Ngày 16/8/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre và Trường đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học ngành dừa với chủ đề: “Bến Tre phát triển xanh và bền vững hướng đến net zero”.
Hội thảo được tổ chức với mục tiêu trao đổi kiến thức về những định hướng nghiên cứu mới trong việc khai thác những tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của ngành dừa tỉnh Bến Tre trong bối cảnh hội nhập quốc tế, làm nền tảng xây dựng các giải pháp phù hợp nâng cấp chuỗi giá trị dừa của tỉnh trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh điều hành Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết: Tỉnh Bến Tre có diện tích dừa lớn nhất cả nước với hơn 79.000 ha, giúp địa phương thu về hơn 400 triệu USD mỗi năm. Tính đến nay, các sản phẩm từ dừa của Bến Tre đã xuất khẩu sang 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thị trường xuất khẩu các sản phẩm từ dừa tiếp tục được các doanh nghiệp giữ vững và mở rộng.
Theo các nhà nghiên cứu, với diện tích dừa trên 79.000 ha, Bến Tre có tiềm năng lưu trữ từ 1,9 đến 5,8 triệu tấn CO2. Ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã, đang tập trung để tiếp tục phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bến Tre hiện có hơn 200 sản phẩm được sản xuất, chế biến từ dừa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
PGS.TS. Trần Trung Tính – Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết: Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng, cấp thiết đối với sự phát triển bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đồng thời khẳng định vai trò, vị trí của cây dừa trong nền kinh tế nông nghiệp, và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cùng tiềm năng lưu giữ carbon của loại cây này. Nhiều nghiên cứu cho thấy, tiềm năng tín chỉ carbon từ dừa rất lớn. Cây dừa không chỉ là nguồn nguyên liệu chủ yếu cho các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm và các sản phẩm phụ từ vỏ, xơ, gáo dừa… đều có giá trị kinh tế cao và đã tạo nên một chuỗi giá trị bền vững cho ngành dừa Việt Nam.
Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đề xuất giải pháp, kỳ vọng hợp tác trong phát triển ngành dừa bền vững hướng đến net zero của các chuyên gia quốc tế và trong nước, các doanh nghiệp trong và ngoài nước như: Xác định khả năng hấp thụ CO₂ từ dừa; Ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo và nhân giống dừa hướng đến sự phát triển bền vững cây dừa cho các tỉnh ĐBSCL; Tiềm năng và giải pháp phát triển bền vững chuỗi giá trị ngành hàng dừa ở ĐBSCL; Thị trường tín chỉ các-bon: kinh nghiệm quốc tế và khung chính sách của Việt Nam; Phát triển liên kết vùng nguyên liệu, mở rộng diện tích trồng dừa chuyên canh, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; Định hướng ngành dừa tham gia chương trình KH&CN cấp quốc gia hướng tới mục tiêu net zero…
Tiếp thu các kiến nghị tại Hội thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh đề xuất Bộ KH&CN hỗ trợ Bến Tre tham gia các chương trình KH&CN liên quan đến phát triển bền vững về cây dừa, hướng tới xây dựng Bến Tre thành nền kinh tế xanh, bền vững.
Thứ trưởng Hoàng Minh và các đại biểu tham quan các gian hàng.
Thông qua Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm nhằm nắm bắt cơ hội mới trong việc xây dựng tín chỉ carbon cho ngành dừa. Từ đó, kết nối các Bộ, ngành, tổ chức, viện trường hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn cách tính tín chỉ carbon, đánh giá chứng nhận, thị trường tiêu thụ, phục vụ công tác hoạch định chính sách, chiến lược phát triển ngành dừa Bến Tre bền vững.
Trong chương trình Hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác về đào tạo, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2024-2025 giữa UBND tỉnh Bến Tre với Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam, Đại học Cần Thơ, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN