Đại học tư thục, không vì lợi nhuận của Mỹ: Những thuộc tính nổi trội *

Bài này chủ yếu cung cấp cho độc giả Việt Nam thêm một góc nhìn về một nền giáo dục tư thục của Mỹ từ lâu đã được thế giới công nhận là nổi trội về mặt quy mô và uy tín chất lượng. Từ góc nhìn này, các nhà hoạch định chính sách giáo dục, các nhà quản trị giáo dục và công chúng Việt Nam, nhất là các doanh nhân và những người làm giáo dục, làm từ thiện xã hội có thể hiểu căn cơ hơn về các vấn đề mà đại học tư thục Việt Nam đang gặp phải, từ đó có thể tự tìm ra giải pháp thiết thực nhất và hiệu quả nhất, phù hợp với bối cảnh đặc thù của Việt Nam.
 
Thư viện của Boston College.
 
Mô hình giáo dục đại học tư thục, không vì lợi nhuận (ĐHTT KVLN) của Mỹ đến nay đã tồn tại gần bốn thế kỷ, kể từ khi ngôi trường đại học tư thục đầu tiên – Đại học Harvard – ra đời năm 1636. Hiện nay, trong số hơn 4.000 cơ sở đào tạo bậc cao đẳng và đại học thì số lượng các trường tư thục chiếm hơn một nửa. Số sinh viên theo học các trường tư thục chiếm khoảng 20-25% tổng số sinh viên cả nước. Nếu xếp theo loại hình, thì số trường tư thục không vì lợi nhuận (not-for-profit) chiếm 90% trong tổng số các trường tư thục trên cả nước2. 
 
 
 
Trong khuôn khổ của bài này, tác giả chọn trường Đại học Boston (Boston College), sau đây gọi là BC nằm ở bờ Đông nước Mỹ để tìm hiểu sâu vì đây là khu vực tập trung nhiều trường đại học tư thục danh tiếng. BC do các cha Dòng Tên sáng lập năm 1863, các đời hiệu trưởng cho đến nay đều là các linh mục. Các ngành đào tạo tập trung trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Nội dung chương trình đào tạo không hề lồng ghép nội dung liên quan đến tôn giáo, ngoại trừ khoa Thần học (School of Theology and Ministry). Các lãnh đạo từ cấp cao, ngoại trừ hiệu trưởng, đến cấp thấp, nhân viên và sinh viên của trường không nhất thiết là người theo đạo Công giáo. Quy mô sinh viên bậc đại học và sau đại học là 14.700. Sinh viên quốc tế chiếm chỉ 5%. Sinh viên thuộc dân tộc thiểu số chiếm 32%. Sinh viên nữ chiếm 54%. Tỉ lệ tuyển sinh 34%. Đội ngũ giảng viên có 800 người (93% có học vị tiến sĩ).
 
Vị trí, vai trò các thành viên Hội đồng tín thác và Hiệu trưởng
 
Về mặt pháp lý, Hội đồng tín thác (Board of Trustees), sau đây gọi là “Hội đồng”, tại các trường ĐHTT KVLN ở Mỹ là pháp nhân sở hữu nhà trường, có thẩm quyền tối cao, quyết định các vấn đề lớn thuộc về nhân sự cấp cao, chính sách, chiến lược phát triển trường. Hội đồng của BC có 50 thành viên. Hội đồng của trường bao gồm các cựu sinh viên (đa số hiện nay là các doanh nhân thành đạt), các nhà tài trợ, các nhân vật có uy tín, có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực giáo dục và xã hội nói chung. Họ không nhất thiết phải có tiền đóng góp cho nhà trường và nếu có đóng góp thì họ cũng không trông đợi vào nguồn lợi ích tài chính từ phần đóng góp của họ. Quyền bỏ phiếu của các thành viên Hội đồng là ngang nhau cho dù họ có đóng góp nhiều hay ít. Nói tóm lại, các thành viên Hội đồng không nhận bất cứ một khoản lợi ích tài chính nào từ trường. Họ hoàn toàn tự nguyện đóng góp tiền bạc, uy tín cá nhân và thời gian cho trường.
 
Về chế độ làm việc, các thành viên của Hội đồng hoạt động theo nhiệm kỳ. Ví dụ, các thành viên của Hội đồng tại BC có thể được bổ nhiệm tối đa hai nhiệm kỳ liên tiếp. Mỗi nhiệm kỳ kéo dài ba năm. Nếu một thành viên muốn tiếp tục tham gia Hội đồng sau khi đã mãn nhiệm hai nhiệm kỳ liên tiếp thì bắt buộc phải nghỉ một năm, sau đó mới có thể được xem xét bổ nhiệm lại. Trong một năm “nghỉ ngơi” này, thành viên có thể tham dự các cuộc họp của các ủy ban trực thuộc nhưng không có quyền bỏ phiếu. Ủy ban thường trực của Hội đồng có thẩm quyền xem xét và quyết định bổ nhiệm nhân sự của Hội đồng. Hội đồng có chức năng giám sát các hoạt động của nhà trường và quyết định các vấn đề quan trọng thông qua hoạt động của các hội đồng trực thuộc (committee) hay còn gọi là các tiểu hội đồng như tiểu hội đồng tài chính, ngân sách, xây dựng,  học thuật, đầu tư, sinh viên,..
 
Về mặt nhân sự cấp cao vận hành trường, Hội đồng quyết định tuyển dụng Hiệu trưởng theo cơ chế sau: khi trường có nhu cầu tuyển dụng Hiệu trưởng, một ủy ban tìm kiếm (search committee) trực thuộc Hội đồng được thành lập. Thành viên của ủy ban này bao gồm một số thành viên Hội đồng, lãnh đạo cấp trung, đại diện các khoa. Ủy ban này có thể thuê một công ty chuyên tư vấn và “săn” đầu người giới thiệu một danh sách các ứng viên Hiệu trưởng. Danh sách này có thể lên đến 200 ứng viên, trong đó 70% là các ứng viên đến từ bên ngoài trường. Từ danh sách này, bốn ứng viên năng lực nhất sẽ được chọn để phỏng vấn tuyển chọn. Sau cùng, ủy ban tìm kiếm sẽ giới thiệu hai ứng viên cho Hội đồng để xem xét, tuyển chọn một và bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng. Tùy theo quy định và truyền thống của từng trường, Hiệu trưởng có thể được mời làm thành viên Hội đồng.
 
Hiệu quả lãnh đạo và điều hành của Hiệu trưởng sẽ quyết định thời gian được tuyển dụng, bổ nhiệm và mức lương được hưởng. Hiệu trưởng thực thi thẩm quyền cao nhất đối với mọi hoạt động thường xuyên và thường nhật của nhà trường từ nhân sự, tài chính, hoạt động sinh viên, cựu sinh viên đến học thuật nói chung. Điều đáng lưu ý là các vấn đề liên quan đến chương trình và nội dung đào tạo, kể cả các hoạt động liên quan đến học thuật khác thuộc toàn quyền quyết định của các giáo sư và các khoa chuyên môn.
 
Hội đồng và Hiệu trưởng hoàn toàn không can thiệp vào các vấn đề học thuật của các khoa, ngoại trừ khi có xảy ra các vụ tranh cãi hay khiếu nại mà không thể giải quyết ở cấp khoa. Trong quá trình vận hành trường, nếu có khiếu nại hay phản ánh của các giáo sư, giảng viên về Hiệu trưởng thì Hội đồng và các tiểu hội đồng có liên quan sẽ họp bàn và đưa ra quyết định giải quyết sau cùng, đảm bảo tính minh bạch, công minh và tôn trọng đối với các bên. Nếu không thể giải quyết được trong phạm vi Hội đồng, tức khi giữa các bên xảy ra kiện tụng thì sự vụ sẽ được xem xét, giải quyết theo đúng quy trình tố tụng của pháp luật.
 
Trong lịch sử phát triển các trường ĐHTT KVLN tại Mỹ hầu như hiếm xảy ra căng thẳng trong mối quan hệ giữa các thành viên Hội đồng và Hiệu trưởng. Thiết nghĩ chính cơ cấu tổ chức và chức năng giữa các bên được xác lập một cách rạch ròi, hợp lý, hoàn toàn không có sự chồng chéo lên nhau. Đó là về nguyên tắc. Còn về mặt cá nhân, thì sự tin tưởng và tôn trọng của Hội đồng đối với Hiệu trưởng là tuyệt đối. Ngược lại, tinh thần trách nhiệm của Hiệu trưởng trước Hội đồng cũng tuyệt đối tương tự. Một yếu tố quan trọng không kém khác là giữa họ hoàn toàn không có lợi ích kinh tế xen vào và cũng không có nhóm lợi ích kinh tế chi phối quá trình ra quyết định, vận hành trường. Thành viên Hội đồng không nhận bất cứ lợi ích tài chính nào cho dù họ có đóng góp cho trường hàng triệu dollars. Đây có thể được xem là thuộc tính điển hình, quan trọng trong tổ chức bộ máy cấp cao và hành xử của từng cá nhân lãnh đạo cấp cao trong mô hình trường ĐHTT KVLN của Mỹ. Bù lại, các khoản đóng góp của họ sẽ được chính phủ miễn hoặc giảm thuế thu nhập cá nhân và danh tính của họ sẽ được trân trọng, tôn vinh và lưu truyền xuyên suốt lịch sử nhà trường thông qua việc tên các khoa, các tòa nhà, các trung tâm, các tổ chức trực thuộc trường được đặt tên theo danh tính của họ.
 
Các Hiệu trưởng có đóng góp nổi trội cho trường cũng được tôn vinh tương tự. Một hình thức phổ biến là danh tính của họ trở thành danh hàm giáo sư phong cho các giảng viên uy tín thuộc hàng bậc nhất nhì hiện tại của Trường. Thí dụ, J. Donald Monan, SJ, Hiệu trưởng thứ 24 của ĐH Boston, giữ chức vụ Hiệu trưởng lâu đời nhất trong lịch sử của BC (1972-1996), tên ông được vinh dự trở thành danh hàm của các hàm giáo sư. Tiến sĩ Philip Altbach trong thời gian công tác tại trường (1995-2013), là giám đốc sáng lập và điều hành Trung tâm Giáo dục đại học quốc tế (Center for International Higher Education – CIHE) tại BC được phong hàm giáo sư với danh hàm cụ thể như sau: “Philip G. Altbach, J. Donald Monan, SJ University Professor at Boston College”.
 
Đặc điểm và cơ chế vận hành tài chính
 
Nguồn thu của các trường ĐHTT KVLN tại Mỹ nói chung chủ yếu đến từ: học phí và phí (tuition and fees), thu nhập từ các khoản hiến tặng3 (income of endowments), tài trợ cho nghiên cứu của giảng viên (grants for research), hỗ trợ học phí (finanaical aids) từ nguồn của chính phủ và của trường; và học bổng (scholarships/fellowships) cho sinh viên và các nguồn vận động hằng năm khác (annually raised funds). Chẳng hạn như ngân sách hoạt động của BC hằng năm khoảng 1 tỉ USD, trong đó nguồn ngân sách đến từ học phí và phí chiếm 70%, từ thu nhập của các khoản hiến tặng (lũy kế đến năm 2014 là 2,2 tỉ USD) chiếm 10%, tài trợ của chính phủ và các doanh nghiệp cho nghiên cứu chiếm 10% và các nguồn vận động hằng năm chiếm 10%. Về chi tiêu, BC sử dụng khoản 15-30% để chi cho lương; tài trợ cho sinh viên đại học và sau đại học chiếm một phần rất nhỏ (150.000 USD), còn lại chi cho các hoạt động thường xuyên, bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị, cơ sở vật chất và tái đầu tư cơ sở vật chất.
 
Bộ phận tài chính của trường được ví như một công ty tài chính. Họ tư vấn chiến lược và phương thức vận hành tài chính để “tiền đẻ ra tiền”, tức sử dụng các nguồn thu sao cho có thể tạo ra thêm thu nhập cho trường một cách hiệu quả và hợp pháp. Ngoài ra, họ còn có đội ngũ vận động gây quỹ chuyên nghiệp thông qua hoạt động của các hội cựu sinh viên, mối quan hệ với các doanh nghiệp, tổ chức tài chính. Điều quan trọng không kém là đội ngũ các giáo sư và nhà nghiên cứu có uy tín của trường cũng đã góp phần mang lại nguồn thu lớn cho nhà trường thông qua các đề án nghiên cứu được chính phủ và các tổ chức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau tài trợ.
 
Cơ chế quản lý và chính sách của nhà nước đối với các trường ĐHTT KVLN
 
Cơ chế quản lý của nhà nước
 
Tại Mỹ, về nguyên tắc, không có cơ quan nhà nước cụ thể nào của chính phủ được phân công quản lý các trường cao đẳng, đại học công lập và tư thục mặc dù chính quyền liên bang và tiểu bang đều có các chương trình hỗ trợ tài chính cho các trường thông qua nhiều kênh khác nhau. Tuy nhiên, các trường buộc phải tuân thủ nghiêm luật lệ và quy định của cấp liên bang và tiểu bang. Thí dụ, các quy định về phòng, chống phân biệt chủng tộc, lạm dụng/quấy rối tình dục, quy định về thuế, về tạo thu nhập, quản lý tài sản, về xử lý chất độc hại,… nhằm để đảm bảo an toàn, an ninh, và quyền lợi của các thành viên trong trường. Đôi khi những quy định này được xem là “quá tải” đối với trường. Tính đến năm 2012, đã có đến 270 quy định được ban hành và cập nhật bổ sung của chính phủ liên bang chi phối hoạt động của các trường trên toàn quốc4.
 
Chính sách của Nhà nước
 
Ở Mỹ, các cơ sở đào tạo công lập và tư thục đều có cơ hội ngang nhau trong tiếp cận các nguồn hỗ trợ tài chính từ chính quyền liên bang. Cụ thể như sau:
 
Các nguồn hỗ trợ sinh viên (Financial aids)
 
Nguồn lớn nhất là các khoản vay ưu đãi trực tiếp cho sinh viên căn cứ vào nhu cầu của bản thân các sinh viên. Khi được hỗ trợ các khoản vay này, sinh viên có thể nộp hồ sơ xin nhập học ở bất cứ cơ sở đào tạo nào mà họ muốn. Theo thống kê, hằng năm chính phủ liên bang đã chi khoảng 150 tỉ USD cho chương trình này. 
 
Các nguồn tài trợ cho nghiên cứu (research grants)
 
Chương trình tài trợ nghiên cứu được xem xét cấp cho các trường đại học trên cơ sở cạnh tranh công bằng, không phân biệt trường công hay tư. Cơ chế này đã tồn tại trong nhiều thập niên. Cụ thể, trong năm tài khóa 1974 (năm học 1973-1974), chính phủ liên bang đã tài trợ tổng cộng 4,46 tỉ USD cho các cơ sở đào tạo để hỗ trợ sinh viên, giảng viên… Tài trợ cho các trường công chiếm 60,8% và trường tư chiếm 39,2%. Gần phân nửa số tiền này tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển; các cơ sở tư thục chiếm 42% tổng nguồn tài trợ và công lập chiếm 52%. Kể từ năm học 1973-1974, số sinh viên được tuyển vào các trường tư thục chiếm 25% tổng số sinh viên cả nước và số trường tư thục chiếm 56% trong tổng số các trường cao đẳng, đại học của cả nước. Điều này chứng tỏ các nguồn hỗ trợ của chính phủ liên bang có phần ưu ái cho các trường tư thục hơn nếu xét trên quy mô sinh viên và cho các trường công hơn nếu xét trên quy mô số lượng trường5.
 
Chính sách ưu đãi thuế (tax incentives)
 
Chính phủ cấp liên bang từ nhiều thập niên qua đã áp dụng chính sách miễn và giảm thuế thu nhập cá nhân cho các nhà tài trợ và đóng góp tài chính cho các trường, bất kể là trường công hay tư. Với chính sách này dù chính phủ bị thất thu thuế, nhưng đã mang một giá trị xã hội to lớn. Đó là kích thích và tạo điều kiện thiết lập một truyền thống, một nét văn hóa hiến tặng của các thành phần xã hội có nguồn lực tài chính mạnh cho giáo dục.Vào những thập niên 1970, chính phủ liên bang đã thất thu hằng năm khoảng 780 triệu USD từ việc miễn giảm thuế thu nhập cho các cá nhân, tổ chức đóng góp cho các cơ sở giáo dục không vì lợi nhuận. Trong giai đoạn này, sinh viên các trường đại học tư thục chỉ chiếm ¼ tổng số sinh viên cả nước, nhưng họ lại nhận đến ¾ tổng số tiền hiến, tặng của xã hội dành cho giáo dục6.
 
Nhìn chung, cơ chế quản lý và chính sách của Chính phủ Mỹ đối với các cơ sở đào tạo đại học nói chung, trong đó có đại học tư thục đã tạo ra cơ chế cạnh tranh lành mạnh, giống nguyên tắc thị trường (competitive and market-like mechanisms­), không phân biệt giữa trường công lập và tư thục, ngay cả chính sách hỗ trợ tài chính cho sinh viên và giảng viên. Đồng thời, mang tính hiệu quả cao về mặt xã hội lẫn kinh tế mặc dù gần đây nhiều nghiên cứu đã lên tiếng về khả năng tiếp cận đại học của giới trẻ Mỹ gặp nhiều khó khăn do hậu quả của suy thoái kinh tế. Chính sách quản lý của chính phủ đã thể hiện sự tin tưởng vào năng lực và tôn trọng quyền tự trị của các trường, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến học thuật. 
 
***
Lời kết
 
Như vậy, qua nghiên cứu điển hình hai trường ĐHTT KVLN của Mỹ và các tài liệu quan trọng có liên quan, cho thấy ba thuộc tính nổi bật nhất về mặt tổ chức và tài chính của hai cơ sở đào tạo đại học này là: (1) tính vô vị lợi trong thực thi vai trò lãnh đạo của đội ngũ lãnh đạo cấp cao trong các trường; (2) tính đa dạng trong nguồn thu và (3) tính chuyên nghiệp trong quản lý, vận hành tài chính của các trường. Vai trò quản lý và chính sách của nhà nước cũng thể hiện ba thuộc tính đặc trưng nhất – công bằng, hiệu quả, tin tưởng- tôn trọng quyền tự quyết của các trường trong mọi lĩnh vực hoạt động, đặc biệt trong tổ chức nội bộ và hoạt động học thuật. 
 
Thiết nghĩ những thuộc tính vừa nêu đối với góc độ từng trường và góc độ nhà nước là không thể tách rời nhau, tức không thể có cái này mà không có cái kia nếu một quốc gia muốn nền giáo dục ĐHTT KVLN tồn tại và phát triển một cách bền vững, có đủ năng lực tạo ra nguồn nhân lực thực sự có chất lượng cao cho xã hội. 
 
Từ đó, thiết nghĩ để Việt Nam giải quyết những vấn đề liên quan đến giáo dục đại học tư thục thực tế đang diễn ra ngày càng căng thẳng trong những năm gần đây thì quan điểm của cả hệ thống chính trị đối với giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng phải thay đổi theo hướng giải phóng cho các trường khỏi những thiết chế cứng nhắc, rập khuôn mà vô hình trung đã can thiệp thô bạo vào quyền tự trị cần có của các cơ sở giáo dục và đào tạo. Sự thay đổi quan điểm phải được thể hiện trước tiên thông qua việc cải đổi hành lang pháp lý và chính sách của nhà nước. Hành lang pháp lý và chính sách của nhà nước ít nhất cần đảm bảo hàm chứa bên trong ba thuộc tính sau: (1) công bằng đối với lĩnh vực công và tư; (2) hiệu quả, thiết thực trong từng khoản hỗ trợ; và (2) tin tưởng – tôn trọng năng lực, tính độc lập của các trường, nhất là trong các vấn đề liên quan đến tổ chức và học thuật; từ đó mới mong gầy dựng được nền quản trị đại học chuyên nghiệp và một nền tự do học thuật thực sự, mở đường cho tư duy độc lập và phát huy tối đa năng lực trí tuệ, sáng tạo của thế hệ trẻ và đội ngũ tri thức tại các trường.
 
Và cũng thiết nghĩ một khi hành lang pháp lý và chính sách nhà nước đã hàm chứa ba thuộc tính nêu trên thì vấn đề tổ chức nội bộ và cơ chế vận hành tài chính của các trường ắt sẽ thay đổi theo chiều hướng không vì lợi nhuận đúng nghĩa (không bị méo mó, lai tạp như hiện nay) và mang tính chuyên nghiệp cao. 
———-
Tài liệu tham khảo
Breneman, D. W., & Finn, J. C. (1978). Public Policy and Private Higher Education [Chính sách công và giáo dục đại học tư thục]. Washington D.C: The Brooklines Institution.
Chronicle of Higher Education, Almanac of Higher Education 2014-2015. (Đăng ngày 22/8/2014). LX, No.45. Truy cập ngày 10/5/2015, từ http://chronicle.texterity.com/almanac/201415almanac/?sub_id=BcumDZFZ9Q1Kj#pg3
Dữ liệu gỡ băng các cuộc phỏng vấn các nhà quản trị và chuyên gia giáo dục đại học tại BC và Upenn từ ngày 20/4-07/5/2015.
Gravel, J., & Sherlocks, M. (2013). Tax Issues Relating to Charitable Contributions and Organizations [Các vấn đề thuế liên quan đến các khoản đóng góp và các tổ chức từ thiện]. Congressional Research Service. Truy cập ngày 10/5/ 2015, từ http://www.pgdc.com/pgdc/crs-reports-tax-issues-relating-charitable-contributions-and-organizations.
The National Center for Education Statistics [Trung tâm thống kê giáo dục quốc gia], Institute of Education Sciences [Viện khoa học giáo dục], U.S. Department of Education [Bộ Giáo dục Mỹ]. (2014). Grants and loan aid to undergraduate students [Các nguồn tài trợ và vay ưu đãi cho sinh viên bậc đại học].
Zumeta, W. (2011). State Policies and Private Higher Education in the U.S.A: Understanding the Variation Comparative Perspective [Chính sách tiểu bang và giáo dục đại học tư thục tại Mỹ: tìm hiểu mức độ dao động trên cơ sở so sánh]. Journal of Comparative Policy Analysis: Research and Practice, 13(4), 425-442.
10 Universities that Receive The Most Government Money [10 trường đại học nhận nhiều tiền của chính phủ nhất]: 24/7 Wall St. (29/4/2013). Truy cập ngày 15/5/2015, từ http://www.huffingtonpost.com/2013/04/27/universities-government-money_n_3165186.html?
——
*Nội dung bài này chỉ là một phần trong đề tài nghiên cứu về các vấn đề nổi cộm của đại học tư thục tại Việt Nam và bài học kinh nghiệm từ Mỹ, được thực hiện tại Việt Nam và Mỹ năm 2015 dưới sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED), Trường Đại học Temple (Mỹ) và Quỹ LUCE Foundation. Nội dung bài không phản ánh quan điểm của các bên hỗ trợ mà chỉ nêu bật kết quả thu thập được trong quá trình nghiên cứu của cá nhân tác giả.
2Breneman, D. W., & Finn, J. C. (1978). Public Policy and Private Higher Education [Chính sách công và giáo dục đại học tư thục]. Washington D.C: The Brooklines Institution; và Chronicle of Higher Education, Almanac of Higher Education 2014-2015. (Đăng ngày 22/8/2014). LX, No.45. Truy cập ngày 10/5/2015, từ http://chronicle.texterity.com/almanac/201415almanac/?sub_id=BcumDZFZ9Q1Kj#pg3
3 Thu nhập của các nguồn hiến tặng có thể bao gồm các khoản sau: tiển lãi gửi tiết kiệm ngân hàng, lãi từ việc đầu tư cổ phiếu, đầu tư tài chính,…
4 Dữ liệu từ cuộc phỏng vấn một học giả ở Upenn, đồng thời là thành viên của Hội đồng các Thành viên tín thác và Cựu Sinh viên Mỹ (American Council of Trustees and Alumni)
5Breneman, D. W., & Finn, J. C. (1978). Public Policy and Private Higher Education. Washington D.C: The Brooklines Institution
6Breneman, D. W., & Finn, J. C. (1978). Public Policy and Private Higher Education [Chính sách công và giáo dục đại học tư thục]. Washington D.C: The Brooklines Institution

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *