Xây dựng khung nghiên cứu giai đoạn 2016-2020: Bức xúc của xã hội là đặt hàng cho khoa học

Xác định nhiệm vụ tinh, thiết thực, không trùng lặp, tìm và tháo gỡ các vướng mắc để sản phẩm khoa học và công nghệ (KH&CN) đi vào cuộc sống, vào sản xuất kinh doanh là các tiêu chí để Bộ KH&CN hệ thống lại các chương trình trọng điểm quốc gia giai đoạn 2016-2020.
 
Chỉ giữ lại những chương trình thiết thực, khả thi
 
Tại cuộc gặp mặt các ban chủ nhiệm chương trình trọng điểm cấp nhà nước mới đây do Bộ KH&CN tổ chức, lãnh đạo bộ cho biết trong giai đoạn 2016-2020, thực hiện chủ trương tái cơ cấu các chương trình trọng điểm quốc gia, bộ chỉ giữ lại 6 chương trình gồm KX.01, KC.02, KC.05, KC.08, KC.09 và KC.10. Đến thời điểm này, các ban chủ nhiệm chương trình đã được hoàn thiện và đang gấp rút xây dựng nhiệm vụ nghiên cứu của năm 2016.
 
 
 
Nhà nghiên cứu Lê Văn Bình trong phòng lên men của Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh chụp tháng 4/2016. Ảnh: Phượng Hằng
Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân đánh giá: “Chương trình trọng điểm cấp nhà nước đã qua nhiều giai đoạn, đến nay cơ bản đã thành công ở các mức độ khác nhau, giúp cho nền móng công nghệ, đất nước phát triển, tăng cường tiềm lực KH&CN”.
 
Tuy nhiên ông Nguyễn Quân cũng cho biết, năm 2016, các chương trình sẽ được hệ thống lại để tránh trùng lặp với các chương trình quốc gia, các nhiệm vụ đặt ra cũng phải thực sự cần thiết và khả thi.
 
Đồng tình với nguyên Bộ trưởng, GS-TS Nguyễn Vũ Việt – Chủ nhiệm chương trình KC.08 (KH&CN phục vụ phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên) – dẫn ví dụ: Lĩnh vực thiên tai và môi trường đang nổi lên nhiều thách thức rất lớn, nhất là năm 2015, tình trạng El Nino, xâm nhập mặn luôn là vấn đề thời sự. Vì vậy, việc tiếp tục chương trình KC.08 giai đoạn 2016-2020 là rất xác đáng.
 
Minh chứng về sự cần thiết của chương trình KC.08, ông Việt cho biết, những thành tựu về môi trường và phòng, chống thiên tai nhiều năm qua đều xuất phát từ đề tài trước đây của Bộ KH&CN, như dự báo hạn giúp điều hành sản xuất, hay dự báo nước về sau khi Trung Quốc xả nước, giúp các tỉnh mở cống đón nước ngọt đúng thời điểm…
 
“Điều này cho thấy việc xây dựng nhiệm vụ nghiên cứu phải bám sát thực tiễn. Trước mắt sẽ xác định nhiệm vụ năm đầu. Ban chủ nhiệm chương trình, Bộ KH&CN phải biết được bức xúc của xã hội và đây chính là đặt hàng của đất nước để xác định nhiệm vụ nghiên cứu” – TS Việt nói.
 
Đại diện Ban chủ nhiệm chương trình KC.09 – nghiên cứu về biển đảo – bày tỏ băn khoăn về việc phát triển kinh tế biển như thế nào để đảm bảo an ninh, chủ quyền. Lực lượng nghiên cứu về biển muốn có sự giúp đỡ và kết nối của các chuyên gia có kiến thức chuyên môn sâu để hình thành các đề tài hữu ích.
 
Cần xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin khoa học
 
“Để triển khai chiến lược phát triển KH&CN, cần xác định trọng tâm, trọng điểm. Kinh phí có hạn, nhưng phải làm có chất lượng và hiệu quả. Đặc biệt, khi xác định nhiệm vụ, các nhà khoa học phải trả lời được câu hỏi KH&CN đã đóng góp được gì, có thể giúp gì cho sự phát triển chung” – Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh nói.
 
Theo đó, việc xây dựng kế hoạch nghiên cứu có sản phẩm rõ ràng, có hướng giải quyết các vấn đề trọng điểm, bức xúc của cuộc sống là định hướng được lãnh đạo bộ xác lập với các ban chủ nhiệm chương trình trọng điểm cấp nhà nước. Các giải pháp cũng được bàn thảo để tránh sự trùng lặp, chồng chéo.
 
Một trong các giải pháp được ông Lê Xuân Định – Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia – đề xuất là phải dựa vào cơ sở dữ liệu thông tin khoa học. Theo đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin khoa học không chỉ giúp tránh nghiên cứu trùng lặp những vấn đề đã có kết quả từ trước mà còn trả lời được câu hỏi then chốt: Nghiên cứu đó sẽ đóng góp được gì cho sự phát triển chung của đất nước.
 
Cụ thể, khi thực hiện điều kiện giao nộp và công bố thông tin, các nhà khoa học sẽ phải đề cập tới nhiệm vụ KH&CN ở cả 3 trạng thái: Đang tiến hành, kết quả thực hiện nhiệm vụ, kết quả ứng dụng nhiệm vụ KH&CN. “Nếu chúng ta làm trọn vẹn ba bước này, khi tổng hợp kế hoạch báo cáo theo bản hướng dẫn thì đa số thông tin đã nằm trong đó. Chính đây là câu trả lời về việc đề tài có hiệu quả hay không” – ông Lê Xuân Định nói.
 
Gần đây, Bộ KH&CN đã tập trung đầu tư cho Cục Thông tin KH&CN quốc gia để nhập một số nguồn tin có tầm quốc gia. Theo đó, nếu như tất cả các bộ, ngành, địa phương đưa mọi nhiệm vụ KH&CN từ cấp cơ sở vào hệ thống dữ liệu thì sẽ tránh được sự trùng lặp trong nghiên cứu hoặc giao đề tài. Quan trọng hơn, các nhà khoa học phải lấy đầu bài là những bức xúc của cuộc sống để đi tìm lời giải từ các nhiệm vụ nghiên cứu để chứng minh hiệu quả nguồn lực đầu tư cho KH&CN.
 
H.Minh – T. Dương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *