Trong các ngày 12-13/05/2016, trong khuôn khổ hợp tác quốc tế của năm, Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Áp dụng công cụ foresight trong hoạch định chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”.
Tới tham dự Hội thảo có các chuyên gia quốc tế từ Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Áo, Đan Mạch và các chuyên gia Việt Nam từ một số Sở KH&CN, Vụ và đơn vị nghiên cứu khác, và nhiều cán bộ Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN.
PGS.TS. Hoàng Minh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Hoàng Minh, Viện trưởng Chiến lược và Chính sách KH&CN đã nhiệt liệt chào mừng các đại biểu về tham dự Hội thảo, đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Hội thảo nhằm hỗ trợ phương pháp luận cho quá trình xây dựng chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn tiếp theo.
Hội thảo được tổ chức trong hai phiên làm việc ngày 12-13/5/2016 với các chủ đề về công cụ và kinh nghiệm ứng dụng foresight và ứng dụng trong xây dựng chiến lược phát triển KH&CN và ĐMST.
TS. Dietmar Lampert trình bày báo cáo tại Hội thảo
Mở đầu Hội thảo với bài trình bày “Khái niệm, cách tiếp cận và ứng dụng công cụ foresight trong xây dựng chiến lược phát triển KH&CN và ĐMST”, TS. Dietmar Lampert (chuyên gia Áo) đã bắt đầu bằng một câu hỏi với toàn thể Hội nghị “tại sao chúng ta lại có mặt ở đây”, từ đó định hướng mối quan tâm của các thành viên tham gia và trình bày các vấn đề nhằm trực tiếp giải đáp mối quan tâm của họ. TS. Lampert nhấn mạnh foresight là một tiến trình nhằm hỗ trợ cho việc xây dựng chính sách chứ không phải là tiến trình xây dựng chính sách.
Phiên trao đổi thảo luận bài trình bày của chuyên gia quốc tế
Trong bài trình bày về kinh nghiệm của Thái Lan trong việc ứng dụng Foresight trong xây dựng chiến lược phát triển KH&CN và ĐMST, TS. Nares Damrongchai (Giám đốc điều hành trung tâm xuất sắc về Khoa học sự sống TCELS), đã trình bày với hội nghị về triết lý cơ bản và ý nghĩa của công tác Foresight. TS. Damrongchai cho rằng, foresight có thể giúp các nhà chiến lược nhìn trước được các vấn đề có thể xảy ra trong tương lai, là căn cứ để xây dựng các kịch bản tương ứng để đối phó.
Hội thảo cũng nghe các bài trình bày của các chuyên gia về kinh nghiệm của Việt Nam về ứng dụng Foresight, thể hiện qua các hoạt động từ vận động việc sử dụng foresight, cho tới việc ứng dụng foresight thử nghiệm trong một số ngành/lĩnh vực cụ thể. Một điều dễ thấy qua các báo cáo này, thực tế foresight chưa phải là một kênh độc lập cung cấp hỗ trợ cho quá trình làm chính sách tại Việt Nam. Điều này được lý giải phần nào do bối cảnh thực tế tại quốc gia nơi áp dụng foresight. Những liên hệ này sẽ là gợi ý hữu ích cho việc ứng dụng foresight sau này.
Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp sau hai phiên làm việc./.
Nguồn: Quang Hà, Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN