Cuộc sống cũng như bức tranh với nhiều mảng màu đối lập: sáng – tối, động – tĩnh, hình – nền… Những ai từng đi về các vùng quê, vùng núi, đưa sách về cho trẻ em nông thôn, ắt hẳn khi thấy cảnh náo nhiệt của Hội Sách TP Hồ Chí Minh lần thứ 9 sẽ không khỏi ngậm ngùi…
Ngày hội tri thức
Đến hẹn lại lên, hai năm một lần, 21.3 lại là ngày hội tụ các nhà làm sách, người kinh doanh sách và độc giả từ mọi nơi về điểm hẹn quen thuộc – công viên Lê Văn Tám, TP Hồ Chí Minh. Năm nay, tính chất “khủng” của Hội sách vượt xa năm 2014, với 710 gian hàng (tăng 210 gian), 172 đơn vị trong nước (tăng 27 đơn vị) và 36 nhà xuất bản nước ngoài tham gia (tăng 11 đơn vị), 102 chương trình giao lưu trình diễn, ký tặng, giới thiệu sách, hơn 30 triệu bản in của 300.000 đầu sách. Ban tổ chức ước tính thu hút 1 triệu lượt người tham gia trong tuần lễ từ 21 – 27.3 (bằng 1/10 dân số TP Hồ Chí Minh).
Với chủ đề Sách – văn hóa – hội nhập và phát triển, Hội sách đã thực sự trở thành lễ hội văn hóa lớn, không chỉ dành riêng cho người dân TP Hồ Chí Minh mà còn đối với các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An… Hòa vào dòng người tham quan và mua sách trong ngày khai mạc, chị Hiền (giáo viên, 35 tuổi, ở Thủ Đức) vui mừng cho biết: “Dù biết ngày khai mạc sẽ rất đông, đi lại khó khăn nhưng mình vẫn đưa hai cháu đi để các con được tắm trong không khí của ngày hội tri thức, để nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách”.
Là một trong những đơn vị tiên phong dịch và xuất bản sách khoa học cho thiếu nhi, ông Đỗ Hoàng Sơn, Giám đốc công ty Văn hóa – Giáo dục Long Minh cho biết: “Gian hàng của Long Minh năm nay có gần 100 tựa sách, chủ yếu là sách khoa học và toán dành cho thanh thiếu niên. Một số phụ huynh học sinh đã bắt đầu nhận thấy tiêu chuẩn sách tốt là những cuốn sách có phần Index ở cuối sách dùng để tra cứu từ khóa và khái niệm quan trọng theo số trang. Đó là khởi đầu của một xu hướng chọn sách tốt đẹp”.
Mặc dù số người tham quan Hội sách không tỷ lệ thuận với số người thực đọc, nhưng khách quan mà nói, hiệu ứng từ Hội sách đang làm sống dậy văn hóa đọc trong cộng đồng, trước hết là ở các thành phố lớn.
Nạn đói sách của trẻ nông thôn
Nhiều trẻ em nông thôn nếu xem qua tivi, chắc hẳn không khỏi háo hức, ước ao một ngày không xa sẽ được tham dự những sự kiện bổ ích như vậy. Thực tế ở nhiều vùng quê, vùng núi, học sinh hầu như chỉ có sách giáo khoa và một ít sách tham khảo, sách bài tập. Các hiệu sách nông thôn đa phần nghèo nàn về thể loại. Trong khi đó thư viện trường với tư cách là nguồn cung cấp học liệu chính cho học sinh không khá hơn, các đầu sách khoa học, văn học đặc sắc, sách kỹ năng sống hầu như không có. Từ nhỏ đến lớn, rất ít trong số hàng triệu trẻ em nông thôn được người lớn khuyến đọc. Khái niệm học hành đối với nhiều thầy cô và phụ huynh là nhớ thật nhiều, làm bài thật tốt và đạt điểm thật cao trong các kỳ thi. Sự đọc tích cực không những không được quan tâm mà có khi còn bị cản trở.
Anh Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng Chương trình Sách hóa nông thôn chia sẻ: “Mỗi lần thấy trẻ em đô thị được cha mẹ dẫn đi mua sách ở hiệu sách và hội sách, tôi càng thương trẻ em nông thôn vì nạn đói sách vẫn trên quy mô rộng lớn, hơn 15 triệu em nông thôn chưa được nghe sách và đọc sách”. Anh Nguyễn Quang Thạch đang tích cực tập luyện để đi bộ từ TP Hồ Chí Minh tới Cà Mau (dự kiến vào tháng 4 tới), nhằm kêu gọi 500.000 người Việt chia sẻ trách nhiệm xã hội, xóa nạn đói sách ở trường làng, trả lại quyền đọc sách cho hàng triệu trẻ em nông thôn.
Cùng với sự chênh lệch giàu – nghèo, điều kiện tiếp cận tri thức, văn hóa giữa thành thị và nông thôn vẫn còn khoảng cách quá lớn. Nhưng khi chúng ta thật sự trăn trở và hành động vì cộng đồng, chỉ cần mỗi người chung tay bằng những việc làm thiết thực dù rất nhỏ cũng có thể góp phần giải quyết nạn đói sách ở trường làng hiện nay.
Trần Thanh Hoài