NGÀY SÁCH VIỆT NAM: Đang tạo một tiền lệ, một con đường, một hướng đi

 
Ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Sau đây Tri Thức Thời đại chia sẻ một số suy nghĩ của những đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực xuất bản sau 1 năm triển khai Ngày Sách Việt Nam.
 
Văn hóa đọc là một bộ phận của nền văn hóa nói chung, chính xác hơn nó là một hoạt động văn hóa cao cấp trong xã hội. Hoạt động này là một trong những động lực thúc đẩy sự hình thành nên con người mới, những công dân có tri thức, có trí tuệ để hòa nhập, thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại, một xã hội dựa trên nền tảng của nền kinh tế tri thức. Văn hóa đọc có thể giúp cho mỗi cá nhân có được một cuộc sống trí tuệ hơn, đẹp đẽ, ý nghĩa, hạnh phúc và hài hòa hơn. Chính vì vậy, phát triển văn hóa đọc luôn là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia trong việc nâng cao dân trí, góp phần phát triển bền vững nguồn nhân lực – nhân tố quyết định mọi thành công. Xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là góp phần đem lại cho dân tộc Việt Nam sức mạnh của trí tuệ trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Đánh giá thực trạng văn hóa đọc ở Việt Nam hiện nay, nếu nhìn lại những cuộc hội thảo, tọa đàm, những ý kiến của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, những người làm công tác quản lý văn hóa trong thời gian qua gần như đều thống nhất một quan điểm là bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận, vẫn tồn tại một thực tế hết sức đáng lo ngại rằng văn hóa đọc vẫn đang ở trong tình trạng báo động. Có những ý kiến bức xúc, gay gắt hơn còn cho rằng văn hóa đọc đang ngày một xuống cấp, hay thậm chí người Việt Nam chưa có văn hóa đọc… Không hề thiếu cơ sở cho sự tồn tại của những nhận định này, tuy nhiên để nhìn nhận, đánh giá một cách thấu đáo, khách quan về hiện trạng văn hóa đọc hiện nay, chúng ta cần soi chiếu từ bản chất sâu xa của khái niệm này. Văn hóa đọc hiểu một cách ngắn gọn và đầy đủ nhất đó là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của từng cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý, cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy, một quốc gia muốn văn hóa đọc phát triển, cần phải phát triển đồng đều ứng xử, giá trị, chuẩn mực đọc của cả ba thành phần: các nhà quản lý, các cơ quan quản lý, cộng đồng xã hội và từng thành viên trong xã hội. Với các cơ quan quản lý, ứng xử, giá trị, và chuẩn mực đọc đó là đường lối, chính sách phát triển nền văn hóa đọc, phát triển ngành xuất bản, tạo cơ chế và hành lang pháp lý để thỏa mãn nhu cầu đọc của toàn xã hội. Với cộng đồng xã hội, ứng xử, giá trị, chuẩn mực đọc ở đây là sự phát triển của các hội nghề nghiệp liên quan đến việc đọc, đó là những hoạt động để quảng bá, cổ vũ, phát triển văn hóa đọc, đó là sự tôn vinh những người viết sách, những người làm sách… Ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân là sự hội tụ của ba yếu tố: thói quen đọc, khả năng lựa chọn và kỹ năng đọc. Ba yếu tố này được hình thành phụ thuộc rất nhiều vào truyền thống gia đình, môi trường giáo dục, môi trường sống, làm việc, trình độ văn hóa.
Căn cứ vào thực tế trong thời gian qua, có thể khẳng định rằng Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển văn hóa đọc. Chỉ thị số 42/CT-TW ngày 25 tháng 8 năm 2004 của BCH Trung ương Đảng đã chỉ rõ: “Chăm lo phát triển nhu cầu văn hóa đọc của các tầng lớp nhân dân, tổ chức và phát triển các lực lượng, mạng lưới phát hành xuất bản phẩm đáp ứng đầy đủ, đúng đối tượng và địa bàn, đặc biệt quan tâm vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và miền núi …  Tập trung củng cố và phát triển hệ thống thư viện, các loại phòng đọc, trước hết là ở cơ sở …”. Thực hiện chủ trương, đường lối trên, đã có rất nhiều chương trình sách đưa về phục vụ nông thôn, phục vụ cơ sở, trong đó có Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa. Hơn 10 năm qua, Nhà nước đã cấp hàng trăm tỷ đồng thông qua Chương trình này để cung cấp sách báo cho các thư viện công cộng phục vụ cho người dân ở cơ sở.
Chúng ta cũng đã hình thành được môi trường đọc khá thuận lợi cho người dân ở mọi trình độ, mọi lứa tuổi, kể cả người khiếm thị. Cho đến nay đã có một mạng lưới thư viện rộng khắp trong cả nước, từ trung ương tới cơ sở, với hai loại hình thư viện cơ bản: thư viện công cộng và thư viện đa ngành, chuyên ngành. Bên cạnh mạng lưới thư viện nhà nước, đã bắt đầu hình thành và phát triển mô hình thư viện tư nhân, tủ sách dòng họ… phục vụ cộng đồng, đáp ứng nhu cầu đọc của người dân. Công tác xuất bản và phát hành ngày càng phát triển. Số lượng xuất bản phẩm gia tăng nhanh chóng, từng bước thích ứng với với cơ chế thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người đọc. Các xuất bản phẩm khá đa dạng về chủng loại (dạng in truyền thống, dạng điện tử …), phong phú về nội dung vừa đáp ứng, vừa kích thích nhu cầu đọc sách của mọi tầng lớp nhân dân. Nhận thức của xã hội về vấn đề đọc sách và phát triển văn hóa đọc được quân tâm; đã có sự hợp tác giữa các cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội trong việc tuyên truyền, khích lệ, quảng bá cho văn hóa đọc trong đời sống xã hội, góp phần tạo ra thói quen đọc, từng bước hình thành văn hóa đọc trong cộng đồng. Nhu cầu đọc của người dân rất lớn và đa dạng. Người dân đã có xu hướng chọn lựa sách báo chất lượng và phù hợp với nhu cầu học tập, nghiên cứu, công tác chuyên môn, lao động – sản xuất và giải trí để đọc.
Tuy nhiên, rất dễ dàng để nhận thấy văn hóa đọc của chúng ta vẫn còn khá nhiều những hạn chế, tồn tại. Đối tượng đọc mới chỉ rất hạn chế, chủ yếu là các nhà nghiên cứu, những người hoạt động trong lĩnh vực chuyên sâu liên quan đến văn hóa đọc. Những đối tượng cần đọc nhất trong xã hội là học sinh, sinh viên, những người làm công tác quản lý (ở các cấp, các ngành) lại là những người chưa thực sự mặn mà với việc đọc. Thói quen đọc của người Việt Nam chưa được hình thành một cách vững chắc. Xu hướng đọc hiện nay, đặc biệt là của giới trẻ, đối tượng chúng ta đang hướng tới xây dựng thế hệ đọc tương lai ít nhiều có biểu hiện lệch lạc. Môi trường đọc chưa thật sự đáp ứng nhu cầu đọc đa dạng, luôn thay đổi của cộng đồng, Mạng lưới thư viện, tủ sách công cộng đã phát triển nhưng chất lượng tổ chức và hoạt động chưa đáp ứng được nhu cầu đọc của người dân, cơ sở vật chất nghèo nàn, cán bộ thiếu, kinh phí hoạt động thấp. Việc giáo dục thói quen đọc, kỹ năng đọc – một vấn đề có tính chất quyết định tới việc hình thành văn hóa đọc – chưa được quan tâm. Công tác xuất bản – phát hành trong cơ chế thị trường rất sôi động, số lượng xuất bản phẩm gia tăng, tuy nhiên lại thiếu những sách có chất lượng. Rất nhiều xuất bản phẩm có nội dung vô bổ, tính giáo dục chưa cao, nặng về giải trí rẻ tiền, thị hiếu tầm thường..
 
Có thể dẫn ra một vài nguyên nhân của tình trạng trên: chính sách đầu tư của Nhà nước để tạo điều kiện cho văn hóa đọc phát triển chưa thỏa đáng, còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ; nhận thức của các ngành, các cấp về văn hóa đọc chưa đúng mức; Chất lượng các xuất bản phẩm chưa đảm bảo, bị thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận, văn hóa nghe – nhìn và các loại hình giải trí khác đang ngày một lấn át, thu hẹp văn hóa đọc. Tuy nhiên, điều cốt yếu đó chính là giáo dục, đào tạo trong nhà trường chưa chú trọng đến việc hướng dẫn học sinh, sinh viên thói quen, khả năng lựa chọn và phương pháp đọc sách, và đặc biệt quan trọng, đó là nhu cầu tự thân của mỗi cá nhân trong việc tiếp cận, tích lũy, bổ sung nguồn tri thức thông qua hoạt động đọc.
Nhìn vào hiện trạng của văn hóa đọc, quả thực vẫn còn đó những buồn vui lẫn lộn. Buồn vì quá nhiều những tồn tại, hạn chế, bất cập. Nhưng cũng vui vì vẫn có rất nhiều tín hiệu khả quan để tạo dựng một xã hội ham đọc, một nền văn hóa đọc phát triển. Cần lắm những hoạt động để quảng bá, tôn vinh, định hướng, phát triển văn hóa đọc và việc ra đời Ngày Sách Việt Nam (21/4) là một việc làm hết sức đúng đắn, kịp thời. Cũng không thể trông mong động thái này trong một sớm một chiều lập tức chấn hưng văn hóa đọc ở Việt Nam, thế nhưng vẫn phải có một ngày, thậm chí là nhiều hơn thế để định hướng, cổ vũ, để tôn vinh những người làm sách, những người viết sách, những tác phẩm có giá trị, để lan tỏa niềm đam mê, tình yêu sách đến tất cả mọi người. Hãy tâm niệm rằng, chúng ta đang bồi đắp, gia cố vào nền móng vốn đang mong manh, yếu ớt của văn hóa đọc dân tộc. Hãy xác định rằng chúng ta đang tạo một tiền lệ, một con đường, một hướng đi. Xin trích dẫn câu nói của nhà văn Lỗ Tấn để kết thúc bài viết này: Kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường đó thôi. q
 
>> NGUYỄN ANH VŨ
 
     Giám đốc NXB Văn học 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *