Tăng cường đầu tư kinh phí cho các phòng thí nghiệm trọng điểm

 Nguồn: ITN
Không thể phủ nhận những tác động tích cực của phòng thí nghiệm trọng điểm (PTNTĐ) đối với phát triển khoa học công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu, đưa nhanh các thành tựu, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Song, vẫn còn không ít PTNTĐ hoạt động kém hiệu quả mà nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu kinh phí và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Khó khăn về nguồn lực

Đầu tư chưa tới ngưỡng là khẳng định của lãnh đạo nhiều PTNTĐ khi đề cập tới vấn đề kinh phí hoạt động. Ước tính, mỗi PTNTĐ ở nước ta được đầu tư khoảng 60 tỷ đồng, tương đương với 3,1 triệu USD, nếu so với mức đầu tư ở những nước tiên tiến, đó là con số rất khiêm tốn. Thực tế cho thấy, ngay từ những năm 90, đầu tư cho mỗi PTNTĐ của Nhật Bản là khoảng 15-20 triệu USD; các phòng thí nghiệm về công nghệ (không thuộc diện trọng điểm) trong các trường đại học ở Trung Quốc trung bình cũng vượt xa con số 3,5 triệu USD.

Mỗi năm các PTNTĐ đều nhận khoản đầu tư trên dưới 1 tỷ đồng cho hoạt động chi thường xuyên, song chưa đủ để thay thế linh kiện hay sửa chữa máy móc đắt tiền, đặc biệt đối với các PTNTĐ theo hướng nghiên cứu cơ bản, nơi có rất ít nguồn thu. Thành thử, một số thiết bị có vốn đầu tư lớn nhưng cũng phải tạm dừng hoạt động do thiếu kinh phí sửa chữa. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều PTNTĐ thiếu điều kiện nghiên cứu những lĩnh vực trọng tâm. Đơn cử như PTNTĐ Enzym và Protein (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN) mặc dù đã làm chủ một số công nghệ về protein – enzym hiện đại như phân tích, nhận dạng, phát hiện các đột biến gene gây bệnh, các kỹ nghệ gene để tạo protein – enzym tái tổ hợp nhưng lại chưa đủ điều kiện trang thiết bị để đi sâu nghiên cứu tương quan giữa cấu trúc, chức năng của protein – enzym, trong khi đây mới là chìa khóa cho sự phát triển công nghệ.

Theo nhiều chuyên gia, những hạn chế về tài chính cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đội ngũ cán bộ làm việc tại các PTNTĐ. Hầu hết cán bộ làm việc tại PTNTĐ đều là kiêm nhiệm, biên chế chỉ chiếm hơn 15%. Không ít PTNTĐ có nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao theo hình thức đào tạo 100% ở nước ngoài hoặc phối hợp với các tổ chức KHCN ở nước ngoài có quan hệ hợp tác với PTNTĐ nhưng lại không có đủ kinh phí. Đối với những PTNTĐ đã gửi được cán bộ trẻ đi đào tạo tại các cơ sở tiên tiến ở nước ngoài cũng gánh nỗi lo về cơ chế đãi ngộ và biên chế ít ỏi, khó có thể giữ chân họ làm việc lâu dài.

Tìm hướng đầu tư

So với các quốc gia tiên tiến khác, 1.000 tỷ đồng đầu tư cho 16 PTNTĐ là con số khiêm tốn nhưng với điều kiện kinh tế của nước ta hiện nay, đó là cả một sự cố gắng lớn. Do vậy, việc các tổ chức KHCN tự vận động tìm kiếm nguồn thu qua các sản phẩm nghiên cứu sẽ góp phần không nhỏ vào việc giảm bớt gánh nặng về kinh phí đầu tư. Theo Giám đốc PTNTĐ Công nghệ lọc, hóa dầu, Viện Hóa học Công nghiệp Vũ Thị Thu Hà, trong điều kiện khó khăn hiện nay, chúng tôi hầu như hoàn toàn phải tự gánh vác lấy nguồn thu từ các sản phẩm nghiên cứu của mình để trả lương cho cán bộ nghiên cứu, duy trì vận hành bộ máy, trang thiết bị hay duy tu, bảo dưỡng, thay thế phụ tùng.

Trên thực tế, PTNTĐ Công nghệ lọc, hóa dầu đã trực tiếp tạo ra hoặc thu hút được những nguồn lợi kinh tế cao gấp nhiều lần so với số tiền được đầu tư ban đầu trên cơ sở hợp tác với Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc và hàng chục doanh nghiệp Việt Nam để hoàn thiện, làm chủ nhiều công nghệ như sản xuất dầu diesel sinh học gốc (B100) từ nguồn dầu mỡ thực vật Việt Nam bằng xúc tác dị thể trên hệ dây chuyền pilot công suất 200 tấn/năm và diesel sinh học (B5) trên dây truyền công suất 4.000 tấn/năm, hướng tới quy mô công nghiệp 30.000 tấn/năm; sản xuất dung môi sinh học (đã đăng ký bản quyền ở châu Âu, Mỹ, Brazil và Việt Nam).

Tuy nhiên, bí quyết có được nguồn thu cho vận hành PTNTĐ vẫn là mở rộng cửa đón các nhà khoa học nước ngoài về làm việc, tận dụng trí tuệ của họ vào phát triển sản phẩm nghiên cứu. Đó cũng chính là thành công của PTNTĐ Công nghệ tế bào thực vật thuộc Viện Di truyền Nông nghiệp, từ chỗ còn lúng túng trong định hướng nghiên cứu do thiếu trang thiết bị, sau khi được đầu tư đã phát triển vượt bậc trên cơ sở thiết lập quan hệ và xây dựng được 4 phòng thí nghiệm liên kết quốc tế với các đối tác Pháp, Mỹ, Nhật bản và Thái Lan (thu hút 6 triệu USD đầu tư). Hiện nay, các phòng thí nghiệm liên kết này lúc nào cũng có trên 10 chuyên gia nước ngoài làm việc.

Đầu tư có chọn lọc

Mặc dù đã có không ít PTNTĐ tự tìm kiếm cho mình nguồn thu để vận hành, phát triển nhưng để theo đuổi những nghiên cứu có tính dài hơi, có tầm chiến lược vẫn cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Với nguồn lực hạn chế như hiện nay, khó có thể đầu tư quy mô, bài bản và lâu dài cho tất cả các PTNTĐ. Thực tế đó đòi hỏi phải có sự đầu tư một cách chọn lọc.

Một chuyên gia nhận định, phải có bước sàng lọc để chỉ ra đâu là những PTN hoạt động không hiệu quả cần được cải tổ hoặc trả về cơ quan chủ quản và đơn vị nào làm tốt cần được hỗ trợ, tạo điều kiện để tiếp tục phát huy. PTNTĐ được Nhà nước ưu tiên tài trợ phải thể hiện được định hướng phát triển thuyết phục cùng với đội ngũ các nhà nghiên cứu giàu năng lực, kinh nghiệm và khát vọng cống hiến. Năng lực, đó không chỉ thể hiện qua bằng cấp mà phải được minh chứng qua những sản phẩm nghiên cứu cụ thể như các công trình công bố quốc tế trên các tạp chí ISI, sáng chế được đăng ký trong và ngoài nước hay số lượng công nghệ đang được ươm tạo.

Song, trên thực tế, hoạt động kiểm tra hầu như mới chỉ dừng lại ở việc nghe đề xuất của các PTNTĐ mà chưa có xem xét, đánh giá kỹ lưỡng về mặt chuyên môn. Thậm chí, đánh giá chỉ đơn thuần là đếm số lượng các công bố quốc tế mà không xem xét kỹ chất lượng và đối tượng thực hiện, trong khi có không ít công trình của nước ngoài mà Việt Nam chỉ đóng góp một phần rất nhỏ. Chưa kể, có những tiêu chí đánh giá thiếu phù hợp với thực tiễn, chẳng hạn với những PTNTĐ mới đi vào hoạt động một thời gian chưa dài thì không thể áp dụng tiêu chí đánh giá về hiệu quả kinh tế, số tiền thu được từ việc chuyển giao công nghệ hoặc triển khai sản xuất.

Chưa có được bộ tiêu chí đánh giá phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực là nguyên nhân khiến cho việc sàng lọc, phân loại hiệu quả hoạt động của PTNTĐ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải xây dựng bộ tiêu chí hoàn chỉnh, là công cụ giúp các cơ quan quản lý biết được đâu là những đơn vị hoạt động hiệu quả để tài trợ.

 
Nguồn tin: Đại biểu nhân dân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *