Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam được xếp hạng cao

Trong bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam năm 2014 – 2015 được công bố tại Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2015, tiêu chí năng động của thị trường nội địa Việt Nam ở thứ hạng cao. Năm 2014 là 6/73 nước và năm 2015 là 11/62 nước.
 
 
Toàn cảnh buổi báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2015.
Báo cáo được được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam công bố sáng 13/4. Tại báo cáo này nêu thông tin về chỉ số Khởi nghiệp toàn cầu (GEM) 2015/2016 cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam năm 2015 hầu như không thay đổi nhiều so với năm 2014 và vẫn chưa thực sự hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp và phát triển kinh doanh. Cơ sở hạ tầng là yếu tố được đánh giá cao nhất trong điều kiện kinh doanh ở Việt Nam và yếu tố tiếp theo được các chuyên gia đánh giá cao là sự năng động của thị trường nội địa (3,59/5 điểm).
 
Tuy nhiên, khi so sánh hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam với các nước khác trên thế giới cũng tham gia vào nghiên cứu GEM năm 2015, thứ tự của các yếu tố lại có những khác biệt. Ba chỉ số của Việt Nam có thứ hạng cao nhất là: Năng động của thị trường nội địa (11/62), Văn hóa và chuẩn mực xã hội (14/62) và Quy định của Chính phủ (15/62).
 
 
Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ phát biểu tại buổi báo cáo.
 
Tại buổi báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2015, Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ(KH&CN)- Trần Việt Thanh cũng đã chia sẻ rằng: "Nhận thức sâu sắc vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ KH&CN đã và đang phối hợp với các bộ ngành, địa phương thực hiện các giải pháp chính sách đồng bộ nhằm từng bước nâng cao năng lực và trình độ công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp góp phần nâng cao chất lượng của sản phẩm, hàng hóa dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam, cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế".
 
Theo ông Trần Việt Thanh, chúng ta cần có những giải pháp trực tiếp để tác động tới doanh nghiệp. Trước hết chúng ta phải có cơ chế buộc doanh nghiệp nhà nước phải trích một tỷ lệ tối thiểu thu nhập tính thuế hàng năm để thành lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Khuyến khích khởi nghiệp và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp lành mạnh, thúc đẩy các loại hình đầu tư mạo hiểm, trong đó có đầu tư mạo hiểm phát triển công nghệ mới, công nghệ cao.
 
Phát triển mạnh các kênh tài chính hỗ trợ doanh nghiệp, triển khai đồng bộ các chương trình quốc gia về đổi mới công nghệ, phát triển mạnh thị trường công nghệ và các tổ chức trung gian môi giới chuyển giao, tư vấn, đánh giá và định giá công nghệ. Đầu tư xây dựng các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại các thành phố lớn, phát triển cốc cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN. Xây dựng quy định và tiêu chí đánh giá, định giá tài sản trí tuệ, chuyển nhượng, góp vốn vào doanh nghiệp bằng tài sản trí tuệ. Duy trì và phát triển hệ thống tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ, đặc biệt là các tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ.
 
Loan Lê
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *