Chuyên gia đề xuất, các chương trình khoa học công nghệ quốc gia, có thể nghiên cứu đặt hàng nhiệm vụ dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp để các đề tài mang tính thực tiễn, ứng dụng cao hơn.
Quan điểm được các chuyên gia, nhà quản lý nói tại hội thảo về đánh giá hiệu quả các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ cấp quốc gia do Văn phòng phía Nam, Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hôm 6/12 tại TP HCM.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, phó Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Văn phòng phía Nam cho biết trong mô hình liên kết các nhà (nhà khoa học – nhà doanh nghiệp – nhà nước) đã hình thành tổ chức trung gian kết nối, tư vấn chuyển giao công nghệ. Thực tế các địa phương đã có những tổ chức kết nối, tuy nhiên, ông nhìn nhận các hoạt động diễn ra theo hình thức nhà khoa học giới thiệu công nghệ mình có.
Ông Cường đề xuất thay đổi cách thức theo hướng ngược lại. Doanh nghiệp sẽ đề cập nhu cầu, nhà khoa học nghe và nghiên cứu giải pháp công nghệ phù hợp. “Doanh nghiệp khi giới thiệu nhu cầu, nhà khoa học với khả năng chuyên môn đương nhiên sẽ nắm bắt được và suy nghĩ hướng nghiên cứu đáp ứng nhu cầu”, ông Cường nói. Các Chương trình khoa học công nghệ quốc gia có thể nghiên cứu theo hướng này để đặt hàng, đề tài mang tính thực tiễn, khả năng ứng dụng cao hơn.
Nhiều năm làm thư ký khoa học chương trình Tây Nam Bộ giai đoạn 2014 – 2021, PGS.TS Từ Diệp Công Thành, Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ, Đại học Quốc gia TP HCM, cho biết các đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ, dù có khung chương trình, nhưng khi đề xuất nhiệm vụ, mỗi nhóm nghiên cứu lại có các giải pháp khác nhau. Ông lấy ví dụ, vấn đề sạt lở sông Tiền, sông Hậu, mỗi đơn vị nghiên cứu đề xuất giải pháp riêng và khi kết hợp lại để giải quyết bài toán lớn tính khả thi không cao. Do đó, cần có một đơn vị trung gian đánh giá sự phù hợp của các giải pháp công nghệ.
Ngoài ra, các công nghệ cần đáp ứng các tiêu chí rõ ràng, minh bạch mang tính định lượng, tính được điểm số cho từng giải pháp. Hội đồng đánh giá các nghiên cứu cần được yêu cầu tính trách nhiệm cao hơn. Hội đồng phải chịu trách nhiệm, thậm chí phải bị xử lý nếu đề tài nghiên cứu không đạt kết quả, mục tiêu đặt ra.
Đồng tình, TS Phạm Ngọc Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu đổi mới và phát triển bền vững, cho rằng các nhiệm vụ khoa học công nghệ phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn địa phương, doanh nghiệp. Để nâng cao tính thực tiễn, TS Minh đề xuất các đề tài có cùng mục tiêu giải quyết một vấn đề cụ thể cần được lồng ghép thực hiện bằng sự phối hợp các cơ quan quản lý, để cộng hưởng các nguồn lực tăng khả năng ứng dụng quy mô lớn.
Hà An/VnExpress