Nơi trao đổi các nghiên cứu, ứng dụng về công nghệ hạt nhân

 
Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 12, sẽ được tổ chức từ ngày 2-4/8/2017, tại Tp Nha Trang, Khánh Hòa. “Hội nghị là nơi gặp gỡ và trao đổi các kết quả nghiên cứu, ứng dụng mới trong lĩnh vực khoa học và công nghê hạt nhân của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành cả ở trong và ngoài nước. Đặc biệt, là cơ hội để các nghiên cứu viên trẻ trong nước có cơ hội giao lưu và trao đổi thêm kiến thức chuyên môn cũng như các kỹ năng thực tế khác…” ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam – VINATOM cho biết tại buổi gặp mặt báo chí nhân dịp sắp diễn ra sự kiện trên.
 
Hậu điện hạt nhân, những vấn đề cần giải quyết
Điện hạt nhân đạt công suất cao nhất trong lịch sử
Vì sao Việt Nam cần một lò phản ứng nghiên cứu mới?
Vai trò công nghệ hạt nhân trong sự phát triển bền vững
 
 
 
VINATOM tổ chức gặp mặt báo chí nhân dịp sắp diễn ra Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 12.
 
Theo ông Trần Chí Thành, Hội nghị lần này được VINATOM tổ chức với quy mô lớn. Do đó, đã thu hút được sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, các cán bộ quản lý của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan, các trường đại học trong nước và nhiều đại biểu quốc tế đến từ các quốc gia có nền KH&CN hạt nhân tiên tiến như: Liên Bang Nga, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Cộng hòa Séc, Hà Lan, Bỉ, Romania, Hungary, Ấn Độ, Singapore…
 
“Đặc biệt, Hội nghị lần này còn có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Tổ chức Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN), và các chuyên gia từ các nước láng giềng như Lào và Campuchia”, ông Trần Chí Thành nhấn mạnh.
 
Tham gia Hội nghị lần thứ 12 có hơn 70 tổ chức trong và ngoài nước với hơn 370 đại biểu là các cán bộ nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng năng lượng nguyên tử thuộc các tổ chức khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, các cán bộ quản lý thuộc các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan trong cả nước, nghiên cứu sinh và sinh viên các trường đại học và hơn 40 giáo sư, nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu quốc tế.
 
Viện trưởng VINATOM cho biết: qua việc tiến hành phản biện một cách nghiêm túc của Hội đồng khoa học, Hội nghị đã chọn được 235 báo cáo, trong đó có 135 báo cáo được trình bày tại 6 Tiểu ban chuyên môn và 79 báo cáo dán bảng.
 
Vào ngày 2/8, tại Phiên toàn thể của Hội nghị sẽ có 21 bài trình bày của các diễn giả khách mời là các nhà khoa học và chuyên gia hàng đầu đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học, các bệnh viện và các tổ chức uy tín trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Việt Nam và quốc tế.
 
Tại Hội nghị lần thứ 12, VINATOM phối hợp với IAEA tổ chức Hội thảo về “Ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, nông nghiệp và y tế” vào chiều ngày 2/8, với 6 bài tham luận của các đại biểu là các chuyên gia Quốc tế đến từ IAEA, Cộng hòa Séc và Việt Nam.
 
Tại Phiên toàn thể, GS. Phạm Duy Hiển, nguyên Phó Viện trưởng VINATOM sẽ trình bày kết quả ứng dụng kỹ thuật phân tích hạt nhân trong nghiên cứu bụi khí. Đại diện Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân (JINR), Dubna, Liên bang Nga, GS. Mikhail Grigorievich Itkis sẽ trình bày về các kết quả nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực hạt nhân và các kế hoạch nghiên cứu trong tương lai tại Dubna.
 
Lần đầu tiên tham dự Hội nghị thuộc ngành năng lượng nguyên tử tại Việt Nam, đại diện của Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) tại Geneva sẽ trình bày kết quả nghiên cứu mới nhật của Vật lý hạt nhân hiên đại về Vật lý Plasma Quark-Gluon với thí nghiệm ALICE tại Large Hadron Collider (Máy gia tốc hạt lớn – gọi tắt là LHC).
 
Đến từ Đại học Bang Bắc Carolina, Hoa Kỳ, GS. Ayman Hawari hiện là Giám đốc Chương trình lò phản ứng hạt nhân của Bang Bắc Carolina sẽ trình bày về kinh nghiệm nâng cấp, vận hành và ứng dụng lò phản ứng PULSTAR.
 
PGS. Chung Keng Yeow, Viện Sáng kiến An toàn và Nghiên cứu hạt nhân (SNRSI), Singapore và TS. Chul Hwa Song, Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hàn Quốc (KAERI), Hàn Quốc sẽ trình bày về kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu về an toàn hạt nhân ở Singapore cũng như chia sẻ về kinh nghiệm phát triển các công nghệ hạt nhân tại Hàn Quốc.
 
Trong lĩnh vực nghiên cứu về cấu trúc hạt nhân, PGS. Nguyễn Quang Hưng, Đại học Duy Tân, sẽ trình bày về các kết quả nghiên cứu gần đây tại Việt Nam về cấu trúc của các mức kích thích trong hạt nhân nguyên tử. Một số kết quả mới nhất của nhóm nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí có uy tín trên thế giới của ngành hạt nhân (Nuclear Physics A).
 
Trong buổi Hội thảo IAEA, TS. Najat Mokhtar đại diện IAEA sẽ trình bày về các chương trình hợp tác kỹ thuật của IAEA hỗ trợ cho các nước thành viên nhằm đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững…
 
Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 12 là sự kiện khoa học quan trọng không chỉ đối với cộng đồng năng lượng nguyên tử Việt Nam mà còn có ý nghĩa lớn đối với thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử của đất nước trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực thúc đẩy khoa học công nghệ, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.
 
Kể từ năm 1996, được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho phép, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) đã 11 lần tổ chức thành công Hội nghị KH&CNHN toàn quốc. Theo kế hoạch, vào năm 2017, Hội nghị KH&CNHN toàn quốc lần thứ 12 sẽ được tổ chức tại thành phố Nha Trang trong 3 ngày từ 02-04/8/2017.
 
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *