1. Sổ tay thuật ngữ viết tắt Anh – Việt dùng trong ngành dược
Trong quá trình tiếp cận với các tài liệu dược học tiếng Anh, đặc biệt là tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các cơ quan quản lý dược như: Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (US FDA), Cơ quan Quản lý Dược châu Âu (EMA), sách chuyên khảo, công trình nghiên cứu và các bài báo khoa học… bạn đọc sẽ gặp rất nhiều thuật ngữ dưới dạng viết tắt (Acronyms & Abbreviations). Cùng với quá trình toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, thuật ngữ viết tắt đang được công nhận và sử dụng ngày càng phổ biến trong nhiều ngành khoa học và lĩnh vực kinh tế – kỹ thuật, trong các ấn phẩm và tạp chí chuyên ngành. Được cấu tạo từ các ký tự đầu của một tổ hợp từ khoa học – kỹ thuật tiếng Anh, thuật ngữ dưới dạng viết tắt có khả năng chuyển tải thông tin nhanh và làm cho văn bản, tài liệu được ngắn gọn, sáng sủa hơn, tránh lặp lại… Tuy nhiên, nhiều khi thuật ngữ dưới dạng viết tắt lại là thách thức cho người đọc. Ghi nhớ các thuật ngữ viết tắt đối với những người đọc bận rộn là một việc khó khăn.
Các thuật ngữ viết tắt trong tài liệu này được chỉnh lý và biên soạn trên cơ sở Phụ lục I – Thuật ngữ Dược học viết tắt của ấn phẩm Thuật ngữ Dược học Anh – Việt tái bản lần thứ nhất năm 2020, được bổ sung khoảng 1.500 thuật ngữ mới. Tác giả hy vọng cuốn sách này có thể giúp các sinh viên dược khoa, dược sỹ… làm quen với các thuật ngữ viết tắt thường dùng và có thể tra cứu dạng đầy đủ (tổ hợp từ nguyên dạng) các thuật ngữ này khi tiếp cận với các tài liệu tiếng Anh chuyên ngành dược học, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý dược và công nghiệp dược.
2. Sức bền vật liệu
Sức bền vật liệu là môn học cơ sở cho các ngành kỹ thuật cơ khí, công nghệ chế tạo máy, kỹ thuật cơ điện tử, kỹ thuật nhiệt và kỹ thuật xây dựng ở trình độ đại học. Môn học cung cấp cho sinh viên kiến thức cơ bản về thiết kế các cấu kiện xây dựng hay các chi tiết máy nhằm đáp ứng các yêu cầu về an toàn và tính kinh tế. Để đáp ứng sự thay đổi trong chương trình đào tạo và tích hợp giữa lý thuyết và thực hành, nhóm tác giả đã biên soạn lại giáo trình môn học cho phù hợp với nội dung giảng dạy của các chương trình đào tạo thuộc Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng.
Giáo trình “Sức bền vật liệu” được tích hợp thêm phần thực hành thí nghiệm trong mỗi chương để sinh viên có thể vận dụng phần lý thuyết đã học vào giải thích kết quả của quá trình thí nghiệm. Nhóm tác giả đã chọn lọc nhiều bài tập từ các tình huống thực tế để sinh viên có thể vận dụng tốt hơn các kiến thức được học trong việc mô hình hóa, lựa chọn phương pháp tính toán phù hợp. Bên cạnh đó, giáo trình còn đưa thêm các ví dụ mô phỏng bằng các phần mềm hiện đại như Abaqus để sinh viên có thể vận dụng so sánh với lý thuyết được học và làm quen với các thuật ngữ tiếng Anh liên quan đến tính toán thiết kế bền.