Sáng 16/7, tại Nghệ An, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2015.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành; Đỗ Quý Doãn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, cùng các đồng chí lãnh đạo đại diện các bộ, ban, ngành liên quan; đại diện lãnh đạo các Nhà xuất bản, đơn vị In, Phát hành trên toàn quốc.
Hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2015 là hội nghị định kỳ được tổ chức nhằm định hướng về chính trị tư tưởng trong hoạt động xuất bản, đánh giá nội dung xuất bản phẩm từ tháng 8 năm 2014 đến tháng 6 năm 2015 và đề ra phương hướng nhiệm vụ trọng tâm của ngành xuất bản trong 6 tháng cuối năm 2015.
Hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2015.
Báo cáo công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2015 cho thấy, hoạt động xuất bản của cả nước cơ bản vẫn giữ sự ổn định, ngành xuất bản không ngừng được kiện toàn, chấn chỉnh, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển đúng định hướng. Nội dung các xuất bản phẩm, nội dung xuất bản phẩm của các nhà xuất bản đã bám sát nhiệm vụ chính trị, văn hóa, tư tưởng, thể hiện ở việc đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc và phục vụ tốt công tác tuyên truyền đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước trên mọi lĩnh vực đời sống.
Trong 6 tháng đầu năm, các nhà xuất bản trong toàn quốc đã đăng ký xuất bản 48.035 cuốn, nộp lưu chiểu 11.64 cuốn với 104,00 triệu bản in (giảm 7,3% về cuốn và giảm 46,2% về bản in so với cùng kỳ năm 2014).
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, hoạt động của các nhà xuất bản cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, một số nhà xuất bản đăng ký đề tài không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, vẫn còn hiện tượng đăng ký tên sách không phù hợp với tóm tắt nội dung, tóm tắt nội dung sơ sài hoặc trích nguyên tên sách vào phần tóm tắt nội dung hoặc viết tắt, viết sai chính tả; nộp xuất bản phẩm lưu chiểu chậm; ghi không đầy đủ hoặc không đúng quy định các thông tin trên xuất bản phẩm.
Bên cạnh đó, một số nội dung xuất bản phẩm phản ánh hiện thực xã hội một cách sai lệch, không khách quan, có những nhận định, đánh giá tiêu cực đối với một số vấn đề chính trị xã hội, không phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Một số nhà xuất bản không biên tập, đọc duyệt kỹ lưỡng, dẫn đến có những cuốn vi phạm về nội dung, bị cơ quản quản lý xử lý; ngôn từ trong một số cuốn sách có nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, gây lệch lạc trong nhận thức của người đọc. Hiện tượng in lậu, in nối bản tiếp tục diễn biến phức tạp; thực trạng liên kết xuất bản tràn lan hiện nay gần như đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, làm suy yếu vai trò chủ đạo của các nhà xuất bản và của chính cơ quan chủ quản; một số cơ quan chủ quản Nhà xuất bản và đơn vị xuất bản chưa chủ động thực hiện đầy đủ các qui định về điều kiện thành lập và bảo đảm hoạt động của nhà xuất bản…
Trong 63 nhà xuất bản trên toàn quốc chỉ có 24 nhà xuất bản (chiếm 38,1%) đảm bảo đủ điều kiện hoạt động. Song, do thiếu nguồn tài chính, thiếu chức danh lãnh đạo, thiếu biên tập viên, thiếu diện tích trụ sở, chỉ có khoảng 13% nhà xuất bản hoạt động ổn định và phát triển, 11% nhà xuất bản hoạt động thua lỗ, số còn lại hoạt động cầm chừng, thiếu ổn định. Một số nhà xuất bản có năng lực xuất bản yếu kém, trong 6 tháng đầu năm 2015 chỉ xuất bản được trên dưới 10 đầu sách.
Cùng với sự tăng trưởng về chất lượng đầu sách và số bản, nhiều nhà xuất bản tiếp tục chú trọng phát triển các tủ sách giáo dục truyền thống, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật và công nghệ dành cho các lứa tuổi và nhiều nhóm đối tượng bạn đọc khác nhau. Các hội chợ, triển lãm sách trong nước và quốc tế tiếp tục được duy trì và từng bước mở rộng. Đó là những đóng góp quan trọng, giàu ý nghĩa để xuất bản khẳng định vị thế là lĩnh vực tư tưởng – văn hóa, có nhiệm vụ truyền bá các giá trị tinh thần, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hoá và khoa học của xã hội; xây dựng đạo đức, lối sống và phát triển toàn diện nhân cách con người Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ đánh giá cao các đơn vị xuất bản đã chủ động xây dựng, tìm kiếm, lựa chọn nội dung bản thảo có chất lượng phục vụ công tác tuyên truyền, thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2015 – năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp, chuẩn bị các công việc để tiến hành Đại hội Đảng lần thứ XII.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xuất bản năm 2015, trong sáu tháng còn lại của năm, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ đề nghị ngành xuất bản cần khẩn trương, nghiêm túc triển khai những nhiệm vụ, giải pháp mà hội nghị vừa thống nhất, phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển của ngành từ nay đến cuối năm. Trong đó, lưu ý những nhiệm vụ trọng tâm như:
Các nhà xuất bản trên cơ sở định hướng thông tin đã thống nhất từ đầu năm, căn cứ vào tình hình thực tiễn rà soát lại kế hoạch đề tài và kế hoạch xuất bản, đẩy nhanh tiến độ xuất bản, hoàn thành các đề tài phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước, nhất là các đề tài phục vụ tuyên truyền về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng; các gương điển hình tiên tiến tiến tới Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IX; phát triển kinh tế – xã hội; tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc và các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm quan trọng của dân tộc, đất nước: 70 năm Cách mạng Tháng tám và Quốc khánh 2-9.
Các cơ quan chức năng chỉ đạo, quản lý nghiên cứu, có cơ chế phù hợp, phối hợp với cơ quan chủ quản tăng cường nguồn lực cho nhà xuất bản, tiếp tục đẩy nhanh quá trình tham mưu, xây dựng bổ sung vốn, nhất là vốn lưu động; đẩy mạnh triển khai đầu tư trụ sở, trang thiết bị cho nhà xuất bản trực thuộc, tạo sự chuyển biến tích cực về năng lực, tiềm lực ở các nhà xuất bản, đặc biêt khối các nhà xuất bản địa phương. Đối với các nhà xuất bản thuộc khối doanh nghiệp, nghiên cứu, linh hoạt sử dụng các cơ chế đầu tư thông qua các kênh đặt hàng, đấu thầu, tạo nguồn tích lũy cho nhà xuất bản, sớm thực hiện việc hỗ trợ các đơn vị xuất bản theo Luật Xuất bản năm 2012 và Điều 8 Nghị định 195/CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Xuất bản năm 2012, bảo đảm từ nay đến cuối năm vấn đề này được triển khai đồng bộ, toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp xuất bản.
Để chuẩn bị cho Lễ tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 42 CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về“Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” và sơ kết 5 năm các quyết định QĐ 281, 282, 283 của Ban Bí thư về xuất bản trong quý IV năm nay, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ cũng đề nghị các nhà xuất bản tập trung trí tuệ toàn ngành, bám sát nhiệm vụ, hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, đáp ứng tốt nhu cầu về xuất bản phẩm của toàn xã hội, xây dựng ngành xuất bản phát triển vững mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Tuấn Trí