Lượng nước mà vùng này nhận được từ Sông Mêkông trong cả năm là 475 tỷ mét khối – cao gấp 23-30 lần nhu cầu nước ngọt cho sản xuất.
Tình trạng mặn xâm thực tại Cà Mau tháng 3/2016. Ảnh: Minh Quyết
Ngay cả trong 6 tháng mùa khô, tổng lượng nước từ sông Mêkông chảy qua ĐBSCL vẫn đạt mức 49-59 tỷ mét khối, trong khi nhu cầu sử dụng nước của các ngành sản xuất chỉ ở mức 15-20 tỷ mét khối mỗi năm. Lượng nước mà vùng này nhận được từ Sông Mêkông trong cả năm là 475 tỷ mét khối – cao gấp 23-30 lần nhu cầu nước ngọt cho sản xuất.
Tại sao nước ngọt không thiếu mà nông nghiệp ở ĐBSCL vẫn gặp khó khăn vì khô hạn? Vấn đề nằm ở chỗ, hệ thống thủy lợi chưa điều tiết tốt để chủ động tích trữ khi có và cung cấp khi cần. Các hệ thống này vốn được thiết kế chỉ chống chọi được những trận hạn hán vừa phải có tần suất xuất hiện khoảng 4 năm/lần, gần đây được nâng cấp để chịu được những đợt hạn nặng 7 năm/lần. Vì vậy, khi gặp đợt hạn khủng khiếp đến 90 năm mới có một lần như năm nay thì thiếu nước, xâm nhập mặn là điều dễ hiểu.
Đó là chưa kể sự thiếu hoàn chỉnh của hệ thống thủy lợi, có cống chỗ này, thiếu cống chỗ khác nên mặn vẫn có thể xâm nhập; hoặc có cống ngăn mặn nhưng kênh lâu ngày chưa được nạo vét, bị bồi lấp nên khả năng đưa nước ngọt về vẫn kém. Cần nâng cấp hệ thống thuỷ lợi mới khắc phục được vấn đề này.
Về đề xuất dùng công nghệ xử lý nước mặn thành nước ngọt phục vụ canh tác, thực ra cách này thường chỉ được áp dụng ở nơi rất khan hiếm nguồn nước ngọt như trên hải đảo, tàu hoạt động dài ngày trên biển. Trong khi đó, ĐBSCL chưa thực sự thiếu nước như vùng Vịnh hay Trung Đông. Lượng nước cần cung cấp cho nông nghiệp lại rất lớn, nếu dùng công nghệ xử lý nước mặn thành ngọt để phục vụ nông nghiệp sẽ gây lỗ nặng bởi chi phí quá lớn. Giải pháp hợp lý vẫn là nâng cao năng lực của các hệ thống thủy lợi.
T. Thảo