Hội thảo “Sử dụng RELAP/SCDAPSIM trong đào tạo ở các trường đại học”

Trong hai ngày 4-5/5/2016, Công ty ISS (Innovative System Software, Hoa kỳ) phối hợp với Viện Kỹ thuật hạt nhân và vật lý môi trường – Đại học Bách khoa Hà Nội, Trung tâm Đào tạo hạt nhân – Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN) đã tổ chức hội thảo khoa học về sử dụng chương trình phân tích an toàn thủy nhiệt phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu.
 
Tham dự hội thảo có TS. Chris Allison, Giám đốc công ty ISS, các giảng viên và sinh viên đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Điện lực, Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, các cán bộ nghiên cứu của Cục Năng lượng nguyên tử, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH&CN), Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân và Trung tâm Đào tạo hạt nhân (Viện NLNTVN).
 
Trước khi thành lập công ty ISS, TS. Chris Allison đã có nhiều năm làm việc tại phòng thí nghiệm quốc gia Idaho (INEEL), Hoa Kỳ và là một trong những người tham gia phát triển chương trình RELAP/SCDAPSIM. Chương trình RELAP/SCDAPSIM là một phần mềm phát triển cùng với SCDAP/RELAP (phần mềm do US NRC hỗ trợ phát triển). Về cơ bản, cả hai chương trình đều bao gồm phần phân tích hệ thống thủy nhiệt trong nhà máy điện hạt nhân (RELAP) và phần mô phỏng sự cố nghiêm trọng liên quan đến hư hỏng các thanh nhiên liệu trong lò phản ứng (SCDAP).
 
TS. C. Allison đã trình bày một số thông tin chung về các nghiên cứu phát triển chương trình RELAP/SCDASIM với các cơ sở thực nghiệm kiểm chứng và xác thực (V&V) và các công cụ giao diện đồ họa hỗ trợ (GRAPE), một số kết quả áp dụng RELAP/SCDAPSIM cho lò VVER cũng được đề cập. Giảng viên Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) Lê Bảo Trân có bài trình bày về xây dựng chương trình khung giảng dạy về cơ sở thủy nhiệt và áp dụng RELAP/SCDAPSIM trong đào tạo chuyên ngành công nghệ điện hạt nhân. Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) và Công ty ISS cũng đã có thỏa thuận cho phép sử dụng chương trình này trong công tác giảng dạy tại trường. Với cách tiếp cận này, Công ty ISS muốn đưa ra thông điệp về ưu điểm của chương trình RELAP/SCDAPSIM, không chỉ trong nghiên cứu mà còn rất hữu ích trong công tác giảng dạy, đào tạo nguồn nhân lực.
 
TS. Allison giới thiệu về chương trình RELAP/SCDAPSIM
 
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, trung tâm Đào tạo hạt nhân đã cung cấp các thông tin tổng quan về các hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực phân tích an toàn thủy nhiệt sử dụng RELAP5 và RELAP/SCDAPSIM (phiên bản Mod3.2 do Viện NLNTVN mua từ ISS trong khuôn khổ đề tài nghị định thư do TS. Lê Văn Hồng làm chủ nhiệm). Với ba nhóm nghiên cứu chính sử dụng RELAP5 gồm các cán bộ Trung tâm Lò, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt với việc phân tích các bài toán an toàn thủy nhiệt cho lò phản ứng nghiên cứu trong dự án chuyển đổi nhiên liệu của lò Đà Lạt hợp tác với ANL, Hoa Kỳ. Các cán bộ thuộc Trung tâm An toàn hạt nhân với các nghiên cứu phân tích an toàn thủy nhiệt lò APR1400 (hợp tác nghị định thư KAERI-VAEI) và lò VVER. Các cán bộ nghiên cứu thuộc Trung tâm Đào tạo hạt nhân cũng đang phối hợp với các cán bộ trong viện xây dựng các chương trình đào tạo sử dụng các chương trình tính toán vật lý – phân tích an toàn thủy nhiệt cho nhà máy điện hạt nhân.
 
Các cán bộ tham dự hội thảo cũng đã dành thời gian tìm hiểu và nghe giới thiệu về hệ thống mô phỏng nhà máy điện hạt nhân VVER-1200 (PC based Simulator) do IAEA tài trợ cho Việt Nam, hiện được lắp đặt tại Trung tâm Đào tạo hạt nhân.
Giảng viên Đinh Văn Thìn đến từ Đại học điện lực cũng đã có bài trình bày giới thiệu một số kết quả nghiên cứu bước đầu sử dụng CFD trong khuôn khổ đề tài cấp nhà nước do Đại học điện lực chủ trì. 
 
Hội thảo và các báo cáo viên đã nhận được nhiều câu hỏi, thảo luận. TS. C. Allison, TS. Nguyễn Văn Thái (Đại học Bách khoa Hà Nội), TS. Đoàn Quang Tuyền, TS. Dương Thanh Tùng (cục ATBXHN) đã có nhiều ý kiến đóng góp cho việc định hướng xây dựng chương trình đào tạo sử dụng RELAP5 nói chung và RELAP/SCDAPSIM nói riêng, đặc biệt việc khai thác sử dụng có hiệu quả hệ thống mô phỏng lò VVER-1200 cho mục đích đào tạo và nghiên cứu.
 
Hội thảo với thời lượng chính dành cho các cán bộ trẻ có điều kiện trao đổi và cập nhật thông tin từ TS. Chris Allison. Thông qua hội thảo, các cán bộ phía Việt Nam có cơ hội trao đổi và tìm kiếm sự hợp tác, trao đổi kết quả nghiên cứu, giảng dạy để từng bước hình thành cộng đồng phân tích an toàn thủy nhiệt nói chung và sử dụng các chương trình tính toán như RELAP5 và CFD nói riêng tại Việt Nam./.
 
Nguồn:  Lê Đại Diễn, Trung tâm Đào tạo hạt nhân, Viện NLNTVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *