CDIO và tinh thần cộng sự trong giáo dục Việt Nam – quốc tế

Trình bày hai vấn đề hoàn toàn khác nhau nhưng cả GS. Salmiah Kasolang – Trưởng khoa Cơ học Kỹ thuật – ĐH Công nghệ MARA (Maylaysia) và TS. Phạm Thị Ly – ĐH QG TP. HCM, ĐH Nguyễn Tất Thành đều chia sẻ những thực tế nhận thấy được ở nền giáo dục nước ngoài với mong muốn áp dụng ưu điểm của nó tại Việt Nam.
 
Hành trình CDIO: Kỳ vọng lan tỏa và ứng dụng
 
Với vai trò trưởng khoa tại khoa Cơ học Kỹ thuật – Đại học Công nghệ MARA (Maylaysia), GS. Salmiah Kasolang luôn trăn trở với việc làm sao để khơi nguồn cảm hứng trong đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đại học từ đó phát triển nguồn nhân lực của quốc gia một cách chiến lược và bền vững. Bà là một trong những người tham gia khởi xướng CDIO tại Đại học Công nghệ MARA– một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra để thiết kế chương trình, phương pháp giảng dạy và đánh giá theo một quy trình khoa học tại MARA.
 
 
 
GS. Salmiah Kasolang chia sẻ về hành trình CDIO tại ĐH Công nghệ MARA – nơi mình đang công tác. Ảnh: Anh Khoa và Tuấn Duy.
CDIO là viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Conceive – Design – Implement – Operate, nghĩa là: Hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành.
 
“Tại ĐH MARA, từ năm 2012, CDIO đã từng bước được triển khai tại các chuyên ngành: Cơ học kỹ thuật, Kỹ thuật hóa học, Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật điện (điện tử).Từ 2012 ĐH, Công nghệ MARA lên kế hoạch tập huấn CDIO, tiếp đến thiết kế lại chương trình, đánh giá lại các tiêu chuẩn, siết chặt kế hoạch hành động, hướng đến sự khởi nghiệp trong chương trình đào tạo. Dự kiến, những kết quả đầu tiên của chương trình triển khai CDIO sẽ được phân tích và đánh giá vào năm sau, tạo tiền đề cho những thay đổi và cải tiến vào năm 2018”, GS. Salmiah Kasolang chia sẻ về hành trình CDIO tại nơi mình đang công tác.
 
Mặc dù CDIO đang tiến những bước đáng kể nhưng không phải là không có thách thức. Nữ diễn giả cho rằng khó khăn lớn nhất mà bà và các đồng sự đang gặp phải đó là sự thiếu cam kết trong việc thực thi CDIO, bởi nhiều giáo viên, sinh viên còn chưa thấu hiểu những lợi ích mà CDIO mang lại cho quá trình học tập trong nhà trường cũng như tương lai nghề nghiệp sau này.
 
 
GS. Salmiah Kasolang cho rằng sinh viên FPT cũng như mô hình giáo dục tại FPT hoàn toàn có thể áp dụng CDIO. Ảnh: Anh Khoa và Tuấn Duy.
 
Giải pháp mà giáo sư đưa ra để lan tỏa CDIO đó là: Đầu tư thích hợp, tiếp tục thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức, nghiên cứu các chương trình giảng dạy và tích hợp các khóa học. Đến với Educamp lần này là một hành động rất thiết thực trong chiến dịch tuyên truyền, nâng cao hiểu biết về CDIO trong cộng đồng các trường đại học.
 
Hơn thế nữa, GS. Salmiah Kasolang còn cho rằng sinh viên FPT cũng như mô hình giáo dục tại FPT hoàn toàn có thể áp dụng CDIO. “Tôi nhận thấy rất nhiều tiềm năng ở Đại học FPT, các bạn còn rất trẻ nhưng năng động và có lợi thế là trường đại học của doanh nghiệp, tự chủ về nguồn tài chính, điều này có thể giúp các bạn thuận lợi khi triển khai CDIO”, bà chia sẻ.
 
Đến với Educamp với mục đích chia sẻ và sau hội thảo, những gì vị giáo sư nhận được còn là có rất nhiều điều mới mẻ, đáng để học hỏi và ứng dụng vào công việc thực tiễn và tạo network mới từ Trường Đại học FPT. Đối với bà, Educamp đã hoàn toàn thành công với những tiêu chí đặt ra: “Connect – Share – Transform”.
 
Cơ chế bình đẳng là mấu chốt xây dựng tinh thần cộng sự
 
“Một người Việt Nam làm việc bằng 3 người Nhật nhưng 3 người Việt Nam lại làm việc không bằng 1 người Nhật”,  TS. Phạm Thị Ly đã so sánh như vậy khi nói về “Tinh thần cộng sự” và vai trò của nó đối với việc vận hành tổ chức giáo dục.
 
Đây là đề tài mà đại diện Đại học Nguyễn Tất Thành hết sức tâm đắc nhưng phải đến Educamp 2015 mới có cơ hội bày tỏ và chia sẻ quan điểm của mình. Từng có thời gian làm việc tại Mỹ, TS. Phạm Thị Ly có cơ hội nhìn nhận về tinh thần cộng sự trong nền giáo dục Hoa Kỳ và so sánh nó với Việt Nam. Theo diễn giả, tại Mỹ, từ “collegiality” được sử dụng diễn tả ý về “tinh thần cộng sự”. Đó là “Những người thống nhất rõ ràng về một lý tưởng chung, tôn trọng nhau vì mục đích thực hiện lý tưởng chung ấy”, diễn giả chia sẻ.
 
 
Ở tầm vĩ mô, các trường đại học tư nhân dường như vẫn chịu “lép vế” hơn so với các trường công lập. Điều này đi ngược với “tinh thần cộng sự” nhưng đang diễn ra phổ biến ở Việt Nam. Ảnh: Anh Khoa và Tuấn Duy.
 
Theo TS. Phạm Thị Ly, ở tầm vĩ mô, các trường đại học tư nhân dường như vẫn chịu “lép vế” hơn so với các trường công lập. Điều này đi ngược với “tinh thần cộng sự” nhưng đang diễn ra phổ biến ở Việt Nam. Ảnh: Anh Khoa và Tuấn Duy.
Trong một tổ chức, mỗi người không chỉ làm nhiệm vụ của mình mà còn tôn trọng người khác trong việc thực hiện phần việc của họ. Dù trình độ khác nhau nhưng một khi đã là “cộng sự”, họ bình đẳng với nhau trong môi trường chung là công việc. Nữ tiến sĩ dẫn ví dụ, tại các trường Đại học ở Mỹ, trưởng khoa không phải là “sếp”, là cấp trên mà vị trí này luân phiên được giao cho từng người trong khoa, đảm trách trong một thời gian nhất định. Trách nhiệm đối với công việc của “trưởng khoa đương thời” cao hơn so với các cán bộ khác nhưng xét về vai vế, quan hệ xã hội, họ bình đẳng với nhau.
 
So sánh với Việt Nam, hiện tại đa phần các mô hình giáo dục trong nước vẫn vận hành theo phương thức truyền thống. Đồng nghiệp gắn bó với nhau nhiều khi không trên tinh thần “cộng sự” mà bị chi phối bởi cảm xúc riêng, quan hệ thân tình, bạn bè rất nhiều. Chính vì vậy, sự tôn trọng, bình đẳng trong công việc không đạt đến chuẩn mực.
 
Tiến sĩ Phạm Thị Ly chứng minh bằng việc tại nhiều trường học, các giáo viên hợp đồng không được nằm trong bộ máy ra quyết định. Ở tầm vĩ mô, các trường đại học tư nhân dường như vẫn chịu “lép vế” hơn so với các trường công lập. Điều này đi ngược với “tinh thần cộng sự” nhưng đang diễn ra phổ biến ở Việt Nam.
 
TS. Phạm Thị Ly chia sẻ đã từng có “1 năm làm việc tại trung tâm chỉ với 6 đồng nghiệp, xây dựng tinh thần cộng sự cùng vì 1 sản phẩm, hiểu thành công hoặc thất bại của sản phẩm đó là của mình, nôm na không kiếm ra tiền thì mình sẽ bị đói. Trao quyền, hiểu vai trò của mọi người, phần việc của mình và của mọi người, cơ chế ra quyết định bình đẳng dựa trên sự đồng thuận cao là bí quyết xây dựng nên tinh thần cộng sự”, điều cần thiết ở mọi môi trường trong đó ngành giáo dục nói riêng và tổ chức khác nói chung.
 
Ngày 29/11, Educamp 2015 đã diễn ra tại campus Hòa Lạc, Trường Đại học FPT với sự tham gia của 150 Lãnh đạo, cán bộ, giảng viên Việt Nam và quốc tế.
Với tổng cộng 42 bài tham luận được chia sẻ, Hội thảo hướng đến chia sẻ và thảo luận xung quanh những vấn đề: Xây dựng tổ chức học tập tại FPT, thực tế của FE nói riêng và các cơ sở giáo dục đào tạo ở Việt Nam nói chung như: tuyển sinh, giảng dạy, nghiên cứu, quản trị, truyền thông… qua đó thúc đẩy cải tiến công việc hiện tại của người tham gia.
 
Ba keynote của Educamp 2015 gồm: “Quản trị Đại học như Tổ chức Dịch vụ” của TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT; “Hành trình CDIO tại Đại học Công nghệ MARA” – Giáo sư Salmiah Kasolang – Trưởng Khoa Cơ học Kỹ thuật – ĐH Công nghệ MARA (Malaysia); “Tinh thần cộng sự – một so sánh bước đầu trong môi trường học thuật Hoa Kỳ và Việt Nam” của – TS. Phạm Thị Ly – ĐH QG TP. HCM, ĐH Nguyễn Tất Thành.
 
Ngọc Trâm
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *