Hội sách TP.HCM: Không gian “có thương hiệu” của sách

TTO – Viết ra sách, nếu có thứ gì có thể làm các nhà văn ngợp thì chính là một hội sách với cả một rừng tác phẩm như Hội sách TP.HCM lần thứ 9 (từ ngày 21 đến 27-3). 
 
 
Ca sĩ Thanh Duy Idol ký tặng sách Lỗi ở yêu thương về nhà với mẹ tại Hội sách TP.HCM 2016 – Ảnh: Quang Định
 
"Hội sách phải là nơi tiện nhất trong những nơi tiện mua sách, là nơi nhiều sách nhất trong những nơi có sách, và nơi thú vị nhất trong những gì liên quan đến sách!"
 
Có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, hội sách chiếm trọn khuôn viên công viên Lê Văn Tám. Đoàn 10 nhà văn Hà Nội vào thăm hội sách sau khi dự lễ kỷ niệm 35 năm thành lập một đơn vị xuất bản của thành phố là Nhà xuất bản Trẻ, hẳn đã có được cái nhìn khá toàn diện về bức tranh sống động của ngành sách phương Nam, như nhận xét của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến.
 
Sự quan tâm của người đọc đến sách trong dịp này có vẻ khá công bằng cho các dòng sách khác nhau. Bên cạnh những dòng sách phổ thông ăn khách vẫn nhộn nhịp như mọi khi, thấy một xu hướng đáng kể là các cuốn sách có tính chất khơi gợi kiến thức nhập môn, các sách tìm hiểu những vấn đề lịch sử được bày bán khá bắt mắt và nhiều người đọc tìm mua.
 
Chính những cuộc giao lưu tại hai nhà chuyên đề và ngay tại chính các gian hàng cũng thể hiện những mối bận tâm rất sát sườn của người đọc: tìm kiếm những kiến giải lịch sử tin cậy qua một tập chú khảo về bản đồ liên quan Biển Đông, sự dấn thân vào các đề tài xã hội qua các cuốn sách về Sài Gòn hay định nghĩa thế nào là tham vọng qua trao đổi với các tác giả trẻ của văn học mạng.
 
Và cuộc nào cũng không ít thì nhiều, giữ chân người tham dự như một nhu cầu chia sẻ thông tin trực tiếp từ những người viết. Rõ ràng, nhu cầu kết nối offline với tác giả vẫn sôi nổi trong cái thời các trang online đã làm thay việc đó.
 
Xét cho cùng, đọc sách có thể là hành vi riêng tư nhưng mong muốn tham dự cộng đồng đọc là có thực. Cộng đồng này làm nên sức sống của hội sách trên thực địa lẫn những kênh nối dài của truyền thông. Không có cộng đồng đọc, hội sách chỉ là nơi bày bán không hơn các hệ thống nhà sách đã phủ rộng khắp thành phố.
 
Các nhà văn Hà Nội giữa Sài Gòn vẫn được độc giả nhận ra, níu lại để xin chữ ký, có lẽ cũng nhờ cộng đồng đọc rộng lớn bao chứa những phân khúc bạn đọc của những cuốn sách tưởng như chỉ thích hợp ở địa phương khác.
 
Sự nhiệt thành của độc giả Sài Gòn không hẳn ở việc sẵn sàng mua sách mới ra lò mà còn ở sự cầu thị một nguồn thông tin được bảo chứng nhờ một không gian “có thương hiệu” là hội sách. Không gian này có độ hấp dẫn ở chỗ phóng lớn nhu cầu của người tìm đến sách.
 
Nhờ thế mà bên cạnh các gian hàng nổi bật của Fahasa, Phương Nam, Nhã Nam, Đông A, Alpha Books hay ba nhà xuất bản của TP.HCM, thì các nhà sách nhỏ như Đông Tây, Khai Trí, Sách cũ Hà Thành, Đại học Hoa Sen… vẫn là nơi người đọc chọn được sách hữu ích.
 
Như quan sát của nhà văn – họa sĩ Đỗ Phấn, người đi dự hai hội sách, nhiều điều đọng lại như quy mô, sự chăm chút của ban tổ chức, sự hưởng ứng của người đọc và “quan trọng nhất là hội sách này đã thành nếp”.
 
Thành nếp – có lẽ là điều bất cứ sự kiện nào cũng thèm muốn!
 
Hiện thực đáng kể có thể nhìn bằng mắt thường là độ trẻ trung của những người đến hội sách. Nhờ dòng bạn trẻ đến đây, các gian hàng và các cuộc giao lưu không còn cái vẻ dễ bị dán nhãn mũ cao áo rộng.
 
Có gì chán hơn là những gian hàng đẹp đẽ tủ kính sáng choang bày những cuốn sách không được giở lấy một lần.
 
Nếu có gì phải giữ ở hội sách, chính là sự gần gũi và tiện lợi của việc tìm mua sách, ngay từ vòng ngoài như tổ chức chỗ gửi xe đến bố trí nhà vệ sinh lưu động, và dĩ nhiên chính là sự đa dạng của sách.
 
NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *