Ngày 03/10/2024, tại Hà Nội, Cục Lâm nghiệp đã phối hợp với Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam tổ chức Hội thảo “Carbon rừng – Tiềm năng tạo nguồn tài chính mới cho bảo vệ và phát triển rừng”.
Với vai trò là thành viên của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Thỏa thuận Paris, Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc giảm phát thải khí nhà kính. Đặc biệt, Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) năm 2021, Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Cam kết này mở ra những cơ hội mới cho ngành lâm nghiệp trong việc thiết lập và vận hành cơ chế tài chính nhằm huy động nguồn lực quốc tế và trong nước, thông qua việc phát triển thị trường và thúc đẩy trao đổi tín chỉ carbon rừng.
Hiện tại, lâm nghiệp là lĩnh vực duy nhất có khả năng phát thải ròng âm, nhờ vào quá trình bảo vệ và phát triển rừng của cả hệ thống chính trị và sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế. Tuy nhiên, thị trường carbon rừng ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, gặp nhiều khó khăn và thách thức.
Với hơn 14,8 triệu ha rừng, chiếm khoảng 42,02% diện tích tự nhiên – rừng Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu. Theo ước tính, nếu được quản lý và phát triển tốt, thị trường này có thể mang lại hàng trăm triệu USD mỗi năm. Nguồn lợi này sẽ giúp mang lại nguồn thu lớn cho lâm nghiệp, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường.
Để thúc đẩy phát triển thị trường và triển khai thương mại tín chỉ carbon rừng trong thời gian tới, cần thực hiện một số nhiệm vụ như: nghiên cứu tiềm năng và phân bổ hạn ngạch giảm phát thải và hấp thụ carbon từ rừng cho các địa phương; hoàn thiện thể chế chính sách về chuyển nhượng và quản lý tài chính nguồn thu từ tín chỉ carbon rừng; xây dựng tiêu chuẩn carbon rừng Việt Nam, phương pháp luận tính toán kết quả giảm phát thải và hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định lượng giảm phát thải/tăng hấp thụ carbon của rừng; hướng dẫn xây dựng và triển khai thí điểm một số dự án tiềm năng; tăng cường hợp tác, huy động nguồn lực quốc tế và khối tư nhân… Bên cạnh đó, các địa phương, cũng cần chủ động huy động và lồng ghép các nguồn lực hợp pháp thực hiện các biện pháp giảm phát thải/tăng hấp thụ trong lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
CT