"Bộ KH&CN quan điểm lấy doanh nghiệp làm trung tâm để đổi mới và ứng dụng KH&CN, tập trung các nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đầu tư tới ngưỡng để hình thành, phát triển các sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao".
Đó là phát biểu của thứ trưởng Trần Quốc Khánh trong buổi hội thảo giới thiệu "Các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia" diễn ra sáng 19/5 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đ. Dung
Trong những năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã có những thay đổi mạnh mẽ về cơ chế quản lý, tổ chức nhiều hoạt động về KH&CN cũng như xây dựng chính sách nhằm huy động mọi nguồn lực – đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế – tham gia và đầu tư cho phát triển KH&CN. Trên cơ sởđ ó, Bộ KH&CN đã trình Thủ tướng ban hành các quyết định phê duyệt Các chương trình KH&CN quốc gia.
Theo đó có 6 chương trình gồm: Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020; chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020; chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020; chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; chương trình hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về KH&CN đến năm 2020; chương trình tìm kiếm và chuyển gia công nghệ nước ngoài đến năm 2020.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết: Thông qua chương trình KH&CN quốc gia, Bộ KH&CN mong muốn đồng hành và chia sẻ với các doanh nghiệp, tổ chức KH&CN thông qua các chương trình các nhiệm vụ KH&CN có giá trị khoa học, hiệu quả kinh tế, ý nghĩa xã hội, trực tiếp phục vụ nhu cầu thực tiễn, phát triển đất nước.
Nói về điểm khác biệt của chương trình KH&CN quốc gia so với các chương trình KH&CN đã triển khai,ông Nguyễn Phú Bình – Phó Giám đốc văn phòng các chương trình KH&CN quốc gia – cho biết: "Đối tượng trọng tâm mà chương trình KH&CN quốc gia hướng tới là các doanh nghiệp và các sản phẩm có khả năng thương mại hóa từ các nhiệm vụ, các chương trình nghiên cứu. Điều đó có nghĩa là nhiệm vụ trong các chương trình nghiên cứu cơ bản sẽ là đầu vào cho các chương trình KH&CN quốc gia, nhằm tăng tính ứng dụng của các nội dung nghiên cứu".
Mặc dù mới triển khai được 2 năm nhưng đã có 77 nhiệm vụ, chương trình được đưa vào ứng dụng thực tiễn. Điển hình như Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương Navetco đã làm chủ được công nghệ và sản xuất được vắcxin thuốc thú y, cung ứng thị trường trong nước thay vì phải nhập khẩu như trước đây. Nhờ đó, hằng năm doanh thu của công ty đạt khoảng 82 tỷ từ sản phẩm này.
Minh Nhật