Đam mê và thành đạt

Nhiều người tin rằng đã sắp đến ngày Sergey Brin và Larry Page, hai chàng sinh viên đồng sáng lập ra Google – công cụ tìm kiếm Internet, có mặt trong danh sách những người giàu có nhất với nhiều tỉ USD.
 
Google chuẩn bị niêm yết trên thị trường chứng khoán trong năm 2004. Người ta dự đoán tổng giá trị cổ phiếu Google sau khi niêm yết sẽ lên tới 15 tỉ USD. Cả Trung tâm công nghệ tin học tại thung lũng Silicon xôn xao, tràn trề hi vọng và mơ ước đến một thời kỳ bùng nổ của công nghệ thông tin sau ba năm ngưng trệ đến buồn chán. Các nhà đầu tư vào các quĩ đầu tư mạo hiểm hi vọng rằng sự kiên trì và dũng cảm của mình sẽ được đền đáp.
 
Sự thành công đáng khâm phục của Google đã phản bác lại quan điểm đang tồn tại cho thế giới và thị trường công nghệ tin học là chỉ có ai nhanh nhất hoặc đến sớm nhất thì mới thành công. Google không phải là người đến sớm nhất. Mãi đến năm 1998, Google mới ra đời. Khi đó trên thị trường đã có hàng loạt công cụ tìm kiếm Internet có tên tuổi như Altavista hay Lycos.
 
Sinh sau đẻ muộn, mới chỉ hơn 5 năm tồn tại, công cụ tìm kiếm Google đã có những bước tiến phát triển kỳ diệu. Google hiện đã chiếm tới 70% thị phần trong lĩnh vực này. Hàng ngày, trên toàn thế giới có tới 200 triệu lượt người truy cập, tìm kiếm thông tin nhờ Google.
 
Bất đắc dĩ thành chủ doanh nghiệp
 
Chính bản thân hai chàng trai thông minh và tài năng này lại không tưởng tượng nổi mình sẽ thành công với Google như vậy. Và họ lại càng không thể hình dung được mình đang giàu có, đang là những tỉ phú.
 
Thậm chí khi mới thiết kế công cụ tìm kiếm Google, Brin và Page còn tìm mọi cách để lảng tránh kinh doanh. Hai ông không quan tâm, nhiều khi còn cố tình giảm doanh thu và lợi nhuận bằng mọi cách có thể. Cũng giống như hai ông chủ trẻ tuổi của Yahoo, lúc đầu Sergey Brin và Larry Page chỉ coi Google là một công cụ giải trí với những tiện ích xã hội, kỹ thuật. Họ chưa hề nghĩ đến việc sử dụng tiện ích này để kinh doanh.
 
Sergey Brin, 30 tuổi, là con trai một gia đình người Do thái. Ông sinh ra ở Matxcơva. Khi ông 6 tuổi, cả gia đình ông sang định cư tại Mỹ. Ngay từ nhỏ, Brin đã tỏ ra thông minh vượt trội so với bạn cùng lứa. Ông đã học và tốt nghiệp cử nhân khoa toán và tin học tại Maryland. Sau đo, ông nhận học bổng làm nghiên cứu sinh tại trường Tổng hợp Stanford. Tại đây, Sergey đã gặp gỡ Larry Page, một tài năng tin học khác chỉ hơn ông có 1 tuổi.
 
Larry Page, 31 tuổi, là con trai của một giáo sư tin học có tiếng ở Michigan. Ngay từ lúc ở tuổi đi trẻ, Larry đã chơi và sống trong môi trường tin học và máy tính của cha ông. Đồ chơi xếp hình của cậu bé Larry không phải là bộ Lego chính hiệu mà là các ống mực nhiều màu của máy in phun. Hiện nay những thứ đồ chơi này được trưng bày trong viện bảo tàng của trường Tổng hợp Stanford.
 
Tiền thân của Google là một công cụ tìm kiếm thô sơ có tên là BackRub, được lập trình từ năm 1996. Từ nguồn vốn cá nhân và tài trợ của một số quĩ đầu tư mạo hiểm, tổng cộng 1 triệu USD, ngày 7 tháng 9 năm 1998, Công ty Google ra đời. Trụ sở của công ty được đặt tại thành phố Menlo Park, bang California của Mỹ. Tên gọi của công ty hay công cụ tìm kiếm thông tin trên Internet được Sergey Brin nghĩ ra trên cơ sở từ “Googol” có nghĩa là tên gọi của dãy số gồm chữ số 1 và 100 chữ số 0.
 
Brin kể lại rằng ông chọn tên con số khổng lồ thể hiện sự vô hạn định này làm tên công ty với ngụ ý rằng Google có thể tìm kiếm sắp xếp được mọi thông tin theo ý muốn, từ cả một biển trời thông tin vô hạn định.
 
Hai ông chủ và hai nhân viên, công ty lúc ban đầu chỉ có 4 người. Nhưng ngay từ những ngày đầu tiên đã có trung bình 10.000 lượt người truy cập vào Google. Những ưu điểm vượt trội của công cụ tìm kiếm mới xuất hiện đã nhanh chóng được giới “lang thang” trên mạng Internet biết đến.
 
Đến tháng 2 năm 1999, số lượt người truy cập mỗi ngày đã là 500.000. Larry Page là Chủ tịch kiêm Giám đốc đầu tiên của Google. Page giữ chức danh này cho đến tháng 4 năm 2001, khi đó Google đã là một công ty tin học trung bình với 200 nhân viên.
 
Hiện nay sau hơn 5 năm hoạt động, Google đã phục vụ tới hơn 100 triệu lượt người tìm kiếm thông tin qua Google mỗi ngày. Người ta có thể sử dụng công cụ này trên toàn cầu bằng 88 thứ tiếng khác nhau, trong đó có cả tiếng Việt. Hiện đang có tổng cộng hơn 1.000 nhân viên đang làm việc cho Google. Bên cạnh chức năng làm công cụ tìm kiếm, Google còn cung cấp rất nhiều dịch vụ trực tuyến khác như mua sắm trên mạng, đấu giá,…
 
Ưu thế vượt trội của Google
Không phải tình cờ mà Google đã có những thành công kỳ diệu và trở thành công cụ tìm kiếm được ưa thích nhất. Có thể nói mỗi thành phần khách hàng sử dụng công cụ Google đều thấy rõ thời gian tìm ở Google rất nhanh. Trung bình chỉ hơn 1 giây là những trang Web cần tìm đã xuất hiện trên màn hình. Để làm được điều đó, Google đã không tham lam liên kết với các trang quảng cáo và giới thiệu.
 
Không như các đối thủ cạnh tranh khác, Google đã sử dụng một cộng nghệ tìm kiếm riêng có tên PageRank. Công nghệ này cho phép không chỉ tìm kiếm các trang Web nhất định mà còn phân loại chúng theo số lượng các trang liên kết khác được giới thiệu hay liên kết với trang được chọn.
 
Ngoài ra, Google còn đưa ra các hình thức lựa chọn khác nhau để phục vụ người sử dụng tiện lợi nhất. Không chỉ các trang Web bình thường mà cả các trang với kiểu PDF đều được Google thống kê và tìm kiếm. Vì thế tổng số trang Web được Google tập hợp lên tới con số khổng lồ là gần 2 tỉ. Không những thế, Google vẫn luôn được tự hoàn thiện. Trực tiếp phụ trách phần phát triển công nghệ là Chủ tịch Công ty Sergey Brin.
 
Ngoài ra, Google còn tập hợp các dữ liệu ảnh, có thể tìm kiếm và phân loại ảnh một cách nhanh nhất. Một tính năng quan trọng khác của Google là các nhà thiết kế đã xây dựng được cả một “bức tường lửa” để có thể hạn chế tối đa việc lạm dụng sử dụng thông tin không phù hợp.
 
Google chiếm được thị trường nói chung khá nhanh. Trong đó đặc biệt giới trẻ, sinh viên, học sinh rất hâm mộ công cụ tìm kiếm Google. Bí quyết thành công của Google là thích ứng cho các phần cứng đơn giản, phổ thông và rẻ tiền. Bản thân hơn 10.000 máy tính chủ của Google cũng đều là những máy rẻ tiền. Cả hai ông chủ đều rất tâm hợp ý đầu không chỉ trong phát triển công nghệ mà còn cả trong chiến lược đầu tư. Phương châm kinh doanh của Google là phần cứng phải đơn giản và rẻ tiền nhất nhưng phần mềm phải hoàn hảo.
 
Tâm đầu ý hợp 
Tài năng và say mê của hai chàng trai thông minh đã gặp nhau và được nhân lên gấp bội. Cả hai đều say sưa tìm hiểu Internet và đều không hài lòng với các công cụ tìm kiếm đang có, kể cả những đại gia như Yahoo. Sergey Brin và Larry Page đã bàn nhau và quyết định xin tạm nghỉ nghiên cứu sinh để cùng nhau lao vào cuộc chơi ngẫu hứng với Google.
 
Cho đến giờ cả hai chàng thanh niên vẫn chưa quay lại giảng đường, nhưng họ không hề ân hận. Bởi vì cái họ được lớn hơn nhiều. Họ đã có Google, công cụ tìm kiếm Internet đang được ưa chuộng nhất đến nay. Từ một đam mê, Google đã đem lại cho hai ông gần như tất cả: sự nổi tiếng, thành đạt, sự ngưỡng mộ và cả rất nhiều tiền.
 
Tuy thế, cả Sergey Brin và Larry Page vẫn sống hết sức giản dị và khiêm tốn. Trong khi các doanh nhân trẻ mới nổi đua nhau sắm những xe hơi sang trọng nhất thì cả một thời gian dài, hàng ngày Sergey vẫn đi bằng một chiếc xe đạp từ một căn hộ nhỏ ở khu phố nghèo đến công ty. Còn ông Tổng giám đốc điều hành Larry cũng chỉ sắm cho công ty một chiếc xe xoàng xĩnh nhất để phục vụ công việc.
 
Suốt một thời gian dài, cả hai ông gần như không đếm xỉa gì đến lợi nhuận đến các hợp đồng quảng cáo, kinh doanh béo bở. Sergey và Larry âm thầm và miệt mài xây dựng, phát triển công cụ tìm kiếm của mình. Cả hai đều không ưa những đồn đại rùm beng trên các phương tiện truyền thông về tương lai của Google.
 
Mặc dù được đánh giá rất cao về phương diện kinh tế nhưng hai ông chủ trẻ tuổi vẫn dường như vẫn chưa muốn xuất hiện là những doanh nhân thực thụ. Chiến lược phát triển của Google vẫn được thống nhất và khẳng định là ưu tiên số một cho phát triển công nghệ chứ không phải là thu hút các nhà đầu tư.
 
Có lẽ vì thế mà Sergey và Larry có vẻ như dửng dưng, không quá sốt ruột về việc lên sàn niêm yết của Google như giới kinh doanh, đầu tư trong lĩnh vực tin học. Trên thực tế, cả hai ông chủ đều là những người khá rụt rè và thận trọng với kinh doanh. Họ đã chuẩn bị khá kỹ cho thời điểm quan trọng này, kể cả những yếu tố chưa chắc đã quen hay có lợi cho Google.
 
Thu hút người tài
Những thành công vượt trội về công nghệ của Google là điều không có gì phải bàn cãi. Nhưng các nhà đầu tư chứng khoán và phân tích tài chính còn nhận thấy ở Google một tiềm năng khổng lồ về phương diện kinh tế. Đó không phải là thị phần ngày càng tăng của Google. Điều quan trọng mà các chuyên gia đã nhận thấy là Google đã thu hút một đội ngũ lãnh đạo và nhân viên thuộc loại tinh hoa nhất trong giới kinh doanh tin học. Đây mới chính là yếu tố đảm bảo cho sự thành công bền vững lâu dài của một công ty.
 
Mặc dù Larry Page đã điều hành công ty rất tuyệt trong 3 năm đầu nhưng khi phát triển đến qui mô lớn hơn, hai ông chủ Google đã kịp thời mời Eric Schmidt, một cựu giám đốc nổi tiếng của Sun Microsystems và Novell về làm Tổng giám đốc điều hành cho Google. Còn Sergey Brin và Larry Page làm đồng Chủ tịch, một người phụ trách công nghệ, một người phụ trách sản phẩm.
 
Phó chủ tịch phụ trách Engineering là nhà tổ chức và quản lý nghiên cứu Wayne Rosing, đã từng giữ các chức vụ cao cấp của Appel, Data General và Sun Microsystems. Phó Chủ tịch Phụ trách chiến lược phát triển kinh doanh của Google là David Drummon, từng là Phó chủ tịch của SmartForce. Phó chủ tịch phụ trách bán hàng là Tim Armstrong đến từ Snowball.com. Phó chủ tịch phụ trách về bán và quản lý bản quyền là Joan Braddi.
 
Danh sách các tên tuổi lớn đang làm việc tại Google còn dài lắm. Và danh sách các ứng cử viên về đầu quân cho Google ngày càng dài thêm. Đây chính là nguồn tài nguyên và giá trị vô gía mà hai ông chủ trẻ tuổi Sergey Brin và Larry Page đã xây dựng được trong suốt hơn 5 năm qua.
 
Hà Linh
 
Nguồn:Tầm nhìn (2006)
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *