Sáng 20/4, tại Công viên Thống Nhất, Ngày sách Việt Nam lần thứ ba khai mạc, mở đầu cho hàng loạt hoạt động sôi nổi, phong phú trên cả nước nhằm phát huy văn hóa đọc.
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. 2016 là năm thứ ba Ngày Sách Việt Nam được tổ chức. Chương trình mở rộng tới mọi vùng miền đất nước, với nhiều sự kiện ý nghĩa.
Phát biểu tại lễ khai mạc Ngày Sách Việt Nam lần thứ ba tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết từ lâu, Bộ đã nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc. Từ đó, Bộ xây dựng kế hoạch và thực hiện Ngày Sách Việt Nam hằng năm. Một số hoạt động trọng điểm được thực hiện như: Chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành tổ chức “Tháng phát hành sách chào mừng Ngày Sách Việt Nam”, “Tuần lễ phát hành chào mừng Ngày Sách Việt Nam” có nhiều chương trình khuyến mãi, tri ân bạn đọc.
Ông Nguyễn Thành Hưng – Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông – dự khai mạc Ngày Sách VN lần 3 tại Hà Nội.
Ảnh: Lê Hiếu
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đề nghị các bộ, ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý của mình, cùng với Bộ Thông tin Truyền thông đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả hơn nữa Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam. Ông đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần xác định đây là nhiệm vụ chính trị, văn hóa của địa phương để chủ động triển khai tổ chức tại địa bàn cơ sở.
Ngày Sách Việt Nam lần thứ ba có sự lan tỏa sâu rộng. Tại Hà Nội, nhiều hoạt động được triển khai. Nổi bật nhất là Hội sách tại công viên Thống Nhất từ ngày 20 tới 24/4. Thư viện Quốc gia cũng tổ chức chuỗi hoạt động như xem kịch đoán sách, tọa đàm về sách… Lễ trao giải thưởng Sách Việt Nam diễn ra đúng ngày 21/4 nhằm tôn vinh những tác phẩm hay, đẹp của ngành Xuất Bản…
Ở TP HCM, hoạt động hưởng ứng Ngày sách diễn ra tại đường sách Nguyễn Văn Bình (17 – 24/4), điểm nhấn là những buổi đấu giá sách quý, sách hiếm.
Không chỉ có các thành phố lớn, tại các địa phương đã chủ động xây dựng và triển khai việc tổ chức Ngày Sách. Điển hình như Quảng Ninh thực hiện chương trình “Trưng bày sách nhân kỷ niệm Ngày hội thi ca Quảng Ninh lần thứ 9”. Đồng Tháp giới thiệu sách với chủ đề “Quê hương, đất nước, con người Đồng Tháp”. Tại Nam Định, chương trình Sách hoa nông thôn triển lãm sách theo chủ đề “Thành Nam văn hiến”, “Sách và người Nam Định”; Bắc Ninh thực hiện triển lãm sách theo chủ đề “Mảnh đất và con người Bắc Ninh – Kinh Bắc”…
Sáng 20/4, sau trận mưa lớn, nhiều bạn trẻ vẫn tới Công viên Thống Nhất tham dự Hội sách. Ảnh: Lê Hiếu
Ông Chu Văn Hòa – Cục trưởng Cục Xuất Bản – cho biết lần thứ ba diễn ra, Ngày Sách đã trở thành hoạt động của cả cộng đồng chứ không còn là sự kiện của riêng ngành xuất bản hay thông tin, truyền thông. Ông chia sẻ năm thứ nhất tổ chức Ngày Sách thời gian quá gấp rút nên các hoạt động không nhiều. Tới năm thứ hai, chương trình nhận được sự quan tâm của nhiều cơ quan, địa phương. Đến nay, hầu hết các tỉnh thành trên cả nước đều phản hồi, hưởng ứng các hoạt động Ngày Sách. Theo Cục trưởng Cục Xuất Bản, Ngày sách còn nhận sự quan tâm của nhiều cơ quan, bộ ngành khác như Bộ Giáo dục, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an…
Bộ Giáo dục và Đào tạo là đơn vị hưởng ứng Ngày Sách mạnh mẽ. Bộ đã ra công văn hướng dẫn các Sở cấp dưới tổ chức nhiều hoạt động từ ngày 18/4 tới 23/4. Chương trình “Ngày hội đọc sách” theo từng chủ đề được tổ chức tại các trường học. Các trường huy động phụ huynh quyên góp sách xây dựng tủ sách đặt tại lớp học. Nhiều cuộc thi tìm hiểu về sách, thi kể chuyện, đóng kịch theo sách, thi hùng biện giới thiệu sách hay được tổ chức… Bộ Giáo dục cũng khuyến khích các đơn vị mở lớp giáo dục kỹ năng, phương pháp đọc, thu thập và xử lý thông tin cho học sinh, sinh viên; phổ biến kinh nghiệm đọc cho người dân tại trung tâm học tập cộng đồng.
Thu Hiền
Ảnh: Lê Hiếu