Gian nan sách khoa học cho thiếu nhi

Hiện nay, mảng sách khoa học dành cho thiếu nhi ít được quan tâm nhất, đặc biệt trống vắng sách phổ biến khoa học, mở mang kiến thức cho các em trong độ tuổi 10 – 15. Đội ngũ nhà làm sách khoa học cho thiếu nhi vừa thiếu vừa yếu… Đó là thông tin được đưa ra trong hội thảo sáng 23.3, bên lề Hội Sách TP Hồ Chí Minh lần thứ 9.
Ông Đỗ Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần giáo dục Long Minh cho biết, có quá nhiều lý do cho sự thiếu vắng của sách phổ biến khoa học cho thiếu niên. Ở góc độ xuất bản, hiện chỉ có vài nhà xuất bản như NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, Công ty Đông A, Long Minh tổ chức xuất bản sách phổ biến khoa học cho thiếu niên, mà chủ yếu là sách dịch. Lực lượng những người làm sách phổ biến khoa học hiện nay chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, như dịch giả Phạm Văn Thiều, GS. TSKH Nguyễn Văn Liễn, TS. Vũ Công Lập, Nguyễn Việt Long…
 
 
Có một thực tế là quá ít tác giả Việt Nam viết sách phổ biến khoa học, thực ra mới chỉ có một vài quyển sách về toán và cờ vua, ngoài ra không còn sách khoa học nào khác của các tác giả Việt Nam. Theo ông Đỗ Hoàng Sơn, các tác giả Việt Nam tập trung viết sách giải bài tập để phục vụ trực tiếp cho nhu cầu thi cử của học sinh mà chưa có đủ trình độ, thời gian cũng như sự quan tâm và nhiệt huyết dành cho mảng sách phổ biến khoa học. Một số giảng viên đại học lại bận giảng dạy, hướng dẫn học trò và làm đề tài nghiên cứu, giỏi lắm chỉ dịch ít sách chuyên ngành và giáo trình. Ngay cả khi đã viết được phần lời thì ngành xuất bản Việt Nam thiếu hẳn kho dữ liệu hình ảnh có bản quyền để minh họa, phục vụ cho những cuốn sách ấy. Một khó khăn nữa là Việt Nam hiện chưa có hệ thống thuật ngữ khoa học chuẩn, ngay cả một số thuật ngữ khoa học có tính phổ thông, do đó trong quá trình dịch thuật và biên tập sách khoa học, người dịch hoặc biên tập viên phải mất rất nhiều công sức để cân nhắc, khai phá từ mới.
 
Xuất bản đã vậy, lượng sách khoa học này tiêu thụ cũng vô cùng khó khăn. Có thể thấy điều này qua Hội Sách Hà Nội đầu tháng 10.2014, theo đó tổng doanh thu toàn hội sách là 5 tỷ đồng, nhưng doanh thu từ mảng sách phổ biến khoa học cho thiếu niên của NXB Trẻ, NXB Kim Đồng và Công ty Long Minh ước tính chỉ đạt hơn 100 triệu đồng (chiếm 2%). Dịch giả Nguyễn Việt Long chỉ ra thực tế, tại các nhà sách, sách khoa học thường “được” nằm dưới gầm kệ hoặc trên nóc tủ, ở những vị trí heo hút và xa người đọc nhất. Không phải vì sách khoa học khô cứng, thiếu hấp dẫn mà quan trọng hơn cả, đó là những người lớn như cha mẹ, thậm chí thầy cô giáo chưa có cái nhìn đúng về loại sách này. Vì thế họ không quan tâm, cũng không định hướng cho con em mình tìm tòi, dẫn đến phần lớn học sinh Việt Nam không có thói quen tự nghiên cứu, tự học từ nguồn kiến thức bên ngoài sách giáo khoa.
 
Ông Đỗ Hoàng Sơn đã chỉ ra 5 vấn đề cơ bản hiện nay của giới trẻ là không thích đọc sách; không có sách để đọc; có sách mà không biết cách đọc; không biết tra cứu và tra cứu xong không biết để làm gì. Nếu có sự quan tâm nhiều hơn từ phía những người có trách nhiệm, khắc phục được những vấn đề này thì tương lai của sách khoa học cho thiếu nhi tại Việt Nam mới có đường phát triển.
 
 Ông Đỗ Hoàng Sơn cho biết, trên thế giới, số lượng sách khoa học chiếm khoảng 40% sách cho thiếu nhi, nếu tính cả sách khoa học giả tưởng (Việt Nam hiện chưa có loại sách này) thì còn lớn hơn. Trong khi các bạn cùng lứa tuổi ở các nước phát triển khá “thông thiên văn, tường địa lý”, từ kiến thức về hệ Mặt trời, các hành tinh hay các thiên hà, đến kiến thức ứng dụng trong đời sống thì tại Việt Nam, theo quan sát của một số dịch giả, hiện chỉ 10 – 15% số học sinh quan tâm đến sách khoa học.
 
Bạch Dương
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *