Quản lý nhà nước cần người có trình độ như thế nào?

TP – Trao đổi với PV Tiền Phong về tình trạng “lạm phát” đào tạo tiến sĩ ở nước ta hiện nay, các chuyên gia cho rằng có nguyên nhân từ việc một bộ phận không nhỏ quan chức đua nhau đi học tiến sĩ, do đó có cầu thì ắt có cung.
 
 
 
Các học viên cao học và nghiên cứu sinh làm thủ tục nhập học.
TS Nguyễn Đức Hoạt, nguyên chủ nhiệm khoa tiếng Anh, ĐH Ngoại thương:
 
Ở Việt Nam, tiến sĩ chủ yếu công tác trong ngành sư phạm, giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ hoặc làm việc tại các viện nghiên cứu. Nhưng cũng có một phần không nhỏ quan chức đua nhau đi học tiến sĩ. Vì quan phải tiến sĩ thì mới xịn. Quan chức đúng là cần chuyên môn nhưng không đến mức phải tiến sĩ.  Ở Việt Nam, chúng ta đang nhầm khoa học với công nghệ. Tiến sĩ ở nước ngoài là làm khoa học, còn công nghệ là ứng dụng khoa học vào thực tế. 
 
Điều này có nghĩa là chúng ta đang sính bằng cấp, thưa ông?
 
Khi nào có cầu ắt sẽ có cung, khi cầu sai thì người ta sẽ làm sai. Vừa qua, tôi được tới 4-5 trường ĐH mời ra đứng tên để thành lập khoa. Hóa ra ta đang rất thiếu cái danh này. Ở nước ngoài làm tiến sĩ phải mất 6 năm, bỏ nhà bỏ cửa để đi làm nhưng Việt Nam chỉ có 3 năm mà lại được ngồi ở nhà, không phải tập trung tại trường. Bài báo không phải đi qua seminar nào. Đội ngũ hướng dẫn cũng chủ yếu chỉ “cơm chấm cơm”. Thầy vừa làm nghiên cứu xong, mấy năm sau lại quay lại hướng dẫn.
 
GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên  Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:
 
Không nhất thiết làm quản lý phải có học vấn cao
 
Ở khá nhiều cơ sở, đánh giá chung của tôi là chất lượng chưa cao. Nhất là khi chúng ta mở ra đào tạo thạc sĩ nhiều, chất lượng cũng chỉ nhỉnh hơn so với ĐH. Từ “đà” thạc sĩ, nhiều người có nhu cầu làm tiến sĩ. Trong khi đó, chúng ta thường dễ dãi với nhau về đề tài luận án tiến sĩ. Tôi quan niệm, luận án tiến sĩ phải có cái mới đáng giá ở mức độ nhất định, tất nhiên không đòi hỏi sáng tạo quá nhiều. Tri thức càng lên cao phải càng khó thì mới đảm bảo được chất lượng. Còn hiện nay, chúng ta đào tạo tiến sĩ phần chạy theo thành tích, phần chạy theo thị trường có cầu thì có cung. Quan điểm đào tạo trong giáo dục mà đơn giản như kinh tế trong cơ chế thị trường thì không ổn. Tôi cho rằng phải có cái khác để nâng cao chất lượng.
 
Như ông nói, đào tạo tiến sĩ hiện nay quá dễ dãi với đề tài luận án, nguyên nhân xuất phát từ đâu, thưa ông?
 
“Không nhất thiết mọi người quản lý phải có học vấn cao. Bởi vì kỹ thuật quản lý, chuyên môn quản lý đòi hỏi con người những bản lĩnh khác với bản lĩnh học hành như biết nhìn xa, trông rộng, bản lĩnh quyết định trước những việc khó khăn…” 
GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Thứ nhất là tư duy của người Việt Nam từ xưa đến nay đều coi trọng việc học và đó là cách duy nhất để làm quan. Thứ hai là yếu tố thị trường, nếu đảm bảo cung cầu dễ dàng thì nó tồn tại nhất là khi pháp luật không có quy định cụ thể. Thứ ba là vì cách cất nhắc cán bộ. Do chúng ta không dám nhìn thẳng, không đánh giá thẳng vào năng lực của từng người nên mới phải đưa ra tiêu chí mang tính hình thức. Ví dụ: bằng cấp cao hơn thì ưu tiên hơn… Khi đã đưa ra những tiêu chí này thì những danh hiệu, những chức danh đi theo tiêu chí đó cũng trở nên giả tạo. 
 
 
GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
 
Vậy theo ông, ở cấp độ quản lý nhà nước thì có cần người có trình độ học vấn cao như thế không?
 
Tôi cho rằng 2 chuyện này khác nhau. Không nhất thiết mọi người quản lý phải có học vấn cao. Bởi vì kỹ thuật quản lý, chuyên môn quản lý đòi hỏi con người những bản lĩnh khác với bản lĩnh học hành như biết nhìn xa, trông rộng, bản lĩnh quyết định trước những việc khó khăn… Người đi theo con đường học vấn lại đòi hỏi bản lĩnh khác như sáng tạo. Nhưng khi chúng ta dính hai chuyện này với nhau thì nó sẽ tác động tới đào tạo.
 
Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng đào tạo tiến sĩ khoa học xã hội của Việt Nam  hiện nay có vấn đề nhất?
 
Tôi cho rằng xã hội hay kỹ thuật thì cách tiếp cận bằng cấp ngang nhau. Có nhiều người kêu rằng một số đề tài khoa học xã hội hiện nay không có ý nghĩa. Điều này là đúng, nhưng do mọi người không thông thạo các đề tài kỹ thuật, kinh tế, công nghệ. Các đề tài này cũng như thế thôi, là vấn nạn chung của nước ta.  Có lẽ chỉ khoa học cơ bản ít hơn vì nó nằm ở không gian hoàn toàn khác, không sát “mặt đất”. Vì nó có tiêu chí đánh giá về mặt khoa học rõ ràng. Còn tất cả thứ khoa học gắn với “mặt đất” thì đều vướng phải vấn đề: đề tài không ra làm sao cả.
 
Do chúng ta hư danh hay còn do trình độ của người thầy, thưa ông?
 
Chắc chắn do trình độ của thầy cô. Các nước rất tôn trọng trình độ thật của con người thông qua các công trình thực của người đó. Nhưng ở Việt Nam, chúng ta  vẫn cứ líu ríu mấy chuyện không dám nhìn thẳng vào sự thật khi đánh giá người này kém, người kia giỏi. Trong khi Việt Nam quy định sau khi bảo vệ 3 năm, tiến sĩ sẽ được quay lại hướng dẫn nghiên cứu sinh thì các nước không ấn định về mặt thời gian, họ chỉ quan tâm người đó có nổi tiếng hay không. Vì thực tế, có nhiều người còn nổi tiếng trước khi làm tiến sĩ. Họ đánh giá con người đó có thực sự được các nhà khoa học trọng vọng không, có thực sự  có tài không. Còn chúng ta không dám làm việc đó, chúng ta đành đưa ra các tiêu chí hình thức. Chúng ta không dám nhìn vào nội dung xem người đó có bao nhiêu công trình khoa học được công bố ở nước ngoài, trong nước, bao nhiêu công trình được trích dẫn ở các đề tài khoa học khác. Chúng ta không dám đưa ra những tiêu chí mang tính nội dung.
 
Theo: tienphong.vn
 
Từ khóa: quản lý, đào tạo, tiến sĩ, trình độ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *