“Giai đoạn đầu, doanh nghiệp cần được hỗ trợ về chuyên gia tư vấn, chính sách liên quan đến thuế, hỗ trợ về mặt pháp lý, tài chính – kế toán và những khóa học giúp họ trở thành những doanh nhân chuyên nghiệp”.
Đó là ý kiến của ông Trịnh Nam Thái – CEO Koban.vn – về đề án “Chương trình quốc gia hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) – Natec xây dựng từ tháng 9/2015.
Doanh nghiệp khởi nghiệp được hỗ trợ tối đa
TS Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp KH&CN – cho biết, trong tháng 3, Natec nhận được nhiều góp ý của các bộ, ngành để hoàn thiện đề án. Trước mắt, đề án được xây dựng theo hướng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp khởi nghiệp trong các lĩnh vực KH&CN.
Các sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp được trưng bày tại sự kiện Kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam – Mỹ. Ảnh: AT
Cụ thể, một nền tảng điện tử sẽ được lập trên cơ sở hệ thống mạng mà Cục Thông tin quốc gia đang điều hành. Đề án cũng xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống kết nối với các chuyên gia trong nước, nước ngoài – đặc biệt là các Việt kiều nhiều kinh nghiệm hướng dẫn doanh nghiệp khởi nghiệp, những doanh nhân thành công trong lĩnh vực công nghệ hướng dẫn mô hình kinh doanh. Cùng với đó là những khóa tập trung huấn luyện chuyên về gọi vốn, xây dựng mô hình kinh doanh cho các doanh nghiệp khởi nghiệp với sự hỗ trợ của Chính phủ.
“Chúng tôi muốn tạo không gian làm việc chung để nhà đầu tư tập trung vào đó có thể chia sẻ bí quyết kinh doanh, thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm đến tìm hiểu doanh nghiệp, đầu tư vốn. Từ đó, các nhà đầu tư thiên thần cũng sẽ đến để trở thành huấn luyện viên. Tới đây, Natec sẽ đề xuất tạo không gian tập trung như vậy ở các viện, trường, địa phương với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhằm tạo nền tảng công nghệ thông tin và phương tiện làm việc tốt nhất cho các startup” – ông Quất nói.
Đề án này cũng đề xuất cơ chế liên kết với các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, các quỹ đầu tư để giúp họ tiếp cận nguồn vốn, giúp cho các nhà đầu tư có thể đầu tư và thoái vốn một cách thuận lợi.
Cần nhất là tư vấn pháp lý
Những nội dung trọng tâm của đề án được coi là tín hiệu rất đáng mừng đối với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, các startup đã thành công cho rằng việc hỗ trợ cần phải nhìn từ thực tế.
Ông Nguyễn Hữu Tuất – CEO Mpos Việt Nam – nói: “Một website hay nền tảng điện tử chỉ là công cụ để startup tiếp cận thông tin, không quan trọng bằng việc thông tin được cung cấp là gì. Nhà nước nên có “chương trình nuôi dưỡng startup” nhằm hỗ trợ tối đa cho startup, các đối tác của họ và hệ thống đào tạo nhằm tạo điều kiện cho startup biến ý tưởng thành sản phẩm thực tế”.
Ông Tuất cũng bày tỏ mong muốn Nhà nước sẽ chủ động thành lập trung tâm hỗ trợ pháp lý cho startup để tư vấn các quy định về điều kiện kinh doanh, thuế, tiếp nhận các vướng mắc về pháp lý của startup để có các kiến nghị sửa đổi, bổ sung phù hợp.
CEO Mpos Việt Nam lấy ví dụ về văn phòng hỗ trợ pháp lý ở Singapore – nơi startup có thể gửi email đặt câu hỏi hoặc đến gặp trực tiếp, các vấn đề được tư vấn sẽ có thư xác nhận để yên tâm triển khai. Việc này quan trọng hơn là xây dựng cơ sở dữ liệu hay các kết nối chết, bởi cái startup cần là cầu nối trực tiếp tại các sự kiện cụ thể được tổ chức. Sẽ hiệu quả nếu xây dựng được chuỗi chương trình, sự kiện có lịch trước tại nhiều thành phố, miễn phí hoàn toàn cho người tham gia.
Nhà nước cần có chính sách giảm hoặc miễn thuế cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ startup như co-working space (không gian làm việc chung), hỗ trợ điện, nước, Internet cho các co-working space nhằm giảm tối đa chi phí mà startup phải trả.
Ông Nguyễn Hữu Tuất cũng hy vọng Nhà nước sẽ nghiên cứu để tạo quy trình thuận lợi cho các quỹ đầu tư nước ngoài, tổ chức thảo luận với các nhà đầu tư nhằm giải quyết băn khoăn, nguyện vọng của họ đối với startup.
Còn ông Trịnh Nam Thái – CEO Koban.vn – lại cho rằng doanh nghiệp không cần Nhà nước hỗ trợ về đầu tư vốn, bởi muốn kinh doanh thì phải đầu tư và việc đầu tư vốn cho doanh nghiệp ở giai đoạn đầu tiên chưa quá cần thiết.
“Cần hỗ trợ về chuyên gia tư vấn, chính sách. Ví dụ như các chính sách liên quan đến thuế, hay hỗ trợ về mặt pháp lý, tài chính kế toán và những khóa học giúp cho họ trở thành doanh nhân chuyên nghiệp; sau đó cần kết nối cho họ gặp những người đã khởi nghiệp thành công, chia sẻ kinh nghiệm. Vấn đề là làm sao để tránh xa hình thức xin – cho, Nhà nước phải hiểu được khó khăn của doanh nghiệp để hỗ trợ một cách hiệu quả nhất thì hy vọng thành công sẽ cao hơn” – ông Thái kiến nghị.
Loan Lê