Đầu tư cho khoa học và công nghệ đã mang lại hiệu quả cao nhất

 
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân. Ảnh: Trần Minh
 
Những năm qua, thành tựu của nền khoa học và công nghệ (KH&CN) nước ta đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của kinh tế-xã hội, làm tăng ngân sách Nhà nước, tăng năng suất lao động và thực sự trở thành động lực cho sự phát triển.
Để KH&CN đi vào mọi ngóc ngách của đời sống thì không chỉ cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà cần sự chung tay, góp sức của cả xã hội. Với góc độ quản lý nhà nước về KH&CN, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã có trao đổi với phóng viên báo chí về vấn đề này.
 
Phóng viên: Mỗi năm, Nhà nước chi 2% cho KH&CN trong tổng chi ngân sách. Xin Bộ trưởng cho biết một vài đánh giá về hiệu quả đạt được của công tác nghiên cứu, ứng dụng KH&CN tới sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước?
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Theo tôi, mức chi 2% của ngân sách nhà nước cho KH&CN trong tổng chi ngân sách nhà nước là mức không phải thấp so với tỷ lệ chung của thế giới. Đánh giá về hiệu quả, có thể nói GDP của nước ta còn thấp nên tổng chi ngân sách Nhà nước cho KH&CN không nhiều. Những năm gần đây, GDP của cả nước đạt khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng, trong đó chi cho KH&CN khoảng 20 nghìn tỷ đồng. Do phải dành một phần cho dự phòng và an ninh-quốc phòng nên thực chi chỉ giao động từ 1,3-1,5% tổng chi ngân sách Nhà nước cho KH&CN. Trong số này đã dành khoảng hơn 80% cho chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, không trực tiếp dành cho nghiên cứu và ứng dụng. Chỉ khoảng hơn 10% trong số đó (mỗi năm khoảng hơn 2.000 tỷ đồng) là dành cho các đề tài nghiên cứu, cấp nhà nước và cấp bộ. 
 
Trong 5 năm qua, các sản phẩm KH&CN đã có được những con số ấn tượng, nhiều sản phẩm tốt. Ví dụ như nước ta đã trở thành một trong 4 quốc gia trên thế giới sản xuất đươc vắc-xin tiêu chảy Rota; là 1 trong 10 quốc gia trên thế giới, 3 quốc gia châu Á tự thiết kế và đóng được giàn khoan đạt tiêu chuẩn quốc tế, giàn khoan 90m nước và 120m nước. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã có thể tự lực được trong việc chế tạo tàu hộ vệ tên lửa thế hệ tương đối hiện đại theo thiết kế của LB Nga. Lần đầu tiên nước ta cũng vượt ngưỡng 2.000 công bố quốc tế trên các tạp chí uy tín về KH&CN.
 
Để đánh giá tổng quan hiệu quả của hoạt động KH&CN, tôi có thể đưa ra những con số cụ thể. Trước đây, ICOR (chỉ số đánh giá hiệu quả đầu tư) của nước ta rất lớn, thường trên 7 nhưng gần đây đã giảm xuống sau khi nước ta thực hiện tái cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả đầu tư thì ICOR đã giảm xuống còn trên 5. Nghĩa là bỏ ra 5 đồng vốn thì đem lại 1 đồng cho tăng trưởng GDP. Trong KH&CN, chỉ tiêu quan trọng nhất là yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) đánh giá đóng góp của đổi mới và tăng trưởng vào GDP quốc gia. Theo kinh nghiệm của các nước, phần đóng góp về KH&CN trong TFP thường rất lớn, ví dụ như Ma-lai-xi-a, đóng góp của KH&CN trong TFP là hơn 70%. Ở nước ta, nếu lấy mức đóng góp của KH&CN trong TFP với mức khiêm tốn nhất là 10% thì sẽ có nghĩa là KH&CN đã đóng góp khoảng 3% vào GDP quốc gia. Như vậy, đầu tư 2% tổng chi ngân sách Nhà nước, tương đương khoảng 0,5% GDP quốc gia cho KH&CN thì sẽ tạo ra được 3% GDP quốc gia. Hay nói cách khác, chỉ số ICOR trong lĩnh vực KH&CN của nước ta là 0,5/3. Trái ngược với ICOR trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản là 5/1. Có thể khẳng định, một đồng vốn đầu tư cho KHCN có hiệu quả cao gấp nhiều lần so với đầu tư vào các lĩnh vực khác.
 
PV: Bên cạnh những thành tựu mà Bộ trưởng vừa chia sẻ thì Bộ trưởng có lý giải thế nào về thực trạng còn nhiều công trình và đề tài nghiên cứu khoa học có tính khả thi rất thấp?
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Tôi nghĩ rằng làm khoa học là phải chấp nhận rủi ro và mạo hiểm, nếu không sẽ không thể làm khoa học. Có những loại nghiên cứu mà chúng ta phải chấp nhận “bỏ ngăn kéo”, ví dụ như nghiên cứu cơ bản. Nghiên cứu cơ bản luôn phải đi trước nghiên cứu ứng dụng, là tiền đề để chuẩn bị cho những nghiên cứu ứng dụng. Vì vậy những nghiên cứu này chưa được ứng dụng trong một giai đoạn nhất định. Khi năng lực của xã hội đạt đến trình độ nhất định mới có thể ứng dụng được. Ví dụ như phát minh về chất bán dẫn được nghiên cứu thành công ở Hoa Kỳ từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước nhưng đã phải “xếp ngăn kéo” gần 1 thập kỷ, cho đến khi Nhật Bản mua lại bằng sáng chế đó vào cuối thập kỷ 50. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, chất bán dẫn đã đem lại hiệu quả cao cho nền kinh tế không chỉ của Nhật Bản mà của toàn thế giới. Ngày nay, không có lĩnh vực nào của khoa học kỹ thuật mà không có mặt của chất bán dẫn. Tương tự như vậy, có nhiều nghiên cứu cũng như vậy.
 
Thứ hai là những đề tài nghiên cứu ứng dụng nhưng phải chờ đợi quá trình thương mại hóa hoặc phải chờ đời sự chấp nhận của xã hội, ví dụ như nghiên cứu vắc-xin. Chúng ta phải có giai đoạn rất dài thử nghiệm lâm sàng, sau đó phải có cấp phép của ngành y tế thông qua hội đồng y đức vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Có những dược phẩm, thuốc phải mất 10, 15 năm mới có thể hoàn thành công đoạn thử nghiệm lâm sàng, thương mại hóa để trở thành sản phẩm hàng hóa. Xã hội nào cũng phải chấp nhận một tỷ lệ nhất định những nghiên cứu không được ứng dụng. Không có một quốc gia nào có thể có 100% các đề tài nghiên cứu khoa học đều thành công, đều được ứng dụng. Những nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng chỉ có 20% các nghiên cứu được ứng dụng và thương mại hóa thành công.
 
PV: Năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam hiện rất thấp, vậy tới đây Bộ có những giải pháp nào về KH&CN để tăng năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa và bắt kịp các nước trong khu vực?
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Theo tôi, NSLĐ của Việt Nam hiện rất thấp, chính là yếu tố làm cho đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian gần đây có biểu hiện chững lại. Trước đây, những doanh nghiệp nước ngoài (FDI) nhận định Việt Nam có nhân công giá rẻ, tiền lương thấp nên kỳ vọng vào tỷ trọng chi phí cho nhân công trong sản phẩm khi đầu tư vào Việt Nam thấp, nâng cao cạnh tranh cho sản phẩm. Tuy nhiên, những năm gần đây, các doanh nghệp FDI nhận thấy rằng, tiền lương có thể thấp nhưng NSLĐ của Việt Nam còn thấp hơn nên thực tế chi phí nhân công trong các sản phẩm vẫn cao hơn khi đầu tư vào nước khác. Ví dụ, mặc dù tiền lương của nước ta thấp bằng 1/5 của Xin-ga-po nhưng nếu như NSLĐ chỉ bằng 1/15 của họ tức là chi phí nhân công của Việt Nam gấp 3 lần so với Xin-ga-po. Điều này làm cho các nhà đầu tư cảm thấy nhân công giá rẻ ở nước ta không còn là yếu tố hấp dẫn nữa.
 
NSLĐ phụ thuộc vào trình độ KH&CN của doanh nghiệp và quốc gia. Khi đưa KH&CN vào sản xuất kinh doanh thì quy trình sản xuất hợp lý hơn, mức độ tự động hóa của dây chuyền sản xuất cao hơn thì NSLĐ sẽ được nâng lên. Bộ KH&CN trong thời gian 5 năm vừa qua đã có một số hoạt động giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao NSLĐ. Chúng tôi hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế (ISO). Đây là quy trình quản lý tiên tiến, hợp lý hóa tất cả các khâu trong hệ thống sản xuất của doanh nghiệp từ khâu quản lý cho đến sản xuất. Doanh nghiệp nào áp dụng ISO thì có NSLĐ cao hơn. Bộ cũng đã trình với Chính phủ hàng loạt chương trình quốc gia về KHCN nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp. Có 3 chương trình quốc gia lớn, khoảng 7 chương trình cấp quốc gia tác động trực tiếp đến doanh nghiệp.
 
PV: Viện KH&CN Việt Nam-Hàn Quốc (V-KIST) đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế để đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất, Bộ trưởng mong muốn điều gì khi Viện này hoạt động?
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Dự án Viện KH&CN Việt Nam-Hàn Quốc là dự án quan trọng. Hiện nước ta có hơn 200 viện nghiên cứu của Nhà nước. Nhưng tất cả các Viện nghiên cứu này được tổ chức theo mô hình cũ, mức độ tự chủ chưa cao, mặc dù theo Nghị định 115, từ năm 2005 các viện này phải chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm để nâng cao hiệu quả hoạt động nhưng quá trình chuyển đổi còn chậm do nhiều cơ chế chính sách không đồng bộ. Bộ KH&CN đã báo cáo với Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng như Tổng thống Hàn quốc ủng hộ trong việc ký Hiệp định giữa 2 Chính phủ về việc Hàn Quốc giúp Việt Nam xây dựng một Viện nghiên cứu tiên tiến. Đây là mô hình tiên tiến, xây dựng theo mô hình Viện KIST của Hàn Quốc. Tôi mong muốn có đủ những yếu tố thành công của Viện KIST đó là: Có đạo luật đặc biệt dành riêng để vượt qua những vướng mắc từ những luật khác chưa kịp đổi mới để phù hợp; được người đứng đầu quốc gia đỡ đầu và có một đội ngũ các nhà khoa học trong nước và quốc tế giàu tâm huyết có tài năng với chính sách hấp dẫn để thu hút các nhà khoa học ở nước ngoài.
 
Mới đây, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị định 50 của Chính phủ về việc thành lập Viện KH&CN Việt Nam-Hàn Quốc, trong đó cũng đã tận dụng tối đa quyền hạn của Chính phủ trong việc giao cơ chế tự chủ cao nhất cho Viện. Ví dụ như cơ chế tự chủ cao trong thực hiện ngân sách Nhà nước; tự chủ về định mức chi tiền lương, hoạt động thường xuyên… vốn đầu tư ban đầu. Bên cạnh 35 triệu USD do chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại thì Việt Nam có nguồn đối ứng tương đương. Chúng tôi đang xúc tiến thành lập hội đồng Viện lâm thời cũng như ban điều hành lâm thời. Hội đồng Viện sẽ do Thủ tướng chỉ định ban đầu. Nhưng khi Viện đã đi vào hoạt động thì sẽ tuân thủ những nguyên tắc, thông lệ mà các viện nghiên cứu tiên tiến trên thế giới đang áp dụng là cơ chế tự chủ cao. Chính phủ cũng như Bộ KH&CN kỳ vọng sẽ xây dựng Viện trở thành địa chỉ tin cậy để các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đặt hàng. Viện sẽ chỉ thực hiện các nhiệm vụ, đề tài ứng dụng KH&CN, nghiên cứu theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và xã hội. Chắc chắn, các đề tài nghiên cứu thành công sẽ có địa chỉ ứng dụng, giảm thiểu tỷ lệ đề tài không ứng dụng được.
 
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!
 
Nguồn tin: http://www.qdnd.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *