‘Ngày hội đọc sách’ đến với sinh viên Đại học An ninh nhân dân

Từ ngày 20/3 đến ngày 22/3, Nhà xuất bản (NXB) Công an nhân dân phối hợp với Trường Đại học An ninh nhân dân tổ chức “Ngày hội đọc sách". Hơn 1.500 đầu sách được giới thiệu đến sinh viên cùng với nhiều hoạt động giao lưu tác giả, tác phẩm.
Theo Thượng tá Ngô Văn Tần, Phụ trách NXB Công an nhân dân phía Nam, đây là lần đầu tiên hội sách của NXB được tổ chức tại một trường phía Nam của lực lượng Công an nhân dân. “Ngày hội đọc sách” là hoạt động nằm trong khuôn khổ “Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam” của Trường Đại học An ninh nhân dân nhằm chào mừng 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, 70 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam.
 
 
Sinh viên Đại học An ninh nhân dân lựa chọn các ấn phẩm sách.
Khuôn viên trường (phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chia làm nhiều gian hàng của các đơn vị với đủ loại sách từ  văn học, thơ ca, triết đến sách pháp luật, kinh tế, khoa học…, nhộn nhịp người xem, mua. Nhiều sách được giảm giá 10%. Quầy của NXB Công an nhân dân thu hút đông đảo sinh viên. Nơi đây tập trung nhiều đầu sách về trinh thám, điệp viên, truyền thống Công an nhân dân…
 
Trong khuôn khổ ngày hội, sinh viên còn được gặp gỡ, giao lưu với các nhà văn, tác giả như: Nguyễn Thị Ngọc Hải, Minh Vân, Bùi Anh Tấn, Hoàng Đình Quang, Trần Minh Hợp. Rất nhiều sinh viên đã từng đọc “Thám tử yêu”, “Một thế giới không có đàn bà” của Bùi Anh Tấn hay sách về nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn của  nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải… Họ muốn tìm hiểu sâu hơn về cách nhà văn xây dựng nhân vật, tìm tòi tư liệu hoặc nhà văn trăn trở với con chữ, với cái ác, cái thiện trong xã hội ra sao…
 
Điều đáng mừng khi trong buổi giao lưu, tác phẩm “Không thể mồ côi” của tác giả Minh Vân đều được bán hết. Riêng nhà văn trẻ Trần Minh Hợp, giảng viên Trường ĐH An ninh nhân dân, giới thiệu đến ngày hội truyện dài “Giường tầng”.
 
Buổi ra mắt, ký tặng tác phẩm này thu hút sự quan tâm của đông đảo sinh viên. Bởi có thể xem đây là tác phẩm đầu tiên viết về đời sống của sinh viên An ninh nhân dân mà tác giả lại là người thầy của họ.
 
Quỳnh Nga
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *