Khai mạc Diễn đàn khoa học của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế về vai trò của kỹ thuật hạt nhân trong việc nâng cao sức khỏe con người

Diễn đàn khoa học của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) với chủ đề “Kỹ thuật hạt nhân đối với sức khỏe con người: Phòng ngừa, Chẩn đoán và Điều trị” được khai mạc vào 9h30 (14h30 giờ Hà Nội) ngày 19/9/2017 tại Trụ sở của IAEA ở Viên, Áo. Lễ khai mạc có sự tham dự của Ngài Yukiya Amano – Tổng giám đốc IAEA, đại diện quan chức của 168 nước thành viên IAEA và các khách mời quốc tế. Đại diện đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Diễn đàn gồm có TS. Hoàng Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử và TS. Trần Chí Thành – Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.

Tổng giám đốc IAEA - Ngài Yukiya Amano phát biểu khai mạc Diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Ngài Yukiya Amano – Tổng giám đốc IAEA nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong lĩnh vực y tế, đóng góp to lớn trong việc cứu sống hàng chục triệu người trên thế giới. Được ứng dụng lần đầu tiên vào năm 1930, các kỹ thuật hạt nhân trong y tế ngày càng phát triển rộng rãi, phục vụ chẩn đoán, điều trị và quản lý nhiều căn bệnh như: các kỹ thuật xạ trị, y học hạt nhân trong chẩn đoán, điều trị ung thư; ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị trong giám sát chế độ dinh dưỡng của con người; kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh trong quản lý tình trạng sức khỏe, … Trong những năm qua, IAEA đã hỗ trợ nhiều quốc gia thành lập các cơ sở y học hạt nhân, xạ trị và hỗ trợ đào tạo các bác sĩ, nhà vật lý y học, bác sĩ X-quang, y tá, các nhà nghiên cứu, trong đó có việc hỗ trợ thành lập Mạng lưới chống ung thư châu Phi (AFRONET). Với phương châm “Nguyên tử vì Hòa bình và Phát triển”, Ngài Tổng giám đốc IAEA tin tưởng rằng các cuộc thảo luận tại Diễn đàn sẽ mang lại những hiểu biết và ý tưởng mới nhằm cải tiến các dịch vụ hiện đang được IAEA cung cấp cho các nước thành viên.

 

Tại Việt Nam, trong thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của IAEA, các Bộ, ban, ngành đã phối hợp triển khai thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì hòa bình đến năm 2020 (Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg ngày 03/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ), Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong y tế đến năm 2020 (Quyết định số 1958/QĐ-TTg ngày 04/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ) và thu được một số kết quả tích cực. Ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong y tế phát triển nhanh trên cả 3 lĩnh vực y học hạt nhân, xạ trị và điện quang, nhiều kỹ thuật tiên tiến ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới đã được thực hiện thành công ở Việt Nam. Người dân trong nước đã có thể tiếp cận với các dịch vụ ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong khám, chữa các bệnh hiểm nghèo như ung thư, tim mạch, tiêu hóa, thần kinh với chất lượng tương đương nhưng giá thành rẻ hơn nhiều so với việc ra nước ngoài điều trị.

Tại Phiên khai mạc Diễn đàn, Ban tổ chức đã chiếu phim “Ứng dụng công nghệ bức xạ và đồng vị phóng xạ trong lĩnh vực y tế: ngăn ngừa, chẩn đoán và điều trị bệnh” trong đó có các hình ảnh về GS. TS. Mai Trọng Khoa – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân cùng các đồng nghiệp tại Bệnh viện Bạch Mai đang thao tác trên các thiết bị kỹ thuật hạt nhân hiện đại để điều trị ung thư cho người dân.

 

Diễn đàn khoa học của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế về vai trò của kỹ thuật hạt nhân trong việc nâng cao sức khỏe con người diễn ra trong 02 ngày (19-20/9/2017) sẽ tập trung thảo luận về phương thức để khoa học hạt nhân có thể đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và thúc đẩy phúc lợi cho tất cả mọi lứa tuổi. Diễn đàn là một trong các hoạt động thuộc khuôn khổ Khóa họp lần thứ 61 Đại hội đồng Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế diễn ra từ ngày 18-22/9/2017 tại Viên, Áo./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *