Thứ trưởng Trần Văn Tùng ” đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính”

Ngày 19/4/2016, Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) do đồng chí Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN, thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ làm Trưởng đoàn đã đến và làm việc với Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Thái Nguyên về kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) và kết quả hoạt động KH&CN năm 2015; kế hoạch hoạt động năm 2016 và những năm tiếp theo. 
 
Đại diện các đơn vị thuộc Bộ KH&CN tham gia Đoàn công tác gồm Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật (KT-KT), Vụ Đánh giá Thẩm định và Giám định công nghệ, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch Tổng hợp, Vụ Pháp chế, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ. 
 
 
Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu tại buổi làm việc với UBND Tỉnh
Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh và Lãnh đạo các Sở: Sở KH&CN, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Tư Pháp, Sở Thông tin và Truyền thông cùng đại diện một số ban, ngành khác của tỉnh Thái Nguyên.
 
Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã nghe đại diện Lãnh đạo Sở Nội vụ báo cáo về kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính; đại diện lãnh đạo Sở KH&CN báo cáo kết quả hoạt động KH&CN năm 2015, tình hình triển khai nhiệm vụ năm 2016, kế hoạch hoạt động KH&CN năm 2017 và các năm tiếp theo của tỉnh Thái Nguyên.
 
Về kết quả thực hiện công tác CCHC: Cơ bản, công tác CCHC đã được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm, chủ động xây dựng kế hoạch nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) giai đoạn 2015 – 2016. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác CCHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương tương đối ổn định, từng bước tham mưu có hiệu quả. Về nhận thức của người đứng đầu, cán bộ, công chức các đơn vị, các cấp đối với công tác CCHC được nâng lên, trách nhiệm của các ngành, các cấp được phân định rõ ràng. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính tiếp tục được thực hiện có nề nếp, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức và công dân ngày càng được nâng cao, hồ sơ tồn đọng ít. Công tác kiểm soát thủ tục hành chính được thực hiện thường xuyên, sự phối hợp giữa các ngành liên quan trong việc dự thảo trình UBND Tỉnh công bố sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ… Các cơ quan, đơn vị tăng cường, đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo Đề án vị trí việc làm, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng đáp ứng yêu cầu trong hoạt động công vụ, việc phân cấp quản lý được đẩy mạnh. Một số nhiệm vụ CCHC giai đoạn 2011 – 2015 cơ bản đã được các sở, ban, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo thời gian và hoàn thành theo đúng yêu cầu; đã góp phần nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI xếp thứ 7/63 tỉnh, thành và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI nằm trong tốp các tỉnh, thành đạt chỉ số cao nhất.
 
Về kết quả hoạt động KH&CN năm 2015: UBND Tỉnh đã ban hành 07 văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa Luật KH&CN năm 2013; ban hành Quyết định thành lập và phê duyệt Điều lệ của Quỹ phát triển KH&CN Tỉnh nhằm đổi mới cơ chế tài chính trong hoạt động KH&CN. Công tác quản lý nhà nước về KH&CN được quan tâm đẩy mạnh hơn thông qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra thường xuyên trong các lĩnh vực: sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân, tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Các đề tài, dự án KH&CN, mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới được triển khai có tính ứng dụng cao và nhiều kết quả nghiên cứu đã được nhân rộng có hiệu quả trên địa bàn Tỉnh, đặc biệt là trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, đã góp phần nâng cao năng xuất lao động, tăng thu nhập và tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, năm 2015 cũng còn những tồn tại, hạn chế cần sự đóng góp, tác động tích cực hơn nữa của KH&CN trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH trên địa bàn Tỉnh như: Chưa xây dựng và hình thành được các khu nông nghiệp công nghệ cao; vùng sản xuất hàng hóa tập trung còn nhỏ lẻ, phân tán; các cơ sở chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch chưa nhiều, quy mô nhỏ, chưa có những sản phẩm mang tính cạnh tranh cao của Tỉnh; Thị trường KH&CN còn nhỏ bé, do chưa tạo được môi trường cho thị trường phát triển. Giữa nghiên cứu ứng dụng và triển khai ra diện rộng còn có khoảng cách nhất định. Số lượng các đề tài, dự án KH&CN còn nhiều, dàn trải, kinh phí, quy mô nghiên cứu còn hạn chế, một số ít đề tài, dự án sau khi được nghiệm thu không có tính nhân rộng; Hoạt động KH&CN cấp huyện, thành phố, thị xã còn nhiều bất cập về nhân lực, kinh phí hoạt động, cơ chế chính sách để hoạt động. Công tác tham mưu cho UBND các huyện, thành, thị xây dựng kế hoạch hoạt động KH&CN cấp huyện chưa kịp thời; Các đơn vị còn thiếu chủ động trong việc đề xuất triển khai các nhiệm vụ KH&CN; Công tác xã hội hóa các hoạt động KH&CN còn hạn chế, việc thực hiện đa dạng nguồn vốn cho hoạt động KH&CN còn nhiều khó khăn, chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách Nhà nước.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh đã báo cáo những nét khái quát nhất về tiềm năng, thế mạnh, về tình hình phát triển KT-XH của Thái Nguyên. Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động KH&CN trên địa bàn Tỉnh, đồng chí Trịnh Việt Hùng thay mặt Lãnh đạo Tỉnh đề nghị Bộ KH&CN có hướng dẫn cụ thể trong thực hiện định mức chi tiêu đối với nhiệm vụ khoa học sử dụng ngân sách Nhà nước; tạo điều kiện cho các tổ chức KH&CN của Tỉnh được tham gia thực hiện các nhiệm vụ đã đề xuất, đặt hàng với Bộ; xem xét cho phép sử dụng nguồn kinh phí khoa học hỗ trợ thực hiện triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO tại các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, nhất là cấp xã; tạo điều kiện cho các tổ chức KH&CN của Tỉnh được tham gia và thực hiện các nhiệm vụ KH&CN đã đề xuất đặt hàng với Bộ KH&CN; giúp đỡ xây dựng và cấp kinh phí thực hiện Đề án nâng cao năng lực hoạt động của các Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng của Tỉnh; xây dựng cơ chế chính sách tài chính khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động KH&CN cũng như chỉ đạo vấn đề thẩm định, đánh giá công nghệ đối với các dự án đầu tư trên địa bàn có sử dụng ngân sách nhà nước; giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh trong việc đổi mới công nghệ; nâng cao thương hiệu, giá trị của sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương đặc biệt là cây chè.
 
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đã đánh giá cao công tác cải cách hành chính của Tỉnh và đề nghị Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý cải cách hành chính. Về hoạt động KH&CN, đồng chí yêu cầu tỉnh cần tăng cường đầu tư, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp tham gia. Để phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh là cây chè, tỉnh phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ rà soát lại diện tích, quy trình sản xuất, xây dựng thị trường…để đưa vào chương trình phát triển sản phẩm Quốc gia nhằm nâng cao, thương hiệu, giá trị của sản phẩm. Với các kiến nghị của Tỉnh, giao cho các đơn vị của Bộ tiếp thu, phối hợp với tỉnh để giải quyết kịp thời.
 
 
Đoàn thăm mô hình nuôi trồng thủy sản tại Trung tâm đào tạo, nghiên cứu và phát triển thủy sản Đông Bắc, Đại học Nông Lâm Thái Nguyên
 
Cùng ngày, Đoàn công tác Bộ KH&CN đã đến thăm mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN tại Trung tâm đào tạo, nghiên cứu và phát triển thủy sản Đông Bắc của trường Đại học Nông lâm thuộc Đại học Thái Nguyên./.
 
Nguồn:  Ngô Xuân Cường, Vụ Phát triển KH&CN địa phương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *