Các trường đại học đang phải khốn đốn với việc giữ chân những chuyên gia trí tuệ nhân tạo (AI) của mình trước sự lôi kéo của Thung lũng Silicon.
Chiến thắng của phần mềm máy tính AlphaGo trước nhà vô địch cờ vây thế giới Lee Se-dol đã cho thấy con người có nguy cơ bị máy móc vượt mặt về khả năng trí tuệ. Tuy nhiên, một cuộc chiến cam go không kém cũng đang diễn sau hậu trường khi các công ty tìm cách chiêu mộ những chuyên gia AI sáng giá nhất. Các gã khổng lồ công nghệ như Google, Facebook, Microsoft và Baidu đang chạy đua để phát triển các trung tâm AI của mình. Công ty dữ liệu Quid cho biết trong năm ngoái, các đại gia này đã chi 8,5 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu, thâu tóm và tuyển dụng trong lĩnh vực AI. Con số này lớn gấp bốn lần thời điểm năm 2010.
Trong quá khứ, các trường đại học thường là nơi tuyển được những chuyên gia AI giỏi nhất. Giờ đây, các công ty công nghệ đang công phá các khoa robot và máy học để cướp lấy những giảng viên và sinh viên ưu tú nhất, mời chào họ với mức lương hậu hĩnh chẳng kém các vận động viên chuyên nghiệp là bao.
Năm ngoái, Uber đã tuyển dụng 40 trong số 140 nhân viên của Trung tâm kỹ thuật robot quốc gia trực thuộc đại học Carnegie Mellon, và thành lập một bộ phận chế tạo xe tự lái mới. Điều này đã làm đại học Carnegie Mellon ngỡ ngàng vì trước đó Uber đã cam kết cấp tiền nghiên cứu và không lôi kéo nhân viên của trường. Các công ty khác cũng đang tìm kiếm tài năng một cách thầm lặng nhưng không kém phần quyết liệt. Động thái này của các công ty công nghệ làm giới học thuật không khỏi bàng hoàng. “Tôi không thể thuyết phục các sinh viên của mình ở lại trường”, Pedro Domingos, giáo sư chuyên ngành máy học ở đại học Washington nói. Bản thân ông cũng đang bị nhiều công ty công nghệ chèo kéo. “Các công ty đang tìm cách chiêu mộ sinh viên của tôi ngay cả khi chúng chưa tốt nghiệp”, ông than thở.
Các chuyên gia máy học là những người bị săn lùng gắt gao nhất. Các công ty công nghệ sử dụng tài năng của họ cho nhiều mục đích, từ các công việc đơn giản như lọc spam và gợi ý quảng cáo cho đến các lĩnh vực cao siêu như xe tự lại hoặc quét hình ảnh để chẩn đoán bệnh. Nếu các công ty muốn phát triển công nghệ trợ lý ảo hoặc tìm kiếm bằng hình ảnh, họ phải dựa vào các tiến bộ trong lĩnh vực máy học.
Sự quan tâm của các công ty công nghệ đã biến một sự kiện mang tính học thuật thuần túy như Hội nghị về hệ thống xử lý thông tin thần kinh thành trung tâm môi giới việc làm trong lĩnh vực AI. Những người tham gia hội nghị này không chỉ đến để học hỏi kiến thức mà còn để lọt vào mắt xanh của các đại gia công nghệ. Số người tham gia hội nghị đã tăng gấp 3 kể từ năm 2010, lên 3.800 người trong năm ngoái.
Không phải lúc nào các công ty công nghệ cũng chú ý và đầu tư nhiều cho lĩnh vực AI. Lĩnh vực này đã bị bỏ bê trong thập niên 1980 và 1990 khi các thành quả về AI không đạt được như kỳ vọng. Cơn sốt máy học hiện tại chỉ bùng nổ khi Google bắt đầu có những động thái tập trung phát triển AI. Trong năm 2014, Google đã mua DeepMind, start-up đứng đằng sau chiến thắng vang dội của máy tính trước nhà vô địch cờ vây thế giới Lee Se-dol. Cái giá của thương vụ này được cho là vào khoảng 600 triệu USD. Cũng trong khoảng thời gian này, Facebook đã thành lập một phòng thí nghiệm chuyên về AI và tuyển một giáo sư của đại học New York để điều hành việc nghiên cứu.
Các công ty đem lại cho nhà nghiên cứu cơ hội đưa sản phẩm của mình ra thị trường một cách nhanh chóng, điều mà họ rất thích. Làm việc cho các doanh nghiệp cũng giải phóng cho các nhà nghiên cứu khỏi nỗi lo thường trực về vấn đề kinh phí. Andrew Ng, trưởng bộ phận nghiên cứu AI của gã khổng lồ Internet Baidu, người từng làm giảng viên toàn thời gian ở đại học Stanford cho biết, các công ty công nghệ đem lại hai điều đặc biệt hấp dẫn: nền tảng máy tính mạnh và cơ sở dữ liệu lớn. Đây là hai yếu tố quan trọng trong nghiên cứu máy học.
Sự nhiệt tình của các công ty nghe có vẻ tốt cho tất cả nhưng lại có thể gây ra những hệ lụy tiêu cực. Các trường đại học, vốn không thể đưa ra mức lương cạnh tranh bằng doanh nghiệp, sẽ bị tổn hại nếu các tài năng sáng giá dứt áo ra đi hoặc xao lãng việc giảng dạy do cộng tác với các công ty công nghệ. Các quốc gia cũng sẽ theo đó mà bị ảnh hưởng. Hầu hết các công ty công nghệ lớn có trụ sở ở Mỹ. Những nước như Canada, nơi có lĩnh vực AI rất phát triển có thể bị thất thoát chất xám nếu các tài năng của họ chạy sang quốc gia láng giềng.
Một nguy cơ khác là việc các chuyên gia AI chỉ tập trung ở một số ít các công ty. Các công ty công nghệ thường hứa hẹn công khai các nghiên cứu của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, họ sẽ không đời nào chia sẻ những nghiên cứu có khả năng đem lại nhiều lợi nhuận. Nhiều người lo ngại rằng Google, công ty đi đầu trong lĩnh vực này, có thể tạo dựng thế độc quyền trí tuệ. Các chuyên gia so sánh động thái săn lùng tài năng trong lĩnh vực AI của Google giống như việc chính phủ Mỹ tập trung các nhà khoa học trong dự án chế tạo bom nguyên tử Manhattan.
Mối đe dọa của việc một công ty duy nhất có quá nhiều ảnh hưởng trong lĩnh vực AI đã khiến một số ông trùm công nghệ như Elon Musk của Tesla cam kết dành 1 tỷ USD cho dự án phii lợi nhuận OpenAI. Dự án này cam kết công khai các nghiên cứu mình và đóng vai trò làm cầu nối giữa hoạt động nghiên cứu của các trường đại học với việc ứng dụng trong doanh nghiệp.
Vẫn còn nhiều tranh cãi về việc các công ty công nghệ có khả năng thúc đẩy tiến bộ trong lĩnh vực AI tốt hơn các trường đại học hay không. Andrew Moore, trưởng khoa khoa học máy tính của đại học Carnegie Mellon lo ngại rằng các trường đại học sẽ thiếu giảng viên để truyền thụ kiến thức cho sinh viên, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung nhà nghiên cứu trong tương lai. Ngoài ra, khi ngày càng ít người làm công tác nghiên cứu thuần túy, chia sẻ ý tướng công khai hoặc tiến hành các dự án trong thời gian dài, các đột phá trong lĩnh vực AI sẽ khó có thể đạt được.
Tuy nhiên, nguy cơ trên chưa chắc đã thành hiện thực. Cơn sốt đầu tư của các đại gia công nghệ vào AI sẽ khuyến khích nhiều sinh viên mới theo đuổi lĩnh vực này. Và các công ty công nghệ có thể giúp phát triển thêm nhiều tài năng bằng cách cấp học bổng hoặc kinh phí nghiên cứu cho các trường đại học. Các công ty công nghệ có đủ tiền và động lực để làm điều này. Ở Thung lũng Silicon, tài năng chứ không phải tiền mới là thứ quý giá nhất.
Tham khảo: economist