Câu chuyện về những “cái Nhất” của năm 2015

Năm 2015 đã đi qua với nhiều thành công và thách thức của cả nền kinh tế nói chung, khoa học và công nghệ (KH&CN) nói riêng. Với người đứng đầu ngành KH&CN, năm 2015 có một ý nghĩa đặc biệt vì đây là năm tổng kết của cả một giai đoạn (2011-20105). Nhân dịp đầu năm mới Bính Thân, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã chia sẻ với phóng viên Tạp chí KH&CN Việt Nam về một số “cái nhất” trong những năm qua. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
 
 
Thưa Bộ trưởng, năm 2015 đã đi qua với cả cơ hội và thách thức, xin Bộ trưởng cho độc giả của Tạp chí KH&CN Việt Nam biết, trăn trở lớn nhất của Bộ trưởng trong năm 2015 là gì?
Năm 2015, đất nước đứng trước những cơ hội và thách thức lớn lao khi tham gia Hiệp định TPP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA). Điều khiến tôi trăn trở nhất là việc chúng ta chuẩn bị điều kiện tham gia các hiệp định này như thế nào. Để mở đường gia nhập những hiệp định này thì vai trò của KH&CN là rất lớn. Chắc hẳn mọi người đều đã có thông tin về những khúc mắc lớn nhất của quá trình đàm phán hầu như đều nằm ở KH&CN, như các vấn đề về sở hữu trí tuệ và chất lượng sản phẩm hàng hóa: dược phẩm, nông hóa phẩm, xử lý hình sự đối với những vi phạm về sở hữu trí tuệ (bản quyền, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp…). Đây là những vấn đề mà nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm khi Việt Nam tham gia TPP hay FTA.
 
Sở dĩ nó là một thách thức mang tính rất cấp bách vì nước ta đang ở trình độ phát triển rất thấp. Trong số 12 nước thành viên TPP thì GDP của Việt Nam là thấp nhất (khoảng trên 2.000 USD/đầu người), trong khi nước thấp gần chúng ta hiện nay cũng hơn 5.000 USD. Các nước dẫn đầu như Hoa Kỳ, Nhật Bản… có GDP cao gấp khoảng 30 lần so với Việt Nam (khoảng 60.000 USD). Việt Nam phải chơi một sân chơi chung với họ, chấp nhận tất cả các điều kiện chung mà TPP đặt ra. Đây là một thách thức rất lớn.
 
Tôi có thể nói thêm thách thức về KH&CN khi chúng ta tham gia các hiệp định này, đó là khi gia nhập TPP và FTA thì vấn đề phải cạnh tranh quyết liệt sẽ là chất lượng hàng hóa và giá thành của sản phẩm. Cả hai vấn đề chất lượng và giá hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ. Nếu chúng ta vẫn dùng công nghệ cũ, lạc hậu thì năng suất lao động sẽ vẫn tiếp tục thấp như hiện nay và chất lượng sản phẩm không được cải thiện. Tuy nhiên, để đổi mới công nghệ thì không chỉ đơn giản là thay máy cũ bằng máy mới mà còn phải đổi mới cả một hệ thống quản lý tiên tiến cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao đi kèm. Cho dù khoảng 2 năm nữa chúng ta mới phải thực thi TPP, nhưng với KH&CN thì thời gian này là rất ngắn. Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam đến 2020 đã đặt ra yêu cầu tốc độ đổi mới công nghệ phải đạt 15-20% mỗi năm, nghĩa là sau khoảng 5 năm các doanh nghiệp Việt Nam phải đổi mới được một thế hệ công nghệ. Đây là con số quá cao nhưng mặt khác cũng lại được coi là quá thấp đối với doanh nghiệp Việt Nam. Sở dĩ có sự trái ngược này là vì hầu hết các doanh nghiệp của chúng ta có quy mô vừa và nhỏ, không dễ gì cứ sau 5 năm lại thay đổi được một thế hệ công nghệ, nhưng tốc độ đổi mới công nghệ 15-20%/năm cũng lại quá thấp vì bản thân trình độ công nghệ của chúng ta đang lạc hậu so với thế giới nhiều thế hệ (đa phần các doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng công nghệ của thập niên 80, 90 của thế kỷ XX, chưa đến 5% doanh nghiệp sử dụng công nghệ mới hiện đại), vì vậy nhu cầu đổi mới công nghệ là rất lớn, lớn hơn khả năng của doanh nghiệp hiện có, đòi hỏi phải có tốc độ đổi mới công nghệ nhanh hơn nữa, nếu không tăng tốc tôi sợ là chúng ta sẽ không tận dụng được lợi thế cạnh tranh mà sẽ bị thua ngay trên chính sân nhà.
 
Trong phạm vi quản lý của mình, Bộ KH&CN đã và đang nỗ lực hết sức để giúp các doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Từ đầu năm 2015, Bộ đã chính thức ra mắt Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia. Đây là một kênh để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước nhằm đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, cũng cần phải hiểu rằng, mọi sự hỗ trợ của Nhà nước đều nằm trong khuôn khổ nhất định, sự nỗ lực phải đến từ bản thân các doanh nghiệp, họ phải nhận thức được cơ hội, thách thức và có nguồn lực của chính mình đầu tư cho đổi mới công nghệ để phát triển. Nếu doanh nghiệp không đổi mới công nghệ, không có sản phẩm mới, các sản phẩm không có sức cạnh tranh thì bị đổ vỡ sẽ là điều tất yếu.
 
Được biết, 2015 cũng là năm Bộ KH&CN đã rất nỗ lực để hoàn thiện hành lang pháp lý cho KH&CN. Theo Bộ trưởng, chính sách nào mang tính đột phá nhất trong năm?
Trong nhiều năm qua, cơ chế tài chính cho KH&CN luôn là vấn đề được quan tâm nhất, là vấn đề nóng trên nhiều diễn đàn. Tuy nhiên, tôi cũng rất vui mừng thông báo rằng, với sự nỗ lực không mệt mỏi của các cơ quan liên quan, đến ngày gần cuối cùng của năm 2015 (30/12/2015), một trong những điểm nghẽn về cơ chế tài chính đã được khai thông, đó là sự ra đời của Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước (Thông tư 27) được liên Bộ KH&CN và Tài chính ký ban hành. Thông tư 27 được ban hành trong tiến trình đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Hội nghị Trung ương 6, khóa XI về phát triển KH&CN; Luật KH&CN năm 2013 và Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN. Tất nhiên, đổi mới về cơ chế tài chính cho KH&CN còn rất nhiều nội dung, nhưng đây là một trong những nội dung được các nhà khoa học rất quan tâm và mong đợi.
 
 
 
Thông tư mới trao quyền chủ động cho chủ nhiệm nhiệm vụ và tổ chức chủ trì trong việc sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ; đơn giản, thuận lợi hơn cho các chủ nhiệm nhiệm vụ và tổ chức chủ trì trong việc lựa chọn phương thức khoán và thực hiện các thủ tục thanh quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Theo tôi, đây là một văn bản pháp quy có ý nghĩa lớn, đột phá, thúc đẩy hoạt động KH&CN, đặc biệt tiếp cận kinh tế thị trường và hướng đến thông lệ quốc tế. Đồng thời, là động lực để các nhà khoa học nghiên cứu tạo ra những sản phẩm có giá trị theo đặt hàng của Nhà nước nhưng vẫn đảm bảo các nguyên tắc quản lý tài chính và hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.
 
Cùng với các Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước, Thông tư số 121/2014/TTLT-BTC-BKHCN về giao kinh phí cho nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của tổ chức KH&CN công lập, Thông tư 27 sẽ đảm bảo đồng bộ quy trình quản lý kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ KH&CN bao gồm: lập dự toán, quản lý sử dụng (giao khoán, kiểm soát chi, tạm ứng và thanh toán tạm ứng, kiểm tra, thanh quyết toán), hỗ trợ việc chuyển các tổ chức KH&CN công lập sang cơ chế tự chủ thuận lợi hơn.
 
Xin Bộ trưởng chia sẻ sự kiện KH&CN nào trong năm qua mà Bộ trưởng tâm đắc nhất?
Năm nào Bộ KH&CN cũng phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam lựa chọn ra những sự kiện KH&CN tiêu biểu của năm. Năm 2015 chúng ta cũng lựa chọn được 9 sự kiện tiêu biểu. Nhưng với cá nhân tôi, thành công nhất không nằm ở một sự kiện cụ thể mà ở sự đổi mới về tư duy, đổi mới về phương thức đầu tư cho KH&CN. Năm 2015, lần đầu tiên chúng ta tiếp cận đến một khái niệm mới và bắt đầu tạo dựng cơ chế để hình thành “hệ sinh thái khởi nghiệp”, kỳ vọng sẽ tạo ra một làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ thông qua đầu tư mạo hiểm. Như mọi người đều biết, ở Việt Nam khái niệm đầu tư mạo hiểm được biết đến từ hơn một thập niên qua, nhưng đến nay nó vẫn còn khá mới. Thời gian trước đây, gần như chúng ta chưa có khái niệm về việc này và hệ thống luật pháp của chúng ta chưa chấp nhận việc đầu tư mạo hiểm, hay nói cách khác là chúng ta vẫn chưa có môi trường thuận lợi cho đầu tư mạo hiểm. Khi đầu tư mạo hiểm không được quan tâm, nghĩa là chúng ta đã thiếu đi một kênh đầu tư có thể tạo ra những thành công đột phá trong lĩnh vực KH&CN, thiếu một khâu quan trọng làm nên hệ sinh thái khởi nghiệp, và khả năng chúng ta bị sa lầy trong bẫy thu nhập trung bình là khó tránh khỏi.
 
 
 
Năm 2015 đặc biệt ghi nhận nhiều mô hình, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã được ươm tạo và nhận được sự hỗ trợ của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Qua đó, nhiều ý tưởng khởi nghiệp đã thành công, tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động. Chúng ta đang rất cần nhiều các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhằm tạo ra những cú hích trong phát triển kinh tế. Có một số hoạt động bước đầu về khởi nghiệp sáng tạo được tổ chức trong năm qua. Từ góc độ quản lý nhà nước, Đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon do Bộ KH&CN triển khai từ năm 2013 đã được trình Thủ tướng Chính phủ cho phép nâng cấp thành Đề án cấp quốc gia. Nếu được phê duyệt, đây là một tín hiệu rất đáng mừng, nó cho thấy Nhà nước sẵn sàng thử nghiệm những mô hình mới để phát triển KH&CN nói riêng và kinh tế – xã hội của đất nước nói chung, tất cả vì mục tiêu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với sự đổi mới về tư duy như vậy, tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới chúng ta sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa. Và chính vì thế, tôi mong muốn năm 2016 phải thực sự là “năm khởi nghiệp”.
 
Còn về sự kiện ấn tượng nhất trong năm 2015, theo tôi đó chính là việc Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO công bố xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo đối với 141 quốc gia năm 2015, Việt Nam có bước tiến vượt bậc trong bảng xếp hạng quốc tế. Chúng ta được xếp hạng 52/141 quốc gia toàn cầu, xếp hạng 2/31 quốc gia có thu nhập trung bình thấp, và xếp thứ 3 trong ASEAN (năm 2014 Việt Nam xếp hạng 71/142 quốc gia toàn cầu, xếp thứ 5/32 quốc gia thu nhập trung bình thấp và xếp thứ 4 trong ASEAN). Kết quả đáng tự hào này thể hiện sự nỗ lực “vượt qua chính mình” của cộng đồng KH&CN Việt Nam và tác động tốt của hệ thống cơ chế chính sách về KH&CN thực sự đổi mới trong mấy năm qua.
 
Xin Bộ trưởng cho biết, kỳ vọng lớn nhất của mình trong năm mới là gì?
Năm 2016 cũng là năm đầu tiên của giai đoạn 5 năm tiếp theo. Công việc của các cơ quan quản lý hoạt động KH&CN bên cạnh những kết quả cũng còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Kỳ vọng lớn nhất của tôi chính là tập hợp và phát huy được sự sáng tạo của thế hệ các nhà khoa học trẻ. Ở bất cứ nơi đâu, thời đại nào, thế hệ trẻ cũng luôn là lực lượng xung kích trên mọi mặt trận. Với sự sáng tạo và sức trẻ, tôi luôn tin tưởng và kỳ vọng các nhà khoa học trẻ sẽ cống hiến được nhiều hơn cho đất nước. Thực thế cho thấy, trong những năm qua, những thành tựu KH&CN mà Việt Nam đạt được có sự đóng góp rất quan trọng của các nhà khoa học trẻ. Họ đã được giao chủ trì những công trình khoa học lớn, tạo ra sản phẩm có giá trị với hàm lượng công nghệ cao, mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế – xã hội. Trong 5 năm vừa qua, khoảng 70% công bố quốc tế của Quỹ NAFOSTED là của các nhà khoa học trẻ. Chúng ta cũng đã có nhiều nhà khoa học trẻ có tên tuổi ở khu vực và thế giới, như các nhà khoa học Đàm Thanh Sơn, Vũ Hà Văn đã rất thành công ở Hoa Kỳ, nhóm các bạn trẻ có sản phẩm Misfit được đánh giá là 1 trong 10 sản phẩm công nghệ hàng đầu của nước Mỹ năm 2013. Các nhà khoa học trẻ trong nước như ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, các tập đoàn, tổng công ty… đã và đang ngày đêm miệt mài nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm rất tốt, đóng góp thiết thực cho phát triển của đất nước.
 
Bước sang năm mới, một năm đầy thách thức khi hội nhập quốc tế và tình hình thế giới, khu vực phức tạp, tôi kỳ vọng các nhà khoa học trẻ hãy sáng tạo hơn, chủ động tiếp cận các nguồn lực của Nhà nước, đồng thời phải tự tin hơn trong việc tiến hành các hoạt động nghiên cứu. Nhà nước đã và sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa, tạo ra những môi trường làm việc tốt nhất cho các nhà khoa học trẻ. Các bạn nên tận dụng cơ hội này để có thể cống hiến tài năng và trí tuệ của mình nhiều hơn cho đất nước.
 
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.
Nguồn: Tạp chí KH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *