Mua bán bản quyền sách trong thời Covid-19

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều đơn vị xuất bản giảm bớt số lượng sách mua bản quyền, đồng thời cũng quan tâm nhiều hơn đến xu hướng đọc của độc giả.

 

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều đơn vị xuất bản giảm bớt số lượng sách mua bản quyền, đồng thời cũng quan tâm nhiều hơn đến xu hướng đọc của độc giả.

Mua bán bản quyền sách với các đối tác nước ngoài có thể coi là một trong những khâu đầu tiên trong việc xuất bản một cuốn sách dịch tại Việt Nam. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu, việc trao đổi mua bán giao dịch phần nhiều bị ảnh hưởng và gián đoạn.

Ông Nguyễn Văn Phước – Giám đốc công ty sách First News Trí Việt, ông Nguyễn Xuân Minh – Giám đốc kế hoạch và bản quyền công ty sách Nhã Nam và ông Trần Đăng Tú – Nhân viên bản quyền NXB Kim Đồng sẽ cùng chia sẻ với độc giả những khó khăn, thách thức và cơ hội trong việc mua bán bản quyền sách khi đại dịch đang làm thay đổi thế giới.

Chuyển đổi hình thức từ offline sang online

Đối với hoạt động mua bán bản quyền sách, điểm khác biệt lớn nhất khi dịch Covid-19 diễn ra, theo cả ba đại diện nhận định, đó chính là các hội sách bản quyền lớn trên thế giới đều bị hủy bỏ.

Hội sách London tháng 3, Hội sách Bologna tháng 4 hay Frankfurt tháng 10… đều là những hội sách lớn trên thế giới, là nơi các đơn vị xuất bản gặp mặt nhau và giới thiệu trực tiếp các đầu sách nổi bật, có tiềm năng lớn.

Mua ban quyen sach trong thoi dich Covid-19 anh 1Các hội sách bản quyền lớn trên thế giới đều bị hủy bỏ hoặc thay đổi kế hoạch tổ chức, chuyển sang hình thức online vì dịch bệnh. Ảnh: Reedexhibitions.

Đặc biệt đối với các sách thiếu nhi với nhiều tranh minh họa đẹp mắt, vốn là thế mạnh của NXB Kim Đồng, là dòng sách "rất phù hợp để trưng bày hội sách, nay mất hẳn cơ hội thu hút sự chú ý", ông Trần Đăng Tú chia sẻ.

Thay thế cho hội sách chính là họp trực tuyến thông qua các nền tảng online như Zoom, Microsoft Team hay Google Meets… Tuy nhiên, việc họp trực tuyến với các đối tác phải làm việc từ xa không phải lúc nào cũng thoải mái, từ mạng kết nối kém cho đến tra cứu khó khăn, thiếu thông tin, thiếu sách mẫu.

Và thay vì gặp tập trung các đối tác chỉ trong 2-3 ngày như ở các hội chợ truyền thống, các cuộc gặp thường trải dài ra cả tháng, và do chênh lệch múi giờ, nên việc hẹn được thời gian tiện cho cả hai bên cũng không phải là điều dễ dàng.

Giữa những khó khăn như vậy, ông Nguyễn Xuân Minh cho rằng việc trao đổi online với đối tác đồng thời cũng cho phép hai bên có nhiều thời gian hơn để giới thiệu và đàm phán, thay vì những lần gặp chỉ 30 phút như các hội chợ.

Nhưng việc được gặp mặt trực tiếp, bắt tay, sờ chạm vào các cuốn sách, tận hưởng bầu không khí tràn ngập sách vở vẫn là điều mà các chuyên viên bản quyền thực sự mong muốn được trải nghiệm trong tương lai, giống như trước đây từng có.

Một điểm sáng nữa của việc giao dịch online đó là "kí hợp đồng điện tử" được hợp thức hóa, việc này thay thế cho các chữ ký trực tiếp và phải gửi chuyển phát đến các trụ sở làm việc của đối tác.

"Cách thức kí điện tử này tiết kiệm chi phí và thời gian, giảm thiểu rủi ro và thuận tiện lưu trữ dữ liệu'', ông Trần Đăng Tú nhận định.

Trong bối cảnh đại dịch diễn ra và phải làm việc online gặp nhiều bất cập, nhưng công ty sách First News vẫn mang về nhiều đầu sách có giá trị lớn, có thể kể đến cuốn tự truyện The Promised Land của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, cuốn sách về cuộc đời nghệ sĩ Châu Nhuận Phát, ký hợp đồng mua bản quyền sách với đại diện tài tử Keanu Reeves…

"Đại dịch là thời điểm chứng tỏ được sự năng động của đội ngũ bản quyền, dù trong tình huống nào cũng có thể liên lạc và đàm phán, mua được những tựa sách hay về Việt Nam", ông Nguyễn Văn Phước kết luận.

Mua ban quyen sach trong thoi dich Covid-19 anh 2

Ông Nguyễn Văn Phước mua bản quyền cuốn sách về Tổng thống Pháp tại Hội sách Frankfurt. Ảnh: FBNV.

Quan sát gu đọc của độc giả, thận trọng khi chọn lựa sách mới

Khi dịch Covid-19 diễn ra, các đơn vị xuất bản nhìn chung đều giảm bớt một phần số lượng sách mới, vì vậy việc cân nhắc và lựa chọn đầu sách sẽ được tiến hành cẩn trọng hơn. Phòng bản quyền của các đơn vị đều quan sát kỹ xu hướng đọc của độc giả để có thể mang về nhiều đầu sách phù hợp với thị hiếu nước nhà.

Đại diện ba đơn vị xuất bản có những nhận định khác nhau về gu đọc của độc giả.

Theo quan sát của ông Trần Đăng Tú, người đọc có xu hướng thay đổi hình thức đọc, dịch chuyển nhiều sang sách điện tử (ebook) và sách nói (audiobook). Điều này là hoàn toàn tự nhiên vì các loại sách này vừa rẻ hơn sách giấy, lại dễ mua và phù hợp với điều kiện cần giãn cách xã hội do dịch bệnh.

Tuy nhiên, việc mua bản quyền sách điện tử và sách nói ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vì đối tác nước ngoài chưa thật sự tin tưởng thị trường Việt Nam khi có tình trạng sách lậu đăng tải bất hợp pháp trên mạng. Dù vậy, ông Trần Đăng Tú vẫn hy vọng ebook và audiobook sẽ chiếm được thị phần độc giả tương lai để phù hợp với xu thế công nghệ.

Tiếp tới, trong thời gian gần đây, hiện tượng các sách kinh điển, sách của tác giả cũ… được tiêu thụ mạnh. Đây được cho là xuất phát từ tâm lý lo lắng khiến nhiều người đọc tìm đọc sách mà họ đã tin tưởng, hoặc giới thiệu những cuốn sách cũ và hay cho người khác chứ không mạo hiểm với sách mới. Hoặc vì kinh tế khó khăn và buộc phải ở nhà mà nhiều người tranh thủ đọc hết các cuốn sách cũ đã mua, thay vì mua thêm sách mới.

Nhưng nhìn rộng ra ở thị trường thế giới, sách mới vẫn được các nhà phát hành coi trọng và ra đều. Các sách thuộc thể loại giải trí cao vẫn được đón nhận. Ví dụ như truyện tranh Nhật Bản tại thị trường Bắc Mỹ đón nhận sự tăng trưởng rất lớn với hơn 35% tăng trưởng doanh số, nhiều cuốn truyện tranh cũng lọt vào top bán chạy với thứ hạng cao.

Đây là một dấu hiệu tốt để NXB Kim Đồng tiếp tục khai thác những đầu sách phù hợp và thú vị về Việt Nam. Năm 2022 tới NXB Kim Đồng kỷ niệm 65 năm thành lập, là thời điểm phát hành nhiều bộ sách lớn, đồ sộ và độc đáo trong dịp này. Điều đó thúc đẩy bộ phận bản quyền phải khai thác những tác phẩm đặc biệt hơn nữa.

Mua ban quyen sach trong thoi dich Covid-19 anh 3

Ebook và audiobook được nhận định là xu hướng mới của độc giả trong thời điểm dịch bệnh. Ảnh: Deloitte.

Phía First News, ông Nguyễn Văn Phước lại thấy rằng trong thời điểm đại dịch, độc giả quan tâm nhiều hơn đến các dòng sách thấu hiểu bản thân, sách tâm linh, sách nâng cao sức mạnh nội tại của bản thân mình. Đó là một phần lý do tác phẩm Muôn kiếp nhân sinh của giáo sư John Vũ – Nguyên Phong do First News phát hành trở thành hiện tượng xuất bản của năm 2020.

Tập 2 của Muôn kiếp nhân sinh vừa được phát hành thời gian gần đây cũng được bạn đọc đón nhận, và First News dự kiến ra mắt tập 3 trong thời gian tới. Các sách khác về chủ đề thiền của Osho hay sách về chăm sóc sức khỏe, chăm sóc bản thân cũng được chú ý hơn trong đại dịch.

Còn ông Nguyễn Xuân Minh, đại diện của Nhã Nam lại quan tâm nhiều hơn đến gu đọc sách của độc giả khi dịch bệnh đã đi qua. Bởi xuất bản một cuốn sách tại Việt Nam cần có thời gian thực hiện, khiến sách có độ trễ nhất định so với xu thế chung.

Là một đơn vị chuyên về xuất bản sách văn học, Nhã Nam tập trung hướng những đầu sách văn học giá trị của thế giới. Bên cạnh đó, đơn vị xuất bản này cũng tìm kiếm và khai thác những bản thảo chất lượng từ chính các tác giả trong nước, vừa góp phần phát triển nền văn học nước nhà, vừa đảm bảo cho những yếu tố khách quan như dịch bệnh tác động nhỏ nhất đến công việc xuất bản.

                                                                                           Nguồn : Thu Hoài – zingnews

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *