghị định 43) có hiệu lực và thay thế Nghị định số 89/2006/NĐ-CP (Nghị định 89) của Chính phủ về Nhãn hàng hóa. So với Nghị định 89 Nghị định 43 có nhiều điểm mới thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng” ông Hải cho hay.
 
 
Trong khuôn khổ Hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng hàng hoá Trần Quốc Tuấn đã giới thiệu chi tiết và trình bày quan điểm xây dựng Nghị định; bố cục và nội dung cơ bản của Nghị định; đặc biệt là những ưu điểm của Nghị định,… tới các đại biểu tham dự theo hướng “dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm theo”.
Ngoài các nội dung về chuyên môn, nghiệp vụ về nhãn hàng hóa đã được hướng dẫn chi tiết, tại Hội nghị các đại biểu đã tập trung lắng nghe, trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, vướng mắc,… về những vấn đề phát sinh thực tế hiện cơ quan quản lý và doanh nghiệp còn lúng túng. Trong đó bao gồm những thắc mắc về việc thực thi Nghị định 43 của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới./.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *