Hội thảo sách điện tử nóng vì vấn đề bản quyền

Một trong những lý do hàng đầu kìm hãm khả năng kinh doanh những sản phẩm xuất bản điện tử chính là tình trạng vi phạm bản quyền.
 
Sáng ngày 15/12, Hội thảo xuất bản và phát hành sách điện tử do Cục Xuất bản, in và phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đã diễn ra tại TP.HCM. Hội thảo có sự tham dự của hơn 10 đơn vị xuất bản lớn trên cả nước.
 
Phát biểu tại Hội thảo, Thạc sĩ Nguyễn Nguyên – Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho biết so với tiềm năng, quy mô, trình độ của xuất bản điện tử tại Việt Nam hiện còn khá nhỏ bé, trong khi hạ tầng thương mại dành cho thương mại điện tử và sản xuất kinh doanh sách điện tử còn nhiều hạn chế.
 
Đặc biệt, cũng theo ông Nguyên thì tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản và kinh doanh sách điện tử đang diễn biến phức tạp, trở thành rào cản làm nản lòng các doanh nghiệp, nhà xuất bản muốn phát triển xuất bản điện tử. Ý kiến này nhận được sự đồng tình từ phía đại diện các đơn vị xuất bản.
 
Các đại biểu chia sẻ trong Hội thảo.
Quả thực, ngày nay, người ta có thể dễ dàng sở hữu một sản phẩm xuất bản điện tử với những thao tác tìm kiếm đơn giản trên mạng. Kể cả khi phải trả phí thì số tiền cũng rất nhỏ. Và số tiền đó lại chảy vào túi các website chia sẻ trực tuyến chứ không phải các nhà xuất bản.
 
Nói về thực trạng này, phần lớn ý kiến của các đại biểu đều cho rằng việc vi phạm tác quyền chính là rào cản lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất bản các ấn phẩm điện tử. Những năm qua, đã có không ít các đơn vị xuất bản cũng như những doanh nghiệp kinh doanh xuất bản điện tử đều phải tự móc tiền túi để bù lỗ.
 
Ngoài vấn đề bản quyền, các đại biểu cũng đã thay nhau chia sẻ về nhiều khó khăn khác mà họ gặp phải trong việc kinh doanh những ấn phẩm số. Đó là lối kinh doanh tự phát, thiếu tính liên kết giữa các nhà xuất bàn, là sự thiếu thốn về mặt cơ sở dữ liệu, là sự hạn chế về cơ sở hạ tầng dành cho thị trường kinh doanh xuất bản phẩm điện tử…
 
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như vậy, thế nhưng đa số các đại biểu có mặt tại Hội thảo đều phải thừa nhận việc đẩy mạnh và phát triển sách điện tử là xu thế chung của thời đại, đặc biệt là với một đất nước có tốc độ phát triển về internet thuộc hàng nhanh trên thế giới như Việt Nam.
 
Phong Vũ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *