Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: BL)
Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy tại Hội nghị công tác xuất bản sách KH&CN do Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật (Bộ KH&CN) tổ chức vào chiều 7/12, tại Hà Nội.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh: Công tác xuất bản trong giai đoạn hiện nay có nhiều biến đổi, phải đối mặt với nhiều thách thức đặt biệt là đối với Nhà xuất bản (NXB). Nếu so sánh với 20 năm trước, chủ yếu là ấn phẩm trên giấy, ít các ấn phẩm điện tử thì hiện nay lĩnh vực xuất bản sách còn chịu sự cạnh tranh của sách điện tử, xuất bản phẩm bị copy bán giá rẻ dẫn đến sản phẩm của NXB bị tồn đọng, không thu hồi được vốn để tái sản xuất. Do đó để tìm hướng đi cho NXB trong thời gian tới, cần phải nâng cao chất lượng của hoạt động xuất bản, đẩy mạnh việc xuất bản các sản phẩm điện tử, tạo ra những tác phẩm thực sự có giá trị.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng bày tỏ mong muốn, thông qua hội nghị này, NXB sẽ thu thập ý kiến đóng góp của các tác giả, các nhà khoa học, các tổ chức, các cá nhân tâm huyết với công tác xuất bản để nâng cao chất lượng dịch vụ, từ đó hoàn thiện dịch vụ và đề xuất phương án xuất bản và phát hành mới thông qua những đóng góp ý kiến trực tiếp của cộng tác viên.
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Giám đốc NXB Khoa học và Kỹ thuật Võ Tuấn Hải cho biết: Trong thời gian qua, ngành Xuất bản gặp nhiều khó khăn thách thức như: Nhu cầu về văn hóa đọc của xã hội ngày càng cao và đa dạng; sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa các nhà xuất bản, giữa xuất bản sách với các phương tiện truyền thông khác… Phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, NXB Khoa học và Kỹ thuật đã có nhiều đổi mới và tiến bộ, tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng của mình trong thực hiện nhiệm vụ xuất bản sách khoa học, kỹ thuật và công nghệ; có nhiều cố gắng thích ứng với cơ chế thị trường và có bước phát triển đáng kể trong đổi mới; chất lượng sách cả về nội dung và hình thức không ngừng được nâng lên…
Tại hội nghị, các chuyên gia cũng cho rằng, một thực tế không thể phủ nhận là sách in không còn giữ vị thế độc tôn như những năm trước. Sự ra đời của ebook (sách điện tử), nhất là các thiết bị, phần mềm hỗ trợ đọc, trao đổi, mua bán sách trực tuyến đã tạo ra một cuộc cách mạng thật sự trong giới xuất bản. Thực tế, không chỉ riêng tại Việt Nam, xuất bản điện tử nói riêng và ngành xuất bản nói chung của nhiều quốc gia trên thế giới dù gặt hái được khá nhiều thành công, nhưng vẫn đang phải đối mặt với không ít sức ép. Thay vì đọc sách để giải trí và nâng cao kiến thức, không ít người dành phần lớn thời gian cho mạng xã hội, trò chơi trực tuyến hay phim ảnh. Một nguyên nhân khác khiến nhiều người thờ ơ với sách chính là sự hiện diện của quá nhiều các trang điểm sách, tóm tắt sách hay từ điển mạng như Wikipedia hay Goodread (Đọc hay).
Trước những xu thế thay đổi đó, nhiều ý kiến cho rằng, NXB cần phải đầu tư công sức, tâm huyết, kinh phí cho công tác xuất bản, nâng cao hơn nữa chất lượng cả về nội dung và hình thức, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất để xuất bản những cuốn sách phù hợp với từng đối tượng và lứa tuổi khác nhau, mở rộng thêm lĩnh vực, phân khúc thị trường rõ ràng, đưa sách xuất bản giới thiệu trên các trang mạng để độc giả tra cứu được dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng NXB cần xây dựng một thương hiệu, sự khác biệt so với các NXB trong lĩnh vực kinh tế – xã hội khác, mở rộng liên kết với các NXB khác để thu hút nguồn lực cũng như tăng cường sức mạnh… Đây sẽ là những gợi ý, định hướng quan trọng giúp NXB nâng cao chất lượng dịch vụ và đề xuất phương án xuất bản, phát hành mới./.