Gia nhập TTP: Cần có chiến lược phát triển tài sản sở hữu trí tuệ

Trước bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là TTP, sở hữu trí tuệ luôn là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp quan tâm.
 
Nhân “Tháng hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới vì mục tiêu hội nhập,” ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban thường trực Chương trình hành động 168 về hợp tác phòng chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã trao đổi về vấn đề này.
 
– Thưa ông, đâu là thách thức về sở hữu trí tuệ khi Việt Nam tham gia TTP?
 
Ông Trần Minh Dũng: Vừa rồi có nhiều thông tin liên quan tới thách thức khi tham gia Hiệp định TTP vì trong số 12 nước tham gia Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phát triển thấp hơn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải hòa nhập sân chơi chung của các nước với mong muốn biến thách thức thành cơ hội, tạo áp lực để doanh nghiệp nhận thức và nỗ lực vượt qua.
 
Thách thức ở đây trước hết là yêu cầu về bảo hộ trí tuệ sẽ nâng cao hơn cả quy định của Hiệp định TRIPs khi chúng ta gia nhập WTO, đặc biệt với các lĩnh vực như dược phẩm, yêu cầu về thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
 
Bên cạnh đó, những yêu cầu khác về bảo hộ cũng được mở rộng hơn như bảo hộ về nhãn hiệu âm thanh, nhãn hiệu mùi; bù trừ thời gian xét nghiệm sáng chế nếu thời gian xét nghiệm này quá dài để tăng thời gian khai thác của chủ thể quyền đối với sáng chế dược phẩm…
 
Cùng với thách thức, doanh nghiệp cũng nhìn thấy cơ hội khi xâm nhập thị trường của các nước thành viên, đặc biệt các nước phát triển. Trước đây, chúng ta thường bị đối xử thiếu bình đẳng bởi các thị trường này thông qua các hàng rào kỹ thuật và doanh nghiệp của ta thường bị họ kiện với lý do rất thiếu minh bạch, rõ ràng và bị áp đặt các mức thuế “bảo hộ” của họ không bình đẳng. Tuy nhiên, khi vào sân chơi chung, được đối xử bình đẳng về áp dụng các mức thuế thì đây là cơ hội để doanh nghiệp chúng ta chiếm lĩnh thị trường khác.
 
– Mức độ yêu cầu về sở hữu trí tuệ khi Việt Nam tham gia TPP là gì?
 
Ông Trần Minh Dũng: Hiện đang có yêu cầu trong một số lĩnh vực. Ví dụ như ở góc độ thực thi, trước đây, có thể cơ quan thực thi phát hiện ra vi phạm có thể xử lý hoặc nếu quá năng lực có thể đùn đẩy cho nhau với những lý do mà quy định pháp luật chưa rõ ràng (như chưa có quy định rõ về quy mô thương mại). Khi vào TTP, hành vi đã rõ ràng buộc anh phải thực hiện phạt, thậm chí nếu hành vi đó quy định chịu trách nhiệm hình sự thì còn áp dụng biện pháp hình sự.
 
Những yêu cầu này chúng ta đã cam kết và sẽ được thể chế hóa bằng các quy định pháp luật của quốc gia. Khi thành quy định pháp luật thì chúng ta phải chấp hành các quy định đó và doanh nghiệp cần quan tâm để thực hiện cho đúng để tránh những rủi ro trong hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, chúng ta sẽ nghiên cứu để tận dụng những quyền khác đem lại lợi thế cho Việt Nam trong quá trình tham gia sân chơi thương mại quốc tế mà TPP đã quy định.
 
– Xin ông cho biết lộ trình thay đổi Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam khi tham gia TTP?
 
Ông Trần Minh Dũng: Các quy định pháp luật của chúng ta hiện vẫn chưa hoàn toàn tương thích và hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đã bắt tay cùng các bộ ngành khác rà soát các văn bản quy phạm liên quan tới quy định của TTP cũng như các hiệp định khác. Trọng tâm là rà soát Luật Sở hữu trí tuệ, những quy định trước đây không có như mở rộng phạm vi, đối tượng bảo hộ, sáng chế, thẩm định sáng chế, một số quy định liên quan đến thực thi bằng biện pháp hành chính hay hình sự…
 
 
Tiêu hủy 1.234 sản phẩm thời trang các loại (túi xách, ví da, giày…) giả mạo nhãn hiệu Charles&Keith, Pedro đang được bảo hộ tại Việt Nam. (Ảnh: T.H/Vietnam+)
 
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đặt kế hoạch năm 2017 sẽ trình đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ. Đây là vấn đề rất cơ bản đề giúp cho việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ theo cam kết ký trong TTP.
 
Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng phải sửa đổi Luật Chất lượng, tiêu chuẩn để có những vấn đề liên quan đến chất lượng hàng hóa cho phù hợp với TTP.
 
– Khi TTP có hiệu lực, ông có khuyến cáo gì đối với doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp nước ngoài trong việc bảo vệ sản phẩm, thương hiệu của mình?
 
Ông Trần Minh Dũng: Khi hội nhập, rõ ràng doanh nghiệp Việt Nam ngoài việc tập trung vào thị trường nội địa còn có cơ hội xuất khẩu.
 
Được đánh giá là một môi trường tốt, nhiều doanh nghiệp đang đầu tư vào Việt Nam, tuy nhiên một trong những quan ngại của họ chính là sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp nước ngoài sợ khi đầu tư lớn lại bị xâm phạm, ảnh hưởng việc khai thác quyền sở hữu trí tuệ của họ trên địa bàn Việt Nam. Họ mong muốn TPP quy định khắt khe, chặt chẽ, khách quan hơn để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của họ.
 
Tuy nhiên, theo Hiệp hội hàng Việt Nam chất lượng cao thì chính doanh nghiệp của Việt Nam cũng đang bị xâm phạm về sở hữu trí tuệ ngay tại Việt Nam.
 
Tôi cho rằng, để hạn chế việc này, trước mắt các doanh nghiệp phải có biện pháp để bảo vệ mình. Ngoài biện pháp kỹ thuật còn phải khảo sát thị trường và khi manh nha phát hiện vi phạm phải phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý. Đặc biệt, phải có chiến lược phát triển tài sản sở hữu trí tuệ của mình phù hợp với chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp và hãyquan tâm ngay từ bây giờ để có thể chủ động hơn khi đưa con thuyền của mình ra biển lớn.
 
Theo Vietnam Plus
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *