Dù được coi là thành công nhất trong các chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước chương trình “Nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng” sẽ phải thay đổi quy mô, tăng đầu tư trong giai đoạn 2016-2020.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đã chia sẻ như vậy khi nói về phương hướng giai đoạn tiếp theo của chương trình có mã số KC.10 này.
Việt Nam chuyển giao kỹ thuật cho thế giới
Thành công của kỹ thuật mổ nội soi điều trị bệnh tuyến giáp qua đường ngực và nách (thay vì mổ ở cổ, gây sẹo xấu) đã đưa Việt Nam trở thành nước có trình độ phẫu thuật hàng đầu khu vực. Quy trình này không những đã được chuyển giao xuống các bệnh viện cơ sở mà còn được rất nhiều chuyên gia nước ngoài đến học hỏi.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc (trái) cùng GS-TS Phạm Gia Khánh (phải) trong buổi họp báo nhân dịp tổng kết chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước lĩnh vực y – dược KC.10/11-15.
Ảnh: Lê Loan
Kỹ thuật mổ nội soi này là kết quả đề tài KC.10.08 do Bệnh viện Nội tiết Trung ương chủ trì, thuộc chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước KC.10. PGS-TS Trần Ngọc Lương – chủ nhiệm đề tài – cho biết: “Từ khi đề tài được nghiệm thu vào năm 2014 đến nay, đã có gần 300 giáo sư, bác sĩ nổi tiếng về nội tiết ở Singapore, Bồ Đào Nha… sang học hỏi kỹ thuật này. Chúng tôi được mời đi mổ trình diễn tại hội nghị phẫu thuật nội soi toàn quốc của Ấn Độ. Ấn Độ và Cuba đang đăng ký để học kỹ thuật này vào tháng 3 – tháng 4 tới”.
Chương trình KC.10 đã “cán đích” sau 5 năm vào cuộc quyết liệt của cả cơ quan quản lý lẫn các nhà khoa học, bác sỹ, với hàng loạt kết quả nổi bật đã được xã hội, cộng đồng khoa học thế giới biết đến. GS-TS Phạm Gia Khánh – Chủ nhiệm chương trình – cho biết, KC.10 giai đoạn 2011-2015 có tổng số 55 nhiệm vụ nghiên cứu, tập trung vào hai lĩnh vực y và dược. Về y học, thành tựu của chương trình là đã làm chủ một số kỹ thuật công nghệ tiên tiến trong dự phòng, chẩn đoán và điều trị như phẫu thuật ghép tạng, phẫu thuật nội soi, can thiệp mạch… Thành tựu về dược học là việc ứng dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến sản xuất một số thuốc hóa dược và thuốc từ dược liệu có chất lượng cao.
Đặc biệt, giới chuyên môn rất tự hào về kỹ thuật ghép tạng – 1 trong 10 thành tựu lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 20 và chỉ thực hiện được ở một nước có nền y học tiên tiến. Các bác sỹ, nhà khoa học Việt Nam đã sớm tiếp cận được với kỹ thuật ghép tạng thế giới nhưng ở thời điểm năm 2010, kỹ thuật của chúng ta lạc hậu so với thế giới khoảng 20-50 năm vì chưa ghép được phổi, tụy, chưa lấy được tạng từ người cho chết não, tim ngừng đập và chưa ghép đa tạng. Nhưng nhờ chương trình KC.10 giai đoạn 2011-2015, Việt Nam đã theo kịp thế giới về lĩnh vực này.
Theo GS Khánh, các nhà khoa học Việt Nam đã giải quyết vấn đề lấy tạng từ người cho chết não và tim: “Điều này góp phần giải quyết khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn cho tạng. Nguồn hiến tạng từ nay không chỉ từ người cho sống, người cho chết não nhưng tim còn đập mà cả từ người cho chết não, tim đã ngừng đập và việc lấy tạng từ đối tượng này chắc chắn dễ dàng hơn lấy từ người cho chết não nhưng tim còn đập”.
Ghép tụy – giải pháp duy nhất cứu sống người mắc bệnh tụy giai đoạn cuối – cũng đã được thực hiện, chấm dứt sự tụt hậu 48 năm so với thế giới. Việt Nam cũng thực hiện thành công kỹ thuật ghép đa tạng (ghép tụy và thận cùng lúc trên một người bệnh), ghép tim nhân tạo và thành công bước đầu trong ghép khối tim, phổi – một trong những kỹ thuật phức tạp nhất trong ghép tạng. Tuy nhiên đến nay Việt Nam đã làm chủ được.
Sẽ nâng quy mô đề tài và tài chính
Ghi nhận những kết quả trên, Thứ trưởng Phạm Công Tạc chia sẻ, tuy trình độ chúng ta còn hạn chế, kinh tế, xã hội cũng còn khó khăn nhưng thế giới vẫn biết đến khoa học của Việt Nam, đó là nhờ hai lĩnh vực khoa học cơ bản và y tế. Tên tuổi của các giáo sư, bác sĩ của Việt Nam được nhiều nước trên thế giới biết đến.
“Một số lĩnh vực y – dược của Việt Nam đã đạt trình độ thế giới. Đây là điều không dễ làm được” – Thứ trưởng Phạm Công Tạc ghi nhận và khẳng định: Dân số hơn 90 triệu của Việt Nam đang ngày một già đi, cuộc sống còn khá nghèo khó, thói quen ăn uống, sinh hoạt chưa hợp lý, thời tiết có nhiều bất lợi… sinh ra bệnh tật nhiều. Vì thế, nhu cầu khám bệnh và đòi hỏi về phát triển y – dược học ngày càng lớn.
Theo đó trong giai đoạn 2016-2020, chương trình KC.10 sẽ tiếp tục được đầu tư nhưng sẽ cơ cấu lại. Bộ KH&CN đang phối hợp với các chuyên gia đầu ngành và Bộ Y tế xác định khung nghiên cứu 2016-2020. Kinh phí cũng như quy mô của các nhiệm vụ dự kiến sẽ lớn hơn, vì thực tế sự phát triển của y – dược và nhu cầu ngày càng lớn.
“Hằng năm, người dân Việt Nam đang chi hàng tỷ đôla cho việc khám – chữa bệnh ở nước ngoài (Singapore, Thái Lan và gần đây là sang Nhật Bản và châu Âu). Vì vậy, nếu KH&CN y – dược phát triển, lực lượng bác sỹ, giáo sư đầu ngành có trình độ đẳng cấp khu vực và thế giới, được đầu tư đúng mức thì có thể ngăn một lượng lớn kinh phí chảy ra nước ngoài” – Thứ trưởng Phạm Công Tạc nói.
Lâm Bình