Thị trường sách và văn hóa đọc

Trong ngành xuất bản, đáp ứng nhu cầu thị hiếu, giành thị phần, thị trường thì thương hiệu là vũ khí quan trọng nhất chứ không phải là khuynh hướng thẩm mỹ hay yêu cầu về văn hóa đọc. Hai yếu tố sau, trong giai đoạn hiện nay có vẻ như  vẫn là những khái niệm quá mơ hồ và thay đổi luôn xoành xoạch, không phải là dấu hiệu đáng để mừng…
 
Thứ bậc không vui
 
Nguyễn Hồng Lam
 
Diễn ra trong vòng một tuần, từ 21 – 27/3/2016 tại Công viên  Lê Văn Tám, quận 3, Hội sách TP Hồ Chí Minh 2016 đã khép lại với những con số  thống kê ấn tượng. Năm nay có 710 gian hàng sách của gần 200 nhà xuất bản, công ty phát hành sách trong và ngoài nước tham gia, với 300 ngàn tựa và hơn 30 triệu bản sách được trưng bày, tăng gần 40% so với Hội sách 2014. Sức thu hút đối với người đọc cũng gia tăng đáng kể khi có tới hơn 1 triệu lượt bạn đọc đến với Hội sách, tăng hơn 20% so với Hội sách lần gần nhất. Ban tổ chức, các NXB, Công ty phát hành sách cũng hồ hởi khi tổng doanh thu của Hội sách đạt hơn 50 tỷ đồng, vượt những 30% so với Hội sách trước.
 
Nhưng, niềm vui, sự hân hoan dường như chỉ đến với những ai quan tâm đến thị trường, thị phần và cơ hội kinh doanh sách, trong đó sách thuần túy chỉ là một món hàng. Còn với những người quan tâm đến thẩm mỹ, văn chương, kiến thức, sự phát triển văn hóa, nhất là văn hóa đọc, những con số thống kê khô khan kia, dù đáng kinh ngạc, cũng chưa hề cho thấy những dấu hiệu đáng mừng.
 
 
Hội sách TP Hồ Chí Minh năm 2016.
Trong top 10 cuốn bán chạy nhất Hội sách thì có đến 8 cuốn của tác giả Việt Nam, đặc biệt là các tác giả trẻ. Nhưng nhìn kỹ danh sách, chiếm tỷ lệ lớn nhất vẫn chỉ là sách ngôn tình, với “Thương mấy cũng là người dưng” của Anh Khang, “Sẽ có cách, đừng lo” của Tuệ Nghi, “12 cách yêu” của Hamlet Trương và “Thỏ bảy màu – Timeline của tui có gì” của Huỳnh Thái Ngọc, lần lượt xếp thứ 2, 6, 7 và 8 trên bảng tổng sắp. Hai vị trí 3 và 9 là hai cuốn tản văn “Trên đường băng” và “Cà phê cùng Tony”, cũng là hiện tượng đáng ngạc nhiên khi thuộc về cùng một tác giả có bút danh là một nickname trên mạng xã hội: "Tony buổi sáng".
 
Sự áp đảo danh sách tác giả được thông báo hồ hởi bằng các cụm từ “trong nước” và “trẻ” trong trường hợp này hẳn sẽ khiến cả độc giả lẫn tác giả khó tính, những người đề cao văn hóa đọc thật sự phải cau mày. Không nghi ngờ gì, người đọc vẫn dành phần lớn quan tâm cho những điều tầm phào, vụn vặt, thuần giải trí, không mấy thách thức  đối với tư duy hay trí tuệ, cũng  chẳng hứa hẹn gì nhiều chuyện nâng cao kiến thức hay thẩm mỹ qua việc đọc. Cứ nhìn cả tên tác phẩm lẫn bút danh thì biết: hầu như đều phảng phất màu sắc… ngôn tình!
 
Trong ba cuốn sách dịch lọt vào top-ten, “Đắc nhân tâm” của Dale Carnegie (thứ 10) có lẽ là sự nổi tiếng cũ kỹ và bất biến, được bạn đọc trẻ  mua nhiều vì không – thể – không mua (mua không đồng nghĩa với đọc, thích và cần). Cuốn “Thuật giả kim” của Paulo Coelho (xếp thứ 5) dường như quá trung dung không nói được gì nhiều khi mà xếp ngay trên nó, thứ 4, là cuốn “Madam Nhu – Trần Lệ Xuân – Quyền lực bà rồng” (Monique Brinson Demery) vốn nổi tiếng ở cả hai điểm: dịch thuật quá nhiều sạn và lỗi kiến thức đầy rẫy, gây nhiều tranh cãi.
 
Xếp đầu bảng, may thay, vẫn là “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng” của Nguyễn Nhật Ánh. Người lạc quan có thể lấy nó làm minh chứng để an tâm rằng văn chương trong trẻo, giàu chất thơ và những câu chuyện dành cho thế hệ tương lai vẫn đánh bại mọi đối thủ gây tranh cãi. Đúng thôi, với một thương hiệu Nguyễn Nhật Ánh, NXB Trẻ đã có thể “chấp” mọi NXB  trong nước khác ở mọi cuộc cạnh tranh!
 
Trong ngành xuất bản, đáp ứng nhu cầu thị hiếu, giành thị phần, thị trường thì thương hiệu là vũ khí quan trọng nhất chứ không phải là khuynh hướng thẩm mỹ hay yêu cầu về văn hóa đọc. Hai yếu tố sau, trong giai đoạn hiện nay có vẻ như  vẫn là những khái niệm quá mơ hồ và thay đổi luôn xoành xoạch, không phải là dấu hiệu đáng để mừng.
 
Văn hóa đọc dễ dãi, nhu cầu – thị hiếu thẩm mỹ không cao, người đọc hôm nay, nhất là người đọc trẻ còn khiến thị trường sách bị méo mó dung nhan bởi sự vọng ngoại. Cuốn “Madam Nhu – Trần Lệ Xuân – Quyền lực bà rồng” dù  đang bị báo chí, các nhà phê bình chỉ trích kịch liệt vẫn lọt vào top 10 không mấy khó khăn.
 
Trong khi đó, những ai quan tâm đến nội dung cuốn sách thì đều dễ nhận ra rằng nó hầu như chẳng có phát hiện hay tư liệu gì mới. Có chăng, cái mới chỉ là hàng loạt những lỗi sai lịch sử và hạt sạn dịch thuật. Còn lại, phần tư liệu không khác gì những cuốn sách cùng loại như “Ai giết anh em Ngô Đình Diệm” của Nông Huyền Sơn được NXB Công an nhân dân mang đến Hội sách 2012.
 
Hay xa hơn, cuốn “Đệ nhất phu nhân” của Hoàng Trọng Miêng, được viết dưới dạng tiểu thuyết hóa, xuất bản từ trước 1975. Thế nhưng, dù văn phong, độ chính xác, sự phong phú tư liệu có hơn hẳn cuốn sách của nữ tác giả trẻ tuổi người Mỹ, mỗi lần xuất bản của hai cuốn kia, số lượng cũng chỉ dừng lại con số 1.000 bản. Trong khi đó, sau hàng chục ngàn bản đầy lỗi bán hết vèo trước Hội sách, mang theo hành trang phê bình là đầy những lời chỉ trích, cuốn sách dịch đi sau vẫn được in thêm cả chục ngàn cuốn (với cam kết là đã dọn sạch lỗi dịch) để kịp tham gia Hội sách và có mặt ở hàng thứ 4 trong top 10 cuốn bán chạy nhất.
 
Rõ ràng, “bụt chùa nhà không thiêng”. Nhà văn Việt Nam hẳn sẽ còn phải ngậm ngùi lâu, rất lâu nữa.
 
Bao giờ chúng ta  mới có được một thị trường sách sôi động thật sự trên nền tảng một nền văn hóa đọc bậc cao, thiên về trí tuệ, thẩm mỹ vượt trội? Hỏi, thật ra chỉ để mà hỏi. Và nếu có thêm thì chỉ để mà buồn…
 
Bà Lê Thị Thu Huyền, Phó Tổng Giám đốc Công ty Phát hành sách TP Hồ Chí Minh FAHASA:Bạn đọc vẫn chuộng hiện tượng bề nổi
 
Nguyễn Trang (thực hiện)
 
 
– Cán cân giữa các dòng sách trên thị trường hiện nay ra sao, thưa bà?
 
+ Thị trường sách hiện nay có nhiều thay đổi bởi xu hướng, sở thích của lớp trẻ cũng thay đổi nhiều. Là đơn vị phát hành sách nên chúng tôi có cơ hội đánh giá khá toàn diện về xu hướng chọn sách của độc giả. Qua cuộc thi bình chọn cuốn sách được yêu thích nhất mà Fahasa tổ chức định kỳ giống như cuộc điều tra thị trường mini, chúng tôi nhận thấy độc giả bây giờ chuộng các loại sách giải trí, văn học, sách kỹ năng, sách dạy làm giàu…
 
Trong dòng sách văn học, các thể loại như tùy bút, tiểu thuyết, du ký bán rất chạy. Cũng dễ hiểu vì ở các thể loại này, nhiều tác giả mới xuất hiện như Anh Khang, Iris Cao, Gào… luôn trình làng hàng loạt tác phẩm có văn phong nhẹ nhàng được giới trẻ yêu thích mặc dù ý tưởng, thông điệp của tác phẩm chưa sâu sắc. Đó là điều khiến chúng tôi và các nhà xuất bản phải đau đầu tính toán mình sẽ chú trọng phát hành, xuất bản sách gì để vừa đáp ứng thị hiếu của đông đảo độc giả, vừa phải có giá trị văn hóa tư tưởng. Bởi thị trường và thị hiếu luôn song hành nhau.
 
– Vậy qua cuộc khảo sát mini trên, bà thấy đầu sách nào khó bán nhất?
 
+ Chúng tôi luôn có nhiều dòng sách phong phú để khách hàng lựa chọn như chính trị, giáo dục, kinh tế, văn học… Các đầu sách về nghiên cứu, khoa học tri thức rất kén bạn đọc. Nhưng về mặt nội dung thì đây là những đầu sách rất có giá trị. Cho nên mặc dù sức mua của khách hàng chậm, thời gian tiêu thụ kéo dài nhưng chúng tôi vẫn dành những vị trí đẹp, thích đáng để  trưng bày các cuốn sách này.
 
– Ngoài vị trí trưng bày bắt mắt, dễ thấy, Fahasa còn có chiến lược gì để đẩy sức mua cho các loại sách hữu ích nhưng khó đọc?
 
+ Chúng tôi thường tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu với tác giả hoặc viết bài giới thiệu sách trên các kênh truyền thông. Nhờ trao đổi trực tiếp với tác giả, bạn đọc sẽ hứng thú hơn với cuốn sách đó và chắc chắn họ sẽ tìm mua. Ngay cả nhân viên bán hàng, chúng tôi cũng khuyến khích họ nên nắm rõ những tựa sách được bán để tư vấn cho khách. Chúng tôi rất mong các các nhà xuất bản sẽ cùng Fahasa làm những công việc đó, tức là khi xuất bản ra cuốn sách có giá trị thì nên thúc đẩy mạnh ở khâu PR, nhất là những cuốn khó đọc.
 
– Công tác PR, truyền thông ngoài việc giúp phát hành sâu và rộng cuốn sách thì nó còn giúp ích gì trong việc nâng cao giá trị của cuốn sách đó không?
 
+ PR giúp tăng sự lan tỏa của cuốn sách. Và điều này rất quan trọng vì nếu sách có giá trị mà không được lan tỏa thì giá trị ấy rất hạn hẹp.
 
– Xin cảm ơn bà!
 
Ông Phạm Thế Cường, Chủ nhiệm Thư viện tư nhân miễn phí Phạm Thế Cường, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh: Người yêu sách đông nhưng mấy người biết chọn sách?
 
Mai Quỳnh Nga (ghi)
 
 
Cứ sau hội sách hai, ba tháng, thư viện của tôi lại nhận được khá nhiều sách của người đi hội sách mang tặng. Điều khiến tôi ngạc nhiên là đa số người mang tặng chưa hề đọc cuốn sách đó. Thậm chí có cuốn còn nguyên bọc mới tinh hoặc còn nguyên cả bộ. Đáng buồn toàn là sách văn học kinh điển, sách nghiên cứu. Hỏi sao các cháu không đọc?
 
Chúng bảo tụi cháu đi hội sách cho vui, thấy người ta nườm nượp kéo nhau đi thì mình cũng đi. Người ta mua thì mình cũng mua. Đặc biệt, nhiều bộ sách nổi tiếng giảm giá rất sâu như bộ “Tam quốc diễn nghĩa” giảm tới 40% nên mua cho khỏi tiếc. Tụi nó bảo cháu nghe người ta nói mấy tác phẩm này hay nhưng mua về đọc vài trang thấy ngán nên bỏ xó. Nếu để ý kỹ, ngay tại các hội sách, người ta vẫn thường tìm tới loại sách giải trí, giết thời gian. Còn những loại sách cung cấp kiến thức, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ công việc thì họ mua rất ít. Người yêu sách rất đông nhưng có bao nhiêu người đọc sách tri thức, mấy người biết chọn, đọc sách hay?
 
Có một nghịch lý là sách càng giá trị, hàm lượng chất xám càng cao (chẳng hạn như sách đoạt giải Nobel) thì càng khó bán dù đã giảm giá sâu,  còn sách lá cải, giải trí thì rất dễ bán dù giá có cao. Nhiều cuốn sách kỹ năng dạy người đọc trở thành triệu phú hay có trí tuệ siêu phàm đã trở thành bestseller. Tôi nói thẳng: thực chất giá trị của nó rất thấp.
 
Nhiều người lầm tưởng nó quá tuyệt vời nên đổ xô mua nhưng khi đọc xong hầu hết họ không nhận được cho mình một tí gì. Thư viện tôi nhận được rất nhiều cuốn sách như vậy. Hỏi tại sao họ không đọc mà đem cho thư viện thì họ bảo có đọc nhưng không thể làm được, mọi chỉ dẫn đều chung chung hoặc vớ vẩn. Thấy tôi bán ve chai toàn sách kỹ năng, bà ve chai tròn mắt bảo sao không đem cho người khác đọc. Tôi bảo mấy cuốn sách này cho người ta thì khác nào hại người ta.
 
Trước đó, tôi phải mất rất nhiều thời gian để đọc, chọn lọc chúng. Phải thừa nhận rằng không ít người thích ăn xổi quen rồi, thấy cái gì có lợi trước mắt là lao vào. Còn những cuốn sách cần chiêm nghiệm, bỏ công bỏ sức lẫn tư duy mới ngộ ra, mới gặt hái được thành quả thì người ta thờ ơ.
 
Thị hiếu tùy thuộc vào mỗi người. Một cuốn sách với tôi là hay nhưng với người khác nó không hay. Nó hay với tôi vì nó phục vụ cho điều tôi quan tâm, phù hợp với công việc tôi làm… Rồi phải tìm cuốn nào có nội dung chuẩn xác nhất. Đó là lý do vì sao chỉ có một tựa sách mà nhà tôi lại có nhiều bản in khác nhau. Dù cuốn sách đó phù hợp với thị hiếu của mình nhưng khi đọc, mình phải phản biện chứ không nên tin tưởng tuyệt đối vào sách. Nhưng hiếm người làm được điều này nên họ vẫn thích đọc sách có nội dung dễ dãi.
 
Hoạt động PR sách cũng còn nhiều điều bất cập. Có nơi chỉ toàn khai thác chuyện đời tư của tác giả, có nơi lại hoạt động bên lề ì xèo như ca hát, nhảy múa, ký tặng nhưng không đả động gì đến nội dung sách. Đáng lẽ tác giả phải chia sẻ về cuốn sách, tác giả có trăn trở gì khi viết cuốn sách đó, thông điệp gửi gắm ra sao… Kiểu PR trên chỉ nhằm lăng xê, đánh bóng tác giả chứ không phải để bạn đọc thấy được giá trị của cái mà họ đọc.
 
Là độc giả, tôi mong muốn các đơn vị làm sách cẩn thận khâu biên tập. Sách sai sót nhiều nên người ta ngán ngẩm, không thích đọc những dòng sách nặng về kiến thức mà chỉ đọc sách giải trí vô thưởng vô phạt vì nó có sai cũng chẳng sao, còn sách nghiên cứu, khoa học mà sai thì chết. Có nhà xuất bản người ta chỉ mới nghe tên là sợ, không dám mua vì sách “sạn” liên tục. Khâu biên tập tốt thì mới nâng được giá trị của sách lên, nâng uy tín của nhà xuất bản lên. Người làm sách đừng nên tầm thường hóa sản phẩm của mình. Nó vừa gây lãng phí cho xã hội, vừa khiến người đọc không thu nhận được gì, thậm chí tệ hơn. Công tác quản lý xuất bản cũng phải siết chặt để sách kém giá trị không có cơ hội tràn lan trên thị trường.
 
Ông Nguyễn Cảnh Bình,Giám đốc Công ty sách Alpha (Alpha Books): Người làm sách không thể đơn độc
 
Phan Thi Uyên (ghi)
 
 
Vài năm nay, tôi nhận thấy thị trường sách lẫn văn hóa đọc trong nước phát triển tương đối tốt. Chính sách, cơ chế của Nhà nước ngày càng cởi mở, tạo điều kiện kích cầu thị trường. Bằng chứng là hội sách diễn ra thường xuyên hơn ở các thành phố lớn, các đường sách ra đời. Sách được tôn vinh khi ngày 21-4 được chọn là Ngày sách Việt Nam…
 
Bản thân tôi là người làm và kinh doanh sách nhận thấy doanh thu bắt đầu tăng đáng kể, nhiều đầu sách có chất lượng tăng lên. Rõ ràng, nhu cầu đọc của công chúng đang tăng. Tôi rất ngạc nhiên khi nhiều bạn tuổi đời còn rất trẻ đã quan tâm đến những cuốn kinh điển về chính trị xã hội.
 
Thời gian gần đây, tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu về quá trình hiện đại hóa của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ… Và nhận thấy 25 quốc gia giàu nhất thế giới hiện nay, bên cạnh một nền giáo dục tiên tiến thì hoạt động xuất bản sách báo bao gồm sách tri thức giữ vị trí đặc biệt quan trọng cho quá trình hiện đại hóa đất nước của họ. Bởi đó là kho tàng quý báu, nhanh chóng truyền tải tri thức của nhân loại đến với đất nước họ, cũng như khuyến khích các hoạt động nghiên cứu và lan tỏa tri thức cho đại chúng.
 
Ở Việt Nam, trong tiến trình đổi mới và hội nhập, Đảng và Nhà nước đã luôn đề cao việc giữ gìn tinh hoa bản sắc dân tộc song hành với tiếp nhận những thành quả tri thức của thế giới thông qua nhiều hoạt động mang tính kết nối ở mọi cấp độ, trong đó có sự tham gia của ngành Xuất bản. Và thực tế, trong 30 năm đổi mới, ngành Xuất bản của Việt Nam đã có những bước tiến khá dài.
 
Tuy nhiên, với nhu cầu tiếp nhận tri thức mà thực tế đặt ra, ngành Xuất bản chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình, khi so sánh với một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản, thậm chí Thái Lan hay Malaysia đều hơn chúng ta khá xa. Đó là do những yếu kém và trở ngại từ nhiều phía, trong đó có sự manh mún, lạc hậu của các doanh nghiệp, nhà xuất bản. Nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhưng tổng thể ngành Xuất bản lại không tăng tương ứng, nhất là mảng sách khoa học, kỹ thuật, lịch sử, văn hóa và tư tưởng. Các nhà xuất bản hiện nay và các công ty xuất bản tư nhân không đủ nguồn vốn và năng lực thực hiện, thêm nữa thị trường cho loại sách này quá nhỏ khiến họ chán ngán.
 
Phải công nhận rằng văn hóa đọc và khuynh hướng đọc của người Việt có nhiều bước tiến chứ không phải là xuống cấp như nhiều người đánh giá, nhưng nếu nói rằng chúng ta đã hình thành được nền văn hóa đọc, thói quen đọc sách thì cũng không hẳn đúng. Đa số người đọc vẫn chưa tôn trọng tri thức. Vì vậy những năm tới, Việt Nam cần đầu tư vào các lĩnh vực tri thức – giáo dục, các chương trình phát triển dân trí và kiến thức cho người dân, đặc biệt là khơi thông dòng sách có hàm lượng chất xám cao phát triển mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam.
 
Để thúc đẩy quá trình này, chúng tôi mạnh dạn kiến nghị xây dựng “Đề án Xuất bản quốc gia” cho 10 – 20 năm tới. “Đề án Xuất bản quốc gia” sẽ “nhập khẩu” một cách có chọn lọc tri thức tiến bộ của thế giới và đưa tinh hoa tri thức Việt đến với công chúng Việt Nam. Cụ thể, sẽ thành lập “Quỹ Xuất bản quốc gia” như nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã làm.
 
Trước đây, đã có nhiều người đề xướng thành lập một quỹ hỗ trợ xuất bản tương tự Quỹ này nhưng nó vẫn chưa được quan tâm thích đáng. Việt Nam cấp thiết phải có Quỹ này để toàn xã hội, các ngành, các cấp cùng chung tay với người làm sách vào sự nghiệp phát triển nền văn hóa đọc giàu chiều sâu. Quỹ sẽ huy động vốn, triển khai, giám sát việc thực hiện xuất bản và có chính sách hỗ trợ cho các dòng sách tri thức như: sách giáo khoa phổ thông hiện đại; giáo trình đại học hiện đại; sách phổ biến kiến thức và khoa học thường thức cho học sinh và trẻ em; sách tri thức cao cấp, đặc biệt là mảng khoa học xã hội, pháp luật, lập pháp cao cấp; sách Hán Nôm chọn lọc…
 
Ngoài ra, Quỹ còn triển khai các hoạt động khuyến đọc và phát triển tri thức -văn hóa ở các địa phương như: tổ chức cuộc thi đọc sách định kỳ cho học sinh; mua sách và phân bổ cho các thư viện ở các địa phương nhỏ; hỗ trợ các câu lạc bộ sách…
 
Trong khi chờ Đề án được phê duyệt, tôi nghĩ biện pháp trước mắt để cán cân của thị trường dần nghiêng sang dòng sách “khá xương” này là giá bìa rẻ; cách trình bày của tác giả dễ hiểu, hấp dẫn; sách được quảng bá rộng rãi… Tác giả các cuốn sách này có tự ca ngợi hay nhờ người viết lời giới thiệu lăng xê tác giả lên mây thì cũng không thể trách họ được. Thị hiếu của công chúng cần những thứ đó.
 
Tất nhiên, thị trường hóa là con dao hai lưỡi có thể kéo thị hiếu thấp xuống. Do đó, phải có sự can thiệp, định hướng, hỗ trợ của các cơ quan có thẩm quyền. Quan trọng nhất là xã hội phải lành mạnh hóa, coi trọng năng lực chứ không phải bằng cấp. 
 
PV
 
Nguồn: cand.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *