Việt Nam có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn với sự gia nhập của các tập đoàn hàng đầu thế giới và sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn trong nước. Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (CNC) kết hợp với các viện trường, doanh nghiệp chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ hoạt động nghiên cứu, đáp ứng nhu cầu khi các dự án lớn vào đầu tư.
Thông tin trên được ông Trần Đắc Trung, Phó Ban quản lý Khu CNC chia sẻ tại Hội thảo “Phát triển nhân lực cho công nghiệp bán dẫn” ngày 30/7/2024, tại Hà Nội.
Ông Trần Đắc Trung cho biết, CNC và công nghiệp bán dẫn là ưu tiên hàng đầu trong thu hút đầu tư. Để thu hút đầu tư ngành bán dẫn, phát triển nhân lực là yếu tố then chốt. Muốn làm việc này cần làm tốt việc kết nối ba nhà gồm: Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp.
Ông Trần Đắc Trung phát biểu tại Hội thảo.
Theo ông Trần Đắc Trung, trong thời gian tới, Khu CNC sẽ xây dựng danh mục các dự án hạ tầng xã hội cần thiết để thu hút, đáp ứng nhu cầu làm việc và học tập của chuyên gia, nhà nghiên cứu, sinh viên, doanh nghiệp. Đây cũng là nơi đặt trụ sở của nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn như FPT, Viettel, VKIST, NIC… Các đơn vị này sẽ tham gia vào việc kết nối, đào tạo nhân lực bán dẫn đáp ứng nhu cầu thực tế.
Đặt công nghiệp bán dẫn là 1 trong 9 ngành mũi nhọn phát triển, theo đại diện Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST), trong thời gian tới, cùng với sự hỗ trợ của Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, VKIST sẽ tập trung đào tạo nhân lực và xây dựng trang thiết bị cho phòng nghiên cứu vi mạch, bán dẫn tại Việt Nam. VKIST cũng có kế hoạch hợp tác với công ty Accretech (Nhật Bản) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn và hệ thống đo lường chính xác để xây dựng phòng nghiên cứu.
Trong khuôn khổ Hội thảo diễn ra Tọa đàm về thế mạnh, cơ hội, thách thức của Khu CNC; vai trò, nhiệm vụ của Ban Quản lý/doanh nghiệp/viện nghiên cứu/trường đại học trong việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Khu CNC; những định hướng phát triển nhân lực ngành bán dẫn tại Khu CNC.
Các đại biểu tham gia Tọa đàm chia sẻ thế mạnh, cơ hội, thách thức trong việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
TS Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cho biết, Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” dự báo cần khoảng 50 nghìn kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn. Trên thực tế, qua khảo sát các trường đại học lớn của Việt Nam cho thấy, Việt Nam hoàn toàn có khả năng đào tạo 50 nghìn kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn. Do vậy, thời gian tới, các chương trình đào tạo của Việt Nam cần được đa dạng hóa, chú trọng nâng cao, chuyển đổi và liên thông; việc hợp tác đào tạo quốc tế cần được triển khai bài bản, hiệu quả, có trọng tâm; xây dựng nguồn nhân lực phải đi đôi với xây dựng hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn và dựa trên thế mạnh và lộ trình phát triển của Việt Nam.
Đồng quan điểm trên, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT cho rằng, có 3 thách thức lớn trong đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, đó là: Đào tạo số lượng lớn cho một ngành công nghiệp; thời gian đào tạo ngắn bởi trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam có cơ hội trong 3 năm là tối đa; và nguồn nhân lực này buộc phải “nhảy” vào cuộc chơi toàn cầu, nghĩa là phải đào tạo chuẩn quốc tế để có thể làm việc và học tập ở nước ngoài.
Theo TS. Lê Trường Tùng, trường Đại học FPT năm 2024 dự kiến tuyển 1.000 chỉ tiêu liên quan đến thiết kế vi mạch. Nhà trường cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các trường đại học ở Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN