Trên trang web của mình, Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) đã trả lời về nguyên nhân cá chết hàng loạt. Theo đó, trong trường hợp cá chết vì nhiễm các chất độc hại thì nồng độ phải khá cao và vị trí xả thải phải ở khá gần với khu cá bị ảnh hưởng.
Theo USGS, rất nhiều trường hợp cá chết hàng loạt trong mùa hè là do nồng độ oxy hòa tan trong nước thấp. Cá, cũng như các dạng sống phức tạp khác, cần oxy để sống. Chúng lấy oxy dưới dạng hòa tan trong nước. Đó là lý do tại sao bể cá nhà bạn cần một thiết bị sục khí.
Cá chết hàng loạt ở vịnh Narragansett, đảo Rhode, Mỹ
Trong nước ấm có ít oxy hòa tan hơn nước lạnh, vì vậy mùa hè là thời điểm cá rất khó nhận được đủ oxy trong nước. Hơn nữa còn sự tác động của những sinh vật khác cũng phải sử dụng oxy như loại tảo phát triển trong mùa hè và cả vi khuẩn phân huỷ chất hữu cơ.
Ban ngày, các loại tảo tự sản xuất oxy thông qua quá trình quang hợp, nhưng vào ban đêm, khi quá trình quang hợp dừng lại, những loại tảo này và các vi sinh vật khác vẫn tiếp tục hô hấp và sử dụng oxy.
Vì vậy, vào những đêm hè nóng nực, nồng độ oxy hòa tan trong nước vốn đã thấp lại còn phải chia sẻ với những sinh vật như trên là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt.
Tình trạng này có thể bị đẩy tới mức tồi tệ hơn bởi những điều kiện hoàn toàn tự nhiên hay những hoạt động của con người như xả thêm các chất như nitơ, phốt pho vào nước.
Những chất thải đến từ nhiều nguồn như phân bón, các phương tiện giao thông, nước thải… Quá nhiều chất như vậy sẽ có xu hướng gia tăng tốc độ phát triển của các loại tảo và làm giảm lượng oxy hòa tan trong nước. Nồng độ oxy hòa tan thấp cũng có thể do nhiều yếu tố khác như sự tuần hoàn nước kém, ít nạo vét, hoặc một cơn mưa lớn sau đợt khô hạn kéo dài.
Cá chết hàng loạt cũng có thể xảy ra khi nước nhiễm các chất độc hại. Tuy nhiên, để điều này xảy ra, các hợp chất độc hại phải có nồng độ khá cao. Trong một vùng nước rộng lớn, phải có một lượng rất lớn các hợp chất độc hại, và vị trí xả thải phải ở khá gần với khu cá bị ảnh hưởng.
PHẠM KHÁNH (Lược dịch)