Bài học nào cho Việt Nam từ các ‘Quốc gia khởi nghiệp’?

“Đây chính là tinh thần khởi nghiệp của một quốc gia khởi nghiệp: cứ 1.844 người Israel thì có một doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ và đầu tư mạo hiểm…” – TS Nguyễn Quốc Toản – Phó Chánh Văn phòng, Ban Kinh tế Trung ương cho biết.Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…

Tại Hội thảo quốc tế “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới, phát triển” tổ chức ngày 26.3, TS Nguyễn Quốc Toản – Phó Chánh Văn phòng, Ban Kinh tế Trung ương đã dẫn ra nhiều bài học có thể ứng dụng được cho Việt Nam của các “Quốc gia khởi nghiệp”.
 
Theo TS Toản, về bài học của Israel, một đất nước nhỏ bé, đất đai cằn cỗi, vốn duy nhất là con người. Năng lượng sống của người Israel là tinh thần làm việc sáng tạo, hướng đến sự sáng tạo, luôn sẵn sàng mạo hiểm và tự làm mới bản thân.
Đây chính là tinh thần khởi nghiệp của một quốc gia khởi nghiệp: cứ 1.844 người Israel thì có một doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ và đầu tư mạo hiểm.
Tại Hoa Kỳ, sự ra đời của Thung lũng Silicon với sự tài trợ của các Quỹ đầu tư mạo hiểm, Quỹ Đầu tư Tác động (số vốn 1 tỉ USD) và Quỹ Sáng kiến giai đoạn đầu (số vốn 1 tỉ USD) là những yếu tố rất quan trọng cho phong trào thương mại hóa công nghệ.
 
Bài học tại Hàn Quốc, Chính phủ đã dành ưu tiên đặc biệt (khoảng 4.000 tỉ won, tương đương 4 tỉ USD) hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp kinh doanh mạo hiểm để tái tạo động lực cho nền kinh tế; thành lập Quỹ Yozma (“Thiên thần”) nhằm hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có triển vọng.
TS Toản cũng trích lại 2 câu nói cách đây hơn 30 năm, vào thập niên 80 của nhà sáng lập Singapore Lý Quang Diệu: Một là, “đã đến lúc cho một cuộc bùng nổ sáng tạo mới trong kinh doanh. Chúng ta cần cố gắng nhiều hơn và cần có nhiều công ty khởi nghiệp hơn nữa”.
 
Hai là, “Nếu có vị trí số 1 ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam mới xứng đáng, bởi so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người thì Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực”.
 
Theo TS Lưu Bích Hồ – Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ kế hoạch – Đầu tư), khu vực tư nhân là nền tảng, trụ cột để mở ra, nhân rộng, tạo thành “bếp lửa”, “cánh đồng lửa” của sự phát triển khởi nghiệp. Do đó, các vườn ươm, các quỹ đầu tư, các hoạt động phục vụ cho khởi nghiệp do khu vực tư nhân này làm là chủ yếu, phải được tạo điều kiện và khuyến khích thật mạnh.
 
Lập Quỹ đầu tư mạo hiểm, vườn ươm
Tham luận tại hội thảo, TS Nguyễn Quốc Toản cũng đề xuất ban hành Kết luận hoặc Nghị quyết của Bộ Chính trị về vấn đề khởi nghiệp trong nền kinh tế, xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp trong điều kiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.
 
Theo TS Toản, khi làm điều này cần coi phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực KHCN và đổi mới sáng tạo là chìa khóa mở ra con đường ngắn nhất để xây dựng thành công quốc gia khởi nghiệp. Đồng thời khuyến khích hình thành các Quỹ đầu tư tư nhân, Quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực KH&CN.
 
TS Toản cho biết thêm, chúng ta cần coi việc phát triển hệ thống Vườn ươm công nghệ là một công cụ đòn bẩy quan trọng trong hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp bằng KH&CN, thương mại hoá công nghệ và thúc đẩy đổi mới, chuyển giao công nghệ, liên kết khoa học với sản xuất, thị trường. Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ”
Một điểm khá quan trọng, theo TS Toản là cần thành lập các Quỹ hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước, xây dựng Quỹ đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp theo mô hình hợp tác công – tư thuộc Chính phủ, nhằm mục đích kêu gọi vốn đầu tư, tài trợ từ các thành phần xã hội cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiềm năng.
 
Ngoài ra, cần phải có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư Thiên Thần, thành lập vận hành các Quỹ đầu tư mạo hiểm. Qũy đầu tư mạo hiểm ngoài vốn Nhà nước nhất định cần có vốn của tư nhân, kể cả nước ngoài.
 
“Các nhà đầu tư Thiên Thần (tư nhân và nước ngoài) và Quỹ đầu tư mạo hiểm cùng đóng vai trò là những thực thể chủ đạo không thể thiếu, mang lại nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cần thiết để các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển” –TS Toản nói.
Theo TS Lưu Bích Hồ, các Quỹ đầu tư hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp không nên giao nhiều cho cơ quan nhà nước quản lý, mà chủ yếu là để các tổ chức của cộng đồng quản lý, với các quy chế chặt chẽ để tránh tình trạng lợi ích nhóm thao túng, chi phối.
 
Như vậy cũng sẽ tránh được lối làm việc hành chính quan liêu không thuận lợi mà còn cản trở doanh nghiệp khởi nghiệp.
 
Trí Lâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *