GS-TSKH Đào Trọng Thi: Sách khoa học cần “bà đỡ”

GS-TSKH Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề xuất nên ưu đãi thuế, cơ sở hạ tầng cho phát triển sách khoa học.
 
 
GS-TSKH Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Trao đổi với phóng viên sau khi Báo Khoa học và Phát triển đăng tải loạt bài về “Sách khoa học Việt Nam: Ốm yếu và bị ghẻ lạnh”., GS-TSKH Đào Trọng Thi chia sẻ: 
 
– Theo quan điểm của tôi, sách khoa học không có nhiều bạn đọc cũng dễ hiểu. Thứ nhất, nhìn ở góc độ người đọc thì sách càng chuyên sâu càng ít người đọc vì chỉ những người quan tâm, làm việc trong ngành đó mới cần tìm hiểu, thành thử những loại sách này khi xuất bản sẽ chỉ được số lượng nhỏ và bán không chạy. Ở góc độ người bán cũng không mặn mà vì sẽ bán được ít. Ở góc độ người viết những cuốn sách này cũng không thể đặt mục tiêu có được nhuận bút thỏa đáng, thậm chí khi viết những quyển sách đó người viết sách còn phải đầu tư nhiều hơn kinh phí thu về sau khi xuất bản, phát hành sách.
 
Nhưng vấn đề ở đây – với những đầu sách này lại có ý nghĩa rất quan trọng, đó là nơi sẽ công bố kiến thức, kết quả nghiên cứu. Chính vì vậy, đối với những loại sách này Nhà nước phải có chính sách ưu tiên và có thể hỗ trợ cho các tác giả trong khi chuẩn bị bản thảo.
 
Trên thực tế, đã có những bản thảo nhận được dự án hỗ trợ xuất bản. Cũng có những dự án tài trợ chỉ để xuất bản sách nếu cuốn sách đó thực sự có nội dung tốt và không có điều kiện thực hiện theo cơ chế thị trường. Nói như vậy để thấy, việc hỗ trợ sách khoa học có thể có từ các nguồn khác nhau cả trong nước và quốc tế, Nhà nước và tư nhân: Hỗ trợ trong quá trình nghiên cứu hình thành nội dung, xuất bản và quá trình in ấn, phát hành. Nhưng tôi cho rằng, việc hỗ trợ từ phía Nhà nước cần phải được tăng cường thêm. Ví dụ, có các chính sách ưu đãi về thuế đối với nhà xuất bản loại sách này; hoặc một số ưu tiên tài trợ trang thiết bị khi xây dựng trụ sở được ưu đãi giống như các cơ sở khoa học – công nghệ hay giáo dục – đào tạo. Nhà nước có thể tăng thêm các hình thức hỗ trợ mạnh mẽ, thiết thực hơn.
 
Để việc hỗ trợ này đi vào cuộc sống, có thể đưa vào Luật Khoa học và công nghệ, những sách nào liên quan đến giáo dục có thể đưa vào Luật Giáo dục đại học hoặc Luật Xuất bản để hỗ trợ đặc biệt.
 
Đối với các thư viện hay nhà sách cũng nên có những khuyến cáo, khuyến khích, thậm chí có cơ chế để họ thấy được tầm quan trọng cũng như vai trò của họ trong việc thúc đẩy việc phát hành các đầu sách này.
Thanh Bình (ghi)
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *