Sài Gòn bày sách Tam quốc diễn nghĩa bản in 109 năm trước

TTO – Quyển Tam quốc diễn nghĩa chữ quốc ngữ sớm nhất tại Việt Nam do Nguyễn Liên Phong dịch, ấn hành năm 1907 vừa được trưng bày đặc biệt tại nhà sách Cá Chép (223 Nguyễn Thị Minh Khai – Q1) từ ngày 9-4.
 
 
Quyển Tam Quốc diễn nghĩa do Nguyễn Liên Phong dịch, in năm 1907, tại triển lãm – Ảnh: L.Điền
Bên cạnh đó, triển lãm còn giới thiệu 60 bộ Tam quốc diễn nghĩa với số lượng lên đến khoảng 180 quyển, là một phần trong bộ sưu tập của nhà báo Yên Ba (báo Quân Đội Nhân Dân) từ Hà Nội mang vào.
 
Đây là ý tưởng của họa sĩ Trần Đại Thắng – giám đốc công ty Đông A – nhân dịp ra mắt ấn bản Tam quốc diễn nghĩa trọn bộ sáu tập (bản dịch của Phan Kế Bính, Bùi Kỷ hiệu đính, có bổ sung nhiều tranh phụ bản) và Tam quốc diễn nghĩa liên hoàn họa 60 tập.
 
Triển lãm các ấn bản Tam quốc diễn nghĩa lần này như một tái hiện hành trình xuất hiện các bản dịch bộ tiểu thuyết hấp dẫn của La Quán Trung tại Việt Nam.
 
Nói như giới nghiên cứu, cùng với hành trình phát triển chữ quốc ngữ, các bộ truyện Tàu được dịch và phố biến rộng rãi, trong đó bản dịch Tam quốc diễn nghĩa của Nguyễn Liên Phong năm 1907 là một trong những bộ sớm nhất.
 
 
Bản dịch Tam Quốc của Nguyễn Chánh Sắt in từ 1930 đã có bìa màu rất đẹp – Ảnh: L.Điền
 
Tại đây, bạn đọc còn bắt gặp bộ Tam Quốc diễn nghĩa bản dịch của Phan Kế Bính do Nguyễn Văn Vĩnh hiệu đính, in năm 1909; Tam quốc diễn nghĩa bản dịch của Nguyễn An Cư, do Tín Đức thư xã in lần 2 (1928) và lần 3 (1929); Tam quốc diễn nghĩa bản dịch của Nguyễn Chánh Sắt in năm 1930 bìa màu; Tam quốc, bản dịch của Nghiêm Xuân Lãm sáu cuốn in năm 1933; lại có cả bản Tam quốc chí diễn nghĩa do Nghiêm Toản và Louis Ricaud dịch sang tiếng Pháp; bản Tam quốc chí do Từ Mỹ và Viên Đình lược thuật, in tại Sài Gòn ngày 14-4-1975 được xem là bản Tam quốc cuối cùng tại miền Nam trước 1975.
 
Một số bản Tam quốc diễn nghĩa bằng tranh của các nước, các bản Tam quốc bằng nhiều thứ tiếng Anh, Đức, Hàn, Indonesia, Nhật, Pháp, Thái Lan, Campuchia… cũng được trưng bày lần này.
 
Một số ấn phẩm thuộc dạng phái sinh từ Tam quốc diễn nghĩa như Tuồng hát bội Huê Dung Đạo của Đoàn Quan Tấn soạn năm 1949, Gia Cát Khổng Minh diễn nghĩa, Phan Đình Long dịch, Xưa Nay in năm 1929 cũng là đối tượng sưu tập và triển lạm đợt này.
 
 
Nhà sưu tập Yên Ba đang giới thiệu triển lãm của mình với ông Phan Thành Nhơn – cũng là một nhà sưu tập Tam Quốc nổi tiếng ở TPHCM – Ảnh: L.Điền
 
Tại buổi khai mạc triển lãm, một tọa đàm nho nhỏ chủ đề Tam quốc diễn nghĩa – Chép chuyện trăm năm, lưu danh vạn thuở cũng được trình bày với diễn giả là hai nhà báo Yên Ba, Hà Quang Minh cùng biên tập viên Đinh Gia Trung của Đông A.
 
Có ý kiến cho rằng bản dịch của Tử Vi Lang cũng rất hay, đáng đọc, và phía công ty Đông A cho biết đơn vị này đang liên lạc về vấn đề tác quyền để có thể in lại bản dịch Tam quốc của dịch giả Tử Vi Lang trong thời gian tới.
Giới sưu tập có mặt cũng đặt lại các vấn đề về lịch sử xuất bản các bản dịch Tam quốc diễn nghĩa ở Việt Nam; những vấn đề tồn nghi chưa giải quyết được như bản dịch Tam quốc được xem là sớm nhất chính là bản công bố trên Nông Cổ Mín Đàm vào năm 1901, nhưng bản này do ai dịch đến nay vẫn chưa rõ, vì có người căn cứ vào chỗ ký tên thì cho rằng Canavaggio dịch, nhưng ông này là chủ nhiệm người Pháp, khó có thể dịch Tam quốc từ tiếng Trung ra chữ quốc ngữ thời bấy giờ.
 
Có người đoán định chính Lương Khắc Ninh đã dịch Tam quốc và in thành nhiều kỳ trên Nông Cổ Mín Đàm, nhưng sở cứ vẫn chưa rõ.
 
Về giá trị của Tam quốc, nhà báo Hà Quang Minh có một lưu ý rằng những bài học ứng dụng từ Tam quốc đến nay vẫn còn có thể vận dụng, đơn cử như cách xử lý khủng hoảng truyền thông thời hiện đại, hay cách đánh giá về một con người qua những thời đoạn khác nhau trong cuộc đời họ, thì Tam quốc từ lâu đã để lại những câu chuyện,  bài học đắt giá.
 
Triển lãm kéo dài đến hết ngày 17-4.
 
LAM ĐIỀN
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *