Dạy trẻ thích đọc sách: chuyện khó… mà dễ

TTO – Rất nhiều người trong chúng ta dù biết việc đọc sách là bổ ích nhưng rất lười và mong thay đổi điều đó ở con trẻ. Vậy thì ngay từ bây giờ, hãy thử biến việc đọc trở thành niềm vui và cảm hứng cho cả bản thân và con trẻ. 
 
 
Chắc chắn chúng ta là người hâm mộ nhiệt thành nhất của con trẻ, và không cần chờ đợi nhà chuyên môn nào dạy cho mình cách để biến buổi đọc sách thành thời gian vui vẻ của cả gia đình – Ảnh tư liệu
Gần đây, trong một lần trò chuyện với nhóm phụ huynh ở trường mẫu giáo của con tôi, một chị kể tôi nghe chuyện đọc sách với con khi biết tôi là biên tập viên của một nhà xuất bản.
 
Chị thú thật là cả hai vợ chồng đều… không thích đọc sách mà lại thích nấu nướng, và bẽn lẽn nói thêm là chỉ thích đọc tạp chí. Tuy nhiên cả hai anh chị “nhất trí rất cao” về tầm quan trọng của việc đọc sách, nên quyết định hy sinh nhiều thời gian vốn trước đây dành cho sở thích riêng. Thế là cứ vào “giờ vàng” mỗi tối, kể cả thứ bảy và chủ nhật, bố hoặc mẹ sẽ cùng cậu con 5 tuổi vào “khu vực thiêng liêng” để đọc sách thiếu nhi.
 
Chị hào hứng hỏi tôi rằng sắp xếp mọi việc như thế có ổn không, và trước sự ngạc nhiên của mọi người, câu trả lời của tôi là “không”.
 
Khi cha mẹ và con cùng đọc
 
Ngày nay việc không thích đọc sách nhiều khi bị xem như điều húy kỵ. Nhưng thật ra, dù là trẻ em hay người lớn làm gì cũng cần có một động lực, nếu không thì rất dễ buông tay nhanh chóng. Vậy động lực của việc đọc sách là gì?
 
Đã có rất nhiều học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia và cả độc giả bình dân đưa ra lời đáp cho câu hỏi trên. Đọc sách để gia tăng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, mài sắc tư duy, hay khai phóng tư tưởng… Những lý do ấy đều đúng cả và không ai có thể phủ nhận một cuốn sách đàng hoàng sẽ không nhiều thì ít đều bổ ích. 
 
Thế nhưng xét trên khía cạnh tâm lý của con người, mục tiêu nào nằm “xa xa” cũng rất dễ khiến người ta vô tình bỏ quên hay thậm chí chủ động gạt nó sang một bên để dành nguồn lực cho những kết quả ở gần tầm mắt hơn. 
 
Do đó dù “mài sắc tư duy” là một trong những lợi ích đáng kể, nó và những lợi ích khác vẫn chưa đủ biến thành động lực cho việc đọc sách, và cao hơn nữa là biến đọc sách trở thành niềm yêu thích, thành một hoạt động gắn liền với cuộc sống của chúng ta.
 
Xã hội gần đây lên tiếng rất nhiều về “xây dựng văn hóa đọc”, nhưng tôi nghĩ thật ra đó chính là việc đọc đã được “thần tượng hóa”. Sao không kêu gọi xây dựng “niềm vui đọc sách”, “cảm hứng đọc sách”?
 
Những gì vui và gợi lên nhiều ý tưởng đẹp bao giờ cũng dễ trở thành động lực hơn, dễ chạm đến hơn nhiều. Và tư duy của chúng ta, kiến thức của chúng ta chính là những “sản phẩm phụ” mà chắc chắn chúng ta gặt hái được trên con đường nhiều cảm hứng đó.
 
Cách tiếp cận này phù hợp với bất cứ ai, và nếu mang ra áp dụng với thanh thiếu nhi thì hiệu quả còn cao hơn nữa. Chẳng phải nếu chúng ta giúp cả một thế hệ trẻ em xem đọc sách là một hoạt động mang lại hứng thú cho chúng, thì các thế hệ sau chẳng cần liên tục hô hào hãy cố gắng cứu lấy nền “văn hóa đọc” nữa sao?
 
Vậy nếu bạn đồng ý với tôi, ngay từ hôm nay hãy thử biến việc đọc trở thành niềm vui và cảm hứng cho bản thân và cho con trẻ. 
 
Những nhầm lẫn phổ biến
 
Xin được quay lại câu chuyện tôi đã kể ở đầu bài viết. Hai vợ chồng người bạn của tôi xứng đáng nhận được những kết quả tích cực trong nỗ lực đáng quý của họ, nhưng để nỗ lực đó thật sự hiệu quả và bền vững, họ cần khắc phục những nhầm lẫn nhỏ sau đây:
 
– Phải là “người trong nghề” hay người được đào tạo mới có thể đọc sách với trẻ em.
 
Thật ra không chuyên gia nào trên thế gian này hiểu và thương con mình hơn chính mình. Các chuyên gia có cười sung sướng khi con trẻ đọc “tầm bậy” một cách dễ thương không, có biết rõ đề tài nào sẽ khiến đôi mắt bé bừng sáng lên đầy hào hứng không?
 
Chắc chắn chúng ta là người hâm mộ nhiệt thành nhất của con trẻ, và không cần chờ đợi nhà chuyên môn nào dạy cho mình cách để biến buổi đọc sách thành thời gian vui vẻ của cả gia đình.
 
– Xem việc đọc cùng con như “sự hy sinh thầm lặng” mà trong đó cha hoặc mẹ phải hy sinh thời gian cá nhân, sở thích cá nhân.
 
Như tôi đã đề nghị ở phần trước, hãy khiến việc đọc thoải mái và mang lại cảm hứng, cho cả con trẻ và cha mẹ. Thái độ của người lớn trong buổi đọc sách cũng ảnh hưởng đến suy nghĩ của đứa trẻ. Những gì chúng ta nói trực tiếp với trẻ hoặc nói với nhau trước mặt trẻ đều “được” hoặc “bị” chúng tiếp thu.
 
Nếu thái độ “hy sinh” hoặc “miễn cưỡng” tồn tại lâu dài thì sớm hay muộn, đứa trẻ sẽ phát hiện ra và hoang mang, nghi ngại, bởi cha mẹ nó có ưa việc đọc với nó đâu!
 
Thế nên thay cho thái độ “chán ghê, đọc sách buồn thấy mồ”, hãy chọn thái độ “tìm cái gì đọc cho đỡ chán xem nào”.
 
Nếu bạn thích đọc tạp chí, thì cứ đọc tạp chí, và tìm trong đó những gì có thể đọc chung với trẻ. Nếu bạn thấy những câu chuyện về vịt cồ hư hỏng hay thỏ trắng tốt bụng… trong sách thiếu nhi nhàm chán, hãy tìm đề tài khác mà bạn thích. 
 
– Cần tập trung dạy cho trẻ đọc trước, điều đó mới quan trọng. Đến khi biết đọc rồi thì chúng tự khắc sẽ tìm đọc những gì mình thích.
 
Theo tôi, điều ngược lại mới đúng. Chúng ta thường nói vui với nhau rằng “Hát hay không bằng hay hát”, và thật ra việc đọc cũng vậy.
 
 Việc dạy đọc sẽ kết thúc khi trẻ đã có được kỹ năng đọc, chỉ có điều chưa chắc nó sẽ thường xuyên sử dụng kỹ năng này về sau. Trong khi đó, xây dựng niềm vui đọc sách là một quá trình kéo dài suốt những năm tháng tuổi thơ và thậm chí lâu hơn, và chắc chắn kỹ năng đọc sẽ được hoàn thiện cùng lúc.
 
Một số gợi ý cho  “Chương trình vừa đọc vừa vui" 
 
Đây là một ví dụ thu nhỏ về một “chương trình vừa đọc vừa vui” mà tôi và một người bạn Mỹ đang áp dụng. Bạn cứ thoải mái thay đổi để phù hợp với gia đình mình.
 
– Nhân dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, dẫn bé đến thăm Đền Hùng Vương (nếu ở TP.HCM thì đền nằm ngay trong Thảo Cầm Viên), và cùng con đọc những câu chuyện lịch sử được khắc trong đền. Đó cũng là một cách tạo hứng thú khi đọc.
 
– Đọc cùng con những truyền thuyết về vua Hùng, như Sơn Tinh – Thủy Tinh hoặc Bánh Chưng – Bánh Dày. Nếu bạn thấy những câu chuyện này đã cũ, thử tìm sách về những vị vua và hoàng hậu khác mà chính bạn cũng có hứng thú tìm hiểu.
 
– Nhân Ngày Sách Việt Nam (21-4), cùng con đến nhà sách hoặc đường sách, để cho con tự mua một cuốn sách mà con thích và bạn thấy phù hợp. Bạn cũng mua cho mình một cuốn mà bé có thể đọc. Sau đó ở nhà, hai bố con hoặc hai mẹ con sẽ thay phiên đọc với nhau.
 
– Cùng con đọc một số trang trong cuốn tạp chí mà bạn thích. Trong một cuốn tạp chí của người lớn thường vẫn có những bài hoặc chuyên mục mà trẻ em có thể đọc cùng, chẳng hạn thời trang, ẩm thực…  
           
LAM TĨNH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *