Khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đưa mục tiêu phấn đấu nước ta có 5 triệu doanh nghiệp, nhiều người cảm thấy "sốc". Còn khi nghe đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 5.000 doanh nghiệp khoa học công nghệ thì tâm thế của những người muốn khởi nghiệp, hoặc đang khởi nghiệp trong lĩnh vực này tỏ ra băn khoăn, ngờ vực, liệu trong bối cảnh thị trường công nghệ đang phải cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, mục tiêu trên có khả thi?
Tiềm năng lớn
Theo Báo cáo tại Hội nghị về phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ năm 2015, diễn ra ngày 23/10/2015, đến nay cả nước mới có 204 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN). Nếu theo Chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2011- 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, chỉ còn có 4 năm nữa để nước ta có được 5.000 doanh nghiệp KHCN, vậy mỗi năm bình quân nước ta phải có hơn 1000 doanh nghiệp KHCN khởi nghiệp (startup).
Khái niệm doanh nghiệp startup đã hình thành từ hơn chục năm nay ở các quốc gia phát triển. Đó là mô hình doanh nghiệp trẻ năng động, có ý tưởng sáng tạo đột phá, biết tận dụng công nghệ và sáng chế khoa học để tạo ra các sản phẩm mới có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong thời gian ngắn. Nó cũng được coi là một trong những động lực mới của nền kinh tế tri thức.
Theo thống kê của các tổ chức về lao động quốc tế, số doanh nghiệp startup trong lĩnh vực KHCN chiếm tới 60%. Nước ta, theo các chuyên gia kinh tế, có tiềm năng to lớn trong việc phát triển các startup, người Việt chúng ta thông minh không thua kém dân tộc nào. Chúng ta có nhiều bạn trẻ đam mê khoa học, nhất là trong lĩnh vực tin học.
Tôi bỗng nhớ lại một hôm đi xe ôm, qua câu chuyện dọc đường mới biết anh xe ôm là sinh viên Học viện Bưu chính-Viễn thông. Anh đi làm thêm để lấy tiền ăn học. Tôi hỏi: "Sau khi ra trường cháu thích làm việc trong cơ quan nhà nước hay ở đâu? Anh nói: "Tùy thời cơ, nhưng thi được vào cơ quan nhà nước bây giờ khó hơn thi vào đại học. Quá trình đi thực tập ở vài doanh nghiệp trong ngành Bưu chính-Viễn thông, cháu thấy ngành này có nhiều cơ hội làm ăn. Cũng có thể sau khi tốt nghiệp cháu sẽ cùng bạn bè lập công ty riêng". Tôi nghĩ, anh ta có định hướng như vậy là hợp, vì tiềm năng trong lĩnh vực Bưu chính-Viễn thông trong KHCN nói chung còn rất lớn.
Ông Steve Wozniak – một trong những nhà sáng lập thương hiệu Apple,trong Hội thảo SMAC 2015 (Social – Mobile – Analytics – Cloud) vừa diễn ra, khi trả lời báo chí, đã nói: "Rất dễ dàng bắt gặp hiện tượng các quốc gia như Việt Nam, nhiều bạn băn khoăn không biết định hướng phát triển của mình. Có thể quốc gia của bạn dồi dào tài nguyên (dầu mỏ, nguyên liệu thô) nhưng tương lai phát triển lại phụ thuộc nhiều vào CNTT hơn là các yếu tố tài nguyên đó. Sự lớn mạnh và phát triển của các công ty startup liên quan nhiều đến CNTT".
Theo thống kê của Bộ Thông tin-Truyền thông, hàng năm trung bình có khoảng 32.000 sinh viên CNTT tốt nghiệp đại học, đến năm 2020, nhân lực trong lĩnh vực CNTT mỗi năm tăng 13%. Theo đó, lĩnh vực này ở nước ta cần đến 1 triệu lao động hoạt động. Thực tế cũng cho thấy, các doanh nghiệp startup trong lĩnh vực KHCN ở nước ta phần lớn là các nhóm nghiên cứu trẻ, sinh viên vừa ra trường có ý tưởng công nghệ. Thứ đến là các nhà khoa học trong lĩnh vực này đã có nhiều công trình nghiên cứu và mong muốn thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của mình. Đồng thời xã hội đòi hỏi KHCN cũng phải đi vào cuộc sống, các kết quả KHCN phải được ứng dụng nhiều hơn nữa trong thực tiễn.
Hãy tận dụng những cơ hội, ưu đãi
Chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2011-2020 được Chính phủ phê duyệt đã đặt ra những mục tiêu cụ thể như: năm 2015, phấn đấu đầu tư xã hội cho KHCN đạt 1,5% GDP và nâng lên trên 2% GDP vào năm 2020, bảo đảm mức đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KHCN không dưới 2% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm; giá trị giao dịch của thị trường KHCN tăng trung bình 15-17%/năm. Bộ Khoa học và Công nghệđã và đang xây dựng hệ sinh thái cho các doanh nghiệp startup,gồm nhà nước, nhà đầu tư, nhà tư vấn…, cùng hợp lực để hỗ trợ các doanh nghiệp startup phát triển dựa trên chính sản phẩm nghiên cứu, sáng tạo của mình. Bộ rất coi trọng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp startup nói riêng.
Một tin vui đến với các công ty startup trong lĩnh vực công nghệ là Nghị định số 118/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 27/12/2015, hướng dẫn thi hành một số điều của luật Đầu tư đã quy định những ngành nghề đặc biệt ưu đãi, trong đó có ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao. Nghị định 80 của Chính phủ về doanh nghiệp KHCN cũng cho phép các doanh nghiệp startup được hưởng ưu đãi cao nhất về thuế như là các doanh nghiệp công nghệ cao, mặc dù doanh nghiệp này có thể chưa phải là doanh nghiệp công nghệ cao.
Mô hình thương mại hóa công nghệ ở nước ta theo mô hình Thung lũng Silicon của Mỹ được Bộ KH&CN bắt đầu triển khai từ giữa năm 2013, đó là mô hình ươm tạo doanh nghiệp không tập trung dành cho công chúng, các sinh viên, nhóm nghiên cứu trẻ hay bất kỳ ai đều có cơ hội tham gia với những công nghệ không quá cao, không đòi hỏi phải qua thủ tục thẩm định chặt chẽ theo các tiêu chí áp dụng đối với doanh nghiệp công nghệ cao. Đây được coi như là một sự hỗ trợ của Chính phủ cho hoạt động khởi nghiệp đang lan tỏa trong các lĩnh vực ứng dụng CNTT. Khi được mời tham quan mô hình Thung lũng Silicon, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tỏ rõ niềm tin, có những nhóm sinh viên bây giờ đã nhận được vốn đầu tư tới 2 triệu đô la cho 1 dự án.
Quỹ đầu tư xã hội dành cho ươm tạo startup cũng đã được thành lập với tên gọi Quỹ Khởi nghiệp Việt Nam, thành lập ngày 16/12/2014, với số vốn điều lệ là 5,2 tỷ đồng. Với Quỹ này, giới trẻ sẽ có thêm một kênh kết nối quan trọng – kết nối giữa người có ý tưởng và nhà đầu tư, kết nối giữa các doanh nhân với nhau, kết nối những người có trình độ, năng lực để đảm bảo cho sự thành công chung của một dự án.
Cùng với đó là chương trình hỗ trợ gọi vốn đầu tư trong và ngoài nước cho một số doanh nghiệp tiềm năng, giới thiệu họ tiếp cận các quỹ đầu tư mạo hiểm. Trong những năm tới, chương trình hỗ trợ gọi vốn sẽ được triển khai rộng tới các địa phương, trường đại học, viện nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước. Đó cũng là cơ sở để tăng cường xã hội hóa trong xây dựng vườn ươm startup.
Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường startup phát triển mạnh trong khu vực, có cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư mạo hiểm. Đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp startup trong nước đã nhận được hàng triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài. Tháng 3/2015, Cốc Cốc – một công ty startup của 3 lập trình viên Việt Nam đã nhận được khoản đầu tư 14 triệu USD từ tập đoàn truyền thông Hubert Burda (Đức). Trong đó, Hubert Burda đầu tư 10 triệu USD, số còn lại đến từ các nhà đầu tư khác, trong đó có cả các nhà quản lý cao cấp của Burda với tư cách cá nhân. Quỹ CyberAgent (Nhật Bản) mới đây cũng rót thêm tiền vào Công ty cổ phần VeXeRe – một dự án startup trong lĩnh vực công nghệ vận hành hệ thống đặt vé xe khách trực tuyến. Vậy là khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp startup là vốn thì nay đã có những Quỹ đầu tư mạo hiểm sẵn sàng đầu tư vào, miễn là anh có mô hình kinh doanh tốt, có con người tốt, có đam mê để phát triển.
Bộ KH-CN Nguyễn Quân đã từng nói: "Ở Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế, Chính phủ đang rất quan tâm, các bạn hãy ở Việt Nam khởi nghiệp, đừng mang những sản phẩm tốt của Việt Nam sang thị trường nước ngoài; hãy ở Việt Nam và hỗ trợ nhau tạo ra một hệ sinh thái, gọi được nhiều vốn ngoại cũng như vốn nội để cho giá trị doanh nghiệp Việt Nam tăng cao hơn". Có thể nói, đó là cơ hội rất lớn cho những ai đã và đang muốn khởi nghiệp.
Còn đó những khó khăn, thử thách…
"Vạn sự khởi đầu nan". Các doanh nghiệp startup trong lĩnh vựcKHCN vẫn còn gặp nhiều trở lực từ chính mình, như: khó tiếp xúc được các quỹ đầu tư do không đủ vốn đối ứng; khó tiếp cận vốn vay do không có tài sản thế chấp. Phần lớn các doanh nghiệp KHCN chưa có cơ sở hạ tầng đủ tốt cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp startup ở Việt Nam đa số đều xuất thân từ "dân kỹ thuật" nên họ quá chú trọng vào các yếu tố công nghệ mà quên đi những giá trị người sử dụng thật sự cần. Chính những điều này đã khiến họ không thuyết phục được người sử dụng. Không có người sử dụng thì đừng nói đến chuyện gọi vốn, các Quỹ đầu tư mạo hiểm chỉ rót tiền vào một sản phẩm có khả năng tạo ra doanh thu.
Yếu tố khách quan là việc thương mại hóa sản phẩm còn nhiều rào cản từ cơ chế chính sách.Các sản phẩm khoa học, công nghệ luôn đổi mới, sáng tạo, trong khi chưa có các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn, chất lượng của sản phẩm mới này nên các cơ quan quản lý nhà nước rất lúng túng trong việc cấp phép lưu hành cho sản phẩm của các doanh nghiệp startup.
Vẫn cần có"bà đỡ"
Những chính sách ưu tiên của Nhà nước vừa nêu trên đều nhằm cái đích cuối cùng là để nước ta có nhiều doanh nghiệp startup và sự tăng trưởng bền vững của họ. Tuy nhiên như vậy vẫn chưa đủ làm an lòng những ai có ý định khởi nghiệp, hoặc đã và đang là doanh nghiệp startup; chưa đủ độ tin cậy với những nhà đầu tư.
Tôi có đứa cháu Trần Anh Tú, đang học ở Melbourne(Úc), trong email gửi về, cháu kể về sự kiện "Startup Grind Melbourne", một sự kiện cho những người muốn mở các công ty và cho biết: "So với Mỹ, Úc mới có khoảng 40% doanh nhân trẻ dám đầu tư ở độ tuổi 18-24. Tổ chức độc lập và phi lợi nhuận Foundation for Young Australians (FYA) đòi hỏi Chính phủ Úc cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho sự sáng tạo của giới trẻ và những doanh nghiệp startup".
Hầu như quốc gia nào Nhà nước vẫn phải là "bà đỡ" cho doanh nghiệp startup. Ở nhiều nước phát triển, trong giai đoạn đầu, Nhà nước đầu tư khoản kinh phí khoảng từ 200.000 – 500.000 USD để nhóm startup phát triển ý tưởng, đến một giai đoạn nhất định, các công ty tư nhân mới tham gia đầu tư. Singapore, Đan Mạch, Mỹ và Trung Quốc là nơi mà Chính phủ đầu tư nhiều vào những hoạt động phát triển sáng tạo.Một số nước còn hỗ trợ các doanh nghiệp startup đầu ra cho sản phẩm, những sản phẩm từ công nghệ thử nghiệm cũng được hỗ trợ, được Nhà nước ưu tiên mua phục vụ cho lợi ích công cộng…
Với nước ta,nguồn đầu tư từ Nhà nước cho giai đoạn ươm tạo hạt giống còn rất khiêm tốn. Quỹ đầu tư khởi nghiệp vốn điều lệ có 5,2 tỷ đồng, vốn chi cho Dự án Thung lũng Silicon cũng chưa nhiều. Đầu tư cho doanh nghiệp KHCN là loại đầu tư mạo hiểm. Các nhà đầu tư sẽ nhìn xem Nhà nước đầu tư cho doanh nghiệp KHCN như thế nào thì người ta mới có thể yên tâm đầu tư. Nếu Nhà nước không đầu tư mạo hiểm thì làm sao tư nhân dám đầu tư? Nhưng, như Bộ trưởng Nguyễn Quân đã có lần chia sẻ với giới truyền thông, đại ý: Khái niệm đầu tư mạo hiểm còn rất mới lạ đối với người Việt Nam. Nếu ngân sách nhà nước đầu tư thất bại thì họ sẽ cho rằng chúng ta thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc làm lãng phí ngân sách nhà nước.
Điều đó trở thành rào cản, những người làm khoa học sẽ không dám tiếp nhận nguồn vốn mang tính đầu tư mạo hiểm. Thậm chí nhiều người, kể cả làm quản lý ở cấp cao thường nghĩ, đã là khoa học thì phải thành công, Nhà nước đầu tư cho các nhà khoa học nghiên cứu thì phải thành công, không chấp nhận có rủi ro. Thực tế cho thấy, nếu không có Quỹ đầu tư mạo hiểm thì không thể có được hệ sinh thái startup cho doanh nghiệp KHCN. Một số quỹ đầu tư mạo hiểm của nước ngoài khi vào Việt Nam không thể hoạt động được vì chúng ta chưa có loại quỹ này và chưa có đủ hành lang pháp lý. Nhìn sang Trung Quốc và Ấn Độ, thấy họ có đủ hành lang pháp lý nên hút được các Quỹ đầu tư mạo hiểm mà tiếc cho nước mình. Theo báo cáo của Preqin Ltd. – một công ty tư vấn tại London, số tiền đầu tư vào Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng gấp ba lần năm ngoái, đạt mức 16,9 tỉ USD trong quý III năm nay, chỉ ít hơn số tiền 17,5 tỉ USD đầu tư mạo hiểm vào Bắc Mỹ một chút.
Thời gian là vàng, nhất là đối với doanh nghiệp. Để đến năm 2020, nước ta có 5.000 doanh nghiệp KHCN, các nhà hoạch định chính sách, các nhà soạn thảo luật phải "chạy nước rút" mà hoàn thiện cơ chế, khung pháp lý về đầu tư cho KHCN, nhất là phải sớm cho ra đời Quỹ đầu tư mạo hiểm.Khi đó mới có một môi trường pháp lý thật sự đầy đủ hỗ trợ các doanh nghiệp starrtup.Và đó cũng là ngọn lửa thắp sáng niềm hy vọng của những người trẻ tuối say mê công nghệ đang ấp ủ, hoặc đang là những doanh nghiệp startup.
Đ.Ngọc